Thứ bảy, 18/05/2024 22:31
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ ba, 07/11/2017 17:48

Từ vụ lương hưu 1,3 triệu: Sao không nghĩ khác, làm khác đi?

Nhiều bạn đọc bày tỏ sự đồng cảm với cô giáo, nhiều bạn đọc cũng phản ánh rằng mức lương của họ nhận được thậm chí còn thấp hơn cô giáo Lan.

Sau khi Báo Gia đình Việt Nam đăng tải những bài viết liên quan tới vụ việc gây xôn xao dư luận về cô giáo mầm non Trương Thị Lan cống hiến 37 năm nhưng hưởng lương hưu là 1.300.000 (một triệu ba trăm ngàn đồng), ngay sau đó, tòa soạn đã nhận được rất nhiều phản hồi từ bạn đọc.

Nhiều bạn đọc bày tỏ sự đồng cảm với cô giáo, nhiều bạn đọc cũng phản ánh rằng mức lương của họ nhận được thậm chí còn thấp hơn cô giáo Lan.

Luat su Pham Ngoc Minh 5

Luật sư Phạm Ngọc Minh

Theo quan điểm cá nhân Luật sư Phạm Ngọc Minh (Công ty Luật TNHH Everest, Hà Nội), những trường hợp lương hưu thấp như cô giáo Lan sẽ là tất yếu nếu đặt trong tổng thể về cơ chế về tiền lương, biên chế của các cơ quan hành chính nhà nước cồng kềnh và hoạt động kém hiệu quả như hiện nay. Tuy nhiên, chính những người trong cuộc hoàn toàn có thể tự giải cứu mình.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, năm 2017 có hơn 3.000 người lao động nhận mức lương hưu dưới 1,3 triệu đồng/tháng mà không chỉ riêng cô giáo Lan. Đã có nhiều ý kiến đề xuất về việc tăng lương, cải thiện thu nhập cho các cán bộ CNVC, hầu hết đều nhận được sự ủng hộ từ cán bộ công chức, viên chức, người lao động; tuy nhiên trên thực tế, để thay đổi tình trạng này trong thời gian ngắn là điều “bất khả thi”.

Tại phiên họp quốc hội ngày 21/10, khi bàn về việc tăng lương cho cán bộ công chức, ĐBQH Trần Du Lịch đã phát biểu: “Không dân nào đóng thuế nuôi nổi bộ máy này”.

Theo vị đại biểu này, để cải cách tiền lương theo đúng lộ trình, cần phải có 40.000 tỉ đồng, một số tiền mà không biết phải “vác cuốc đào đâu ra bây giờ?”.

Nhà hoạch định chính sách PGS.TS Giang Thanh Long – Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý cũng từng nêu đề xuất về việc giảm biên chế, giữ nguyên tổng quỹ lương như sau: Nâng lương cơ sở sẽ điều chỉnh rất lớn về ngân sách, điều này là rất khó. Ví dụ, lương từ 1,3 nâng lên 1,8 triệu đồng, với hơn 2 triệu người hưởng, mỗi năm ngân sách sẽ phải chi thêm 12.000 tỷ đồng. Chưa kể sẽ phải điều chỉnh lương hưu cho gần 2 triệu người - khoản tiền khổng lồ mà quỹ bảo hiểm xã hội phải gánh. Một trong những cách để giải quyết vấn đề này là giảm bớt bộ máy hành chính.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ngày 01/11/2017 mới đây đã bày tỏ lo lắng: “quỹ BHYT vẫn đang kết dư 47.000 tỷ nhưng nguy cơ đến năm 2019 sẽ sử dụng hết”.

luong-huu-giadinhvietnam01-2146

Ảnh minh họa

Như vậy, có thể thấy, quỹ ngân sách nhà nước được sử dụng cho việc xây dựng, kiện toàn hệ thống cơ sở vật chất, giao thông, hệ thống giáo dục – đào tạo, y tế, quốc phòng – an ninh… thì phải gánh thêm một khoản tiền lương và phúc lợi cho các cán bộ công nhân viên chức rất lớn.

Bộ máy nhà nước rất cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, đang là gánh nặng cho ngân sách, cho chính người dân và cách giải quyết triệt để là phải hạn chế, tinh giảm bộ máy hành chính nhà nước. Về việc này đã có chủ trương nhưng tôi cũng dự đoán là trong 10 năm nữa, những vấn đề bất cập trên vẫn chưa giải quyết được.

