Ánh mắt của mẹ
Năm nay mình 37 tuổi, có một con trai với gần 20 năm la liếm kinh kỳ. Mẹ vẫn nấu cho mình nước, thái gừng, rắc muối để ngâm chân...
Nụ cười của bà Trần Thị Kim Anh (mẹ của tác giả) bên các cháu nội ngoại - Ảnh Trần Việt Dũng
Năm 1996, nhớ ngày mình thi đỗ học sinh giỏi toàn quốc, đạp xe về ngay trong đêm khi thị xã Hà Tĩnh lên đèn, bố mẹ bật đèn lên hỏi chuyện. Mẹ cười, ánh mắt sáng long lanh như ngọn đèn. Bố nói to, khoẻ mạnh và cười sảng khoái.
Ngày mình cưới vợ, mẹ mình chúc con hạnh phúc, cười ân cần với hàng xóm, quan khách. Khi đón dâu về, ánh mắt mẹ vẫn không hết âu lo.
Ngày mình đón chào đứa con trai đầu lòng, mẹ mình cuống cuồng bắt xe ra Thủ đô và chạy vội vào viện Phụ sản. Những ngày sau đó, mẹ mình không chú ý gì đến mình nữa mà cháu cháu, giặt giũ, nấu nướng, hối thúc bố và các em quét dọn, cơm cháo cho mẹ thằng cò.
Ngày mình ly hôn, mẹ mình im lặng, ngồi như hoá đá ở ghế sopha, nơi trước đó vài tháng có thằng cháu nội đích tôn chạy nhảy, tè bậy, lê la. Ánh mắt mẹ trĩu nặng đầy âu lo. Có lẽ mẹ cảm nhận được được kiếp sống nhọc nhằn và bất an mà con trai mẹ mang vác, khi hắn đã bắt đầu đi qua một phần ba cuộc đời. Bố đóng chặt cửa, không đọc, không ngủ và không nói. Bố nhìn mẹ, mẹ nhìn vào hư không, bố mẹ con chẳng nói điều gì. Cháu mẹ đã theo mẹ cháu về ngoại.
Mẹ bảo tau thương thằng Thuỵ Nguyên nhất nhà. Mẹ dặn các con dâu, con gái con rể thương lấy cháu. Mẹ nói trong nhiều đứa cháu thì tau thương thằng Thuỵ Nguyên nhất. Mẹ nói thế vì nghĩ thế, không giấu diếm. Từ ngày vợ chồng mình ly hôn, mẹ không hỏi nhiều về mình trong các cuộc thoại, câu trước câu sau đã hỏi Thuỵ Nguyên ở đâu, làm gì, ăn chưa, lạnh không, ai trông và một trăm thứ mà mình chưa thể trả lời….
Ngày mình khổ đau vì tình, mẹ mình cũng im lặng nhìn mình, trong mắt mẹ mình có đám mây u ám. Trời như sắp bão, nghẹt thở. Mẹ lúi húi mở cửa lúc 4 giờ sáng trời lạnh lẽo, tiễn mình đi, không sờ tay, không nói. Bố mình nhìn con, nói nhỏ, 'thôi con, thôi con'. Một mình con mẹ ra thành phố, đến Vinh mở máy tính ra viết cái gì đó mất một tiếng và chạy đến Thủ đô đúng 9 giờ sáng. Đi trên cao tốc, mẹ gọi điện bảo con dừng xe lại mẹ nói chuyện. Mẹ bảo, con cố gắng, cố gắng nhé, rồi chợt ngắt quãng, nghe mắt mẹ ầng ậng nước, nghe mắt mình cay cay, nghe cuộc sống chuyện động dữ dội, nghe lòng mình nhẹ tênh, nghe cuộc đời trôi qua trong những cái nghiến răng….
Mình nhớ ngày mình ốm nằm viện, văng vẳng tiếng mẹ hỏi han ân cần. Giọng lo lắng và đầy xót xa. Mẹ cách mình 300km nhưng mình hình dung được mẹ âu sầu, đi lại trong nhà. Nhà chỉ còn bố và mẹ nên trống trải hơn. Những ngày mình ốm là những ngày nhà vắng lặng. Bố nhìn mẹ mà chẳng nói câu nào.
Về nhà thăm mẹ, bố mẹ hớn hở nấu gà lá nghệ, nước gà ngọt không thể tả. Mẹ ngập ngừng, 'con cô đơn mấy năm rồi, con thương ai, ai thương con thì quyết nhanh con nhé. Các em con ai cũng đã có gia đình, có chồng có vợ có con cái, có cuộc sống riêng, không chăm sóc sớm hôm như hồi mấy anh em ở với nhau được nữa. Không ai bằng vợ chồng. Lấy vợ đi con, ai cũng được'. Mình nhìn lại mẹ, thấy ánh mắt ấy cũng chứa chan hy vọng, thấp thoáng nét bất an thăm thẳm.
Nghĩ, phải cưới thôi!
Nghe mình thay đổi công việc, theo một chiều hướng mà mình cho là tốt đẹp hơn, mẹ mừng khôn tả. Mẹ bảo tau và bố mày sống đức độ, tổ tiên phúc to như cột đình nên bay được thừa hưởng. Giọng nói tiếng cười rổn rảng. Vì đó là con mẹ, vì đó là các con mẹ.
Chẳng bao giờ mẹ hỏi lương con có cao không, chẳng bao giờ mẹ hỏi con có bao nhiêu tiền. Mẹ chỉ nói con đừng nóng tính, mẹ chỉ nói con giữ gìn sức khoẻ, mẹ chỉ nói con ăn uống đầy đủ, điều độ. Mẹ không biết con làm gì, nhưng làm gì cũng đừng làm ác, làm bậy nghe con. Bố bảo cho con học hành không phải để con làm ông này bà nọ mà để các con hiểu đạo làm người.
Năm nay mình 37 tuổi, có một con trai với gần 20 năm la liếm kinh kỳ. Mẹ vẫn nấu cho mình nước, thái gừng, rắc muối để ngâm chân. Vẫn gội đầu và kỳ lưng cho mình bên cạnh cái giếng trước sân trong vắt vào mùa hè. Vẫn nghe tim mình quặn lại khi con trai mẹ cảm cúm, lò dò vắt cam cho mình, lò dò vắt khăn đắp lên trán hạ nhiệt khi mình sốt….
Mẹ vẫn coi mình như chính đứa cháu đích tôn của bà. Chàng trai 7 tuổi.
Nhưng những niềm vui của mình, mẹ không phải là người phụ nữ đầu tiên được chia sẻ. Mình chia niềm vui đó cho những cô gái chân dài, những đứa bạn làm ăn, những kẻ ở chốn thành thị... Mẹ cũng biết điều này, nhưng mẹ bảo cũng chẳng quan trọng, miễn là con vui, miễn là con hạnh phúc. Con có thể quên mẹ khi hạnh phúc và thành đạt. Nhưng khi con thất bại, mình biết mẹ sẵn sàng chết vì con…
Trần Việt Dũng