Riêng trong lĩnh vực giáo dục, cách đây không lâu đã rộ lên vì ý kiến đề xuất của Bộ trưởng Bộ giáo dục về việc chuyển toàn bộ giáo viên biên chế sang hợp đồng. Thế nhưng ý kiến này vấp phải những phản ứng trái chiều ví dụ: phải cân nhắc kỹ về ảnh hưởng của chính sách này đến cuộc sống của hàng triệu giáo viên, những người gắn bó cả cuộc đời với sự nghiệp trồng người. Về việc này, theo dõi phản biện trên thông tin truyền thông, tôi thấy những ý kiến phản đối về việc chuyển giáo viên sang chế độ hợp đồng nhiều hơn ý kiến ủng hộ.

Điều đó cho thấy nhiều người dù thấy đây là bất cập, nhưng vì sức ì, ngại thay đổi, sự lo lắng mất an toàn, nên thiên về việc giữ nguyên thay vì có thể gặp rủi ro nếu thay đổi. Vậy thì, câu chuyện về tiền lương, bảo hiểm, phúc lợi xã hội cho CNVC, để cải thiện được e rằng phải mất một thời gian dài nữa. Vậy là, chúng ta chỉ có hai phương án: một là chấp nhận những bất cập đó (như một sự thật hiển nhiên), việc kêu than cũng chẳng giải quyết được gì, hai là hãy nghĩ tự bản thân chúng ta có thể thay đổi được những bất cập đó.

Nói đến phương án tự cứu mình, Luật sư Nguyễn Thị Yến - Công ty Luật TNHH Everest cũng kể lại những câu chuyện thế này:

Cách đây vài năm, một khách hàng của công ty là một anh bác sĩ. Theo tôi được biết, anh có chuyên môn tốt, đã có bằng thạc sĩ và là viên chức quản lý tại một bệnh viện công, thế rồi anh phát sinh bất đồng với ban lãnh đạo, chúng tôi đã tư vấn cho anh những giải pháp để giải quyết quyền lợi. Nên tôi khuyên anh chuyển việc, tôi và anh đều hiểu rõ rằng: nếu còn làm việc tại đây, anh sẽ không có những ngày bình yên.

Khi đó anh rất băn khoăn, anh bảo: điều đó nói thì dễ, nhưng anh đã gắn bó mấy chục năm với nhà nước, là đảng viên ĐCSVN, bỏ đi tất cả đâu phải việc đơn giản. Anh cũng băn khoăn về vấn đề tuổi tác (anh đã hơn 50 tuổi), rồi vấn đề thu nhập, danh dự, nhìn nhận của xã hội… Tôi thuyết phục anh: anh là người có chuyên môn tốt, sao lại sợ không có việc.

Cuối cùng, anh cũng thống nhất với tôi, tôi có hẹn anh sáu tháng nữa gặp nhau, chắc suy nghĩ của anh sẽ khác bây giờ nhiều. Thực tế là sau khi rời bỏ nhà nước, anh có những thời gian khởi đầu khá vất vả, chuyển chỗ làm nhiều lần, nhưng chưa đến 01 năm sau, anh cùng vợ đã mua lại 01 phòng khám, phần lớn là tiền đi vay, rồi chỉ 01 năm sau đó anh đã trả hết nợ nần. Mới đây gặp anh ở Quảng Ninh, anh rất vui kể với tôi về dự định mua xe, đổi nhà… Khi tôi nhắc lại câu chuyện cũ, vợ chồng anh chỉ cười.

Câu chuyện thứ hai, thực tế tại công ty tôi, một số bạn trẻ là cử nhân luật, cá nhân tôi đánh giá có tiềm năng, đến làm việc nhưng chỉ trong một thời gian ngắn thì xin nghỉ. Lúc đầu khi phỏng vấn, thì các bạn trình bày là: đam mê trở thành luật sư, có khả năng chịu được áp lực công việc, thế nhưng lý do mà các bạn nghỉ việc là đã xin được vào làm công chức nhà nước. Tôi cũng hỏi lại, khi vào đây các bạn nói đến hoài bão, nói đến ước mơ trở thành luật sư giỏi, nói về sự công bằng, đóng góp cho xã hội, nay không phải các bạn đang phủ nhận nó hay sao. Tôi cũng được chia sẻ về “chi phí quà cáp” để trở thành người nhà nước, có bạn nói mất vài ba trăm triệu, cũng có bạn nói là chỗ người nhà, có quan hệ, nên quà cáp cũng không nhiều. Tôi chỉ hỏi rằng: các em vào công chức không phải bằng năng lực, bằng sự cố gắng, các em có đảm bảo sau này sẽ trở thành một công chức tốt vì nhân dân mà phục vụ không?

Tôi có thể nói điều này với mọi người, với bạn trẻ bởi chính tôi cũng đã từng làm viên chức nhà nước hơn 12 năm, tôi hiểu rõ những cái “lợi” mà người nhà nước mới có được, đồng thời tôi cũng hiểu “chiếc vòng kim cô” khi làm việc trong cơ quan nhà nước là như thế nào đối với sự sáng tạo, bày tỏ chính kiến và sự mong muốn được đóng góp cho cộng đồng. Điều mà tôi cảm thấy tiếc, là đáng lẽ mình phải suy nghĩ khác, phải làm khác từ lâu rồi.

Những câu chuyện ví dụ tôi vừa kể chỉ để nói rằng thực ra sự sáng tạo và năng lực của con người là rất lớn, thế nhưng ngay cả những người có năng lực tốt đôi khi bị bó hẹp tư duy thì dẫn đến việc có những cách nhìn không còn khách quan nữa. Một số người tuyệt đối hóa nó, thậm chí mãi không thoát khỏi vòng luẩn quẩn.

Mọi người có nghĩ rằng trong tổng thể chung của xã hội này, không chỉ giáo viên, những người làm các công việc khác đều đóng góp cho xã hội thậm chí có những người làm rất vất vả: công nhân trong các nhà máy, lao động tự do, người làm nông nghiệp… họ cũng lao động rất vất vả trong những môi trường lao động không an toàn, điều kiện khắc nghiệt, nhưng hết tuổi lao động không có lương hưu, trợ cấp, phụ cấp, họ có cần sự hỗ trợ, giúp đỡ hay không.

Có những người kém may mắn, sinh ra và lớn lên trong những gia đình rất khó khăn, không có điều kiện được học hành, không có người hỗ trợ, hướng dẫn, nhưng bằng nghị lực của mình, tự họ học hỏi và vươn lên trở thành những người thành đạt, tôi nghĩ rằng, những người này sẽ không bao giờ oán trách rằng cuộc đời bất công đối với họ. Tình trạng cán bộ công nhân viên chức hoặc người lao động hưởng lương thấp không phải tình trạng riêng của Việt Nam mà ngay các nước phát triển cũng phải giải quyết các hậu quả của những vấn nạn này trong quá khứ. Mặc dù đã là các nước phát triển, nhưng họ cũng chưa thể giải quyết triệt để được vấn đề này.

Tôi nghĩ, nếu thực sự xác định mình đóng góp cho xã hội, đam mê nghề nghiệp và vì niềm đam mê đó sẵn sàng chấp nhận hi sinh, thì không nên khóc than, oán trách, còn nếu thấy rằng công việc mình đang làm là không tốt, hoặc giả thiết mình xứng đáng có được những thứ tốt hơn thì tại sao không tự mình làm những việc đó, thay vì chờ đợi phép màu hoặc sự trợ giúp của người khác.

Đây là quan điểm cá nhân của tôi, còn các bạn nghĩ sao?

Nhật Thăng  
Mồ côi bố mẹ, nam thanh niên 'khuyết tật' đang từng ngày vật lộn với bệnh tim
Ông nội nhọc nhằn níu giữ sự sống cho cháu trai mắc bệnh tan máu bẩm sinh
Nhặt ve chai nuôi vợ con tâm thần, lo cháu ngoại ăn học
Mẹ con tật nguyền mưu sinh trong ngôi nhà chưa đầy 10m2
Mỗi tuần một địa chỉ nhân đạo giúp 10 gia đình nghèo ổn định cuộc sống
Vợ bệnh tật hơn 6 năm chăm chồng bị liệt
Bé trai 6 tuổi mắc xơ gan hiếm gặp, mất 200 triệu đồng vẫn đau đớn từng ngày
Éo le phận đời 4 chị em mất mẹ giữa những ngày mưa lũ
Xem thêm