Trót lấy chồng là…'Bộ trưởng'
Khoảng năm 1990, khi kinh tế tiểu nông là chủ đạo của xã P huyện Cẩm Khê tỉnh Phú Thọ, về vùng nghèo này mà hỏi thăm nhà ông “Bộ trưởng”, chắc chắn bạn sẽ được chỉ dẫn tới xóm chợ và bạn rất dễ được gặp ông “Bộ trưởng” vì ông thường rất…rỗi rãi.
Người “đan sọt vỹ đại”
Ông Minh, khi ấy mới bước vào tuổi dư ba mươi, trình độ của ông được người làng gọi đùa là “Văn hóa lớp hai, khai lớp bảy”, cái danh giá lớn nhất là ba năm nghĩa vụ quân sự trở về.
Đài truyền hình Phú Thọ thường xuyên đưa tin về vị này, ông đang trở thành tỷ phú của địa phương. Ông đi lên từ hai bàn tay trắng. Những người xem TV thán phục ông. Từ một thanh niên nông thôn, văn hóa rất “lùn” đi lính về, nay ông chăn nuôi giỏi, kinh doanh tốt, đang trở thành tỷ phú.
Cơ hội đến với ông từ khi quan hệ Việt-Trung thông thương trở lại. Vùng quê này xuất sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch đủ thứ nông sản, từ buồng chuối đến quả trám chua, từ con mèo đến rắn ếch, ba ba, dược liệu đông y v.v...
Có điều, cái gì cũng cần bao bì. Bao bì là những cái sọt đan bằng tre nứa đơn giản. Ông Minh đã chớp được cơ hội này, nhà ông có nghề đan lát từ lâu. Ngay ở địa phương này, bà con cũng có nhiều người biết nghề. Ông được những thương lái Trung Quốc tín nhiệm, đặt mua với số lượng lớn loại bao bì này. Ông trở thành đầu mối thu gom và cung cấp mặt hàng này cho khách hàng Trung Quốc.
Ông giàu lên rất nhanh nhưng chưa nhanh bằng phong cách giống – như – giàu của ông. Khi ấy ông đã sắm chiếc xe Dream trước cả chủ tịch huyện. Đi đám cưới, người ta mừng vài ba chục thì ông 'chơi' hẳn một, hai trăm. Ở đâu ông cũng được tung hô như một vị anh hùng.
Đầu tiên ai đó đánh giá ông “như Bộ trưởng” bởi chiều cao và tài ăn nói của ông. Về sau, có lần ông lên TV, đứng kề một Bộ trưởng về thăm địa phương, nhìn mã ông ăn đứt vị Bộ trưởng kia. Ông lại nói năng ào ạt như đang chỉ đạo bà con làm việc theo gương… chính ông. Thế là mọi người trong huyện bắt đầu quen với tên mới dành cho ông “Bộ trưởng”.
Vài tháng sau, làng N. bên cạnh, chính là vương quốc của nghề đan lát, lại ở đầu rừng nên nguyên vật liệu sẵn và rẻ hơn, họ lao vào cạnh tranh và đánh bật ông ra khỏi vị trí “vua sọt”.
Vốn quen biết với nhiều thương lái Trung Quốc, ông ngả nhanh sang vài ngạch buôn bán khác. Ông cần vốn và huy động vốn rất dễ, kẻ cả mấy anh em ở chính quyền địa phương cũng giúp sức ông... vay nợ ở ngân hàng rất dễ dàng.
Cũng không trách bên ngân hàng được khi trước đó, để “giải quyết khâu oai” cho cả địa phương, đã xảy ra cả cái cảnh chính quyền tổ chức bắt heo ở vài nhà khác thả vào chuồng nhà ông để đài truyền hình tỉnh về thu hình, tuyên xưng ông cũng là để lấy tiếng cho xã!
Rơi tự do.
Nhưng, phàm ai đã buôn bán với Trung Quốc thì biết, nếu “thắng” dăm quả nhưng chỉ một đợt dìm giá, ói hàng là lỗ sặc gạch. Ông bị vài đòn là kiệt quệ.
Ông “chết” nhưng không “chết” một mình, ông kéo theo hệ lụy cho cả dòng họ, cả anh em chính quyền khi những khoản cầm cố, thế chấp với ngân hàng bằng tài sản và uy tín của họ.
Ông trở thành tay trắng, tứ cố vô thân vì các quan hệ xã hội đã bị triệt tiêu hết bởi công nợ.
Hoàn cảnh như thế này với người Việt Nam, không phải hiếm nhưng nhiều người vượt qua rất nhanh. Riêng ông, hai mươi năm nay, dù “chết” đứ đừ nhưng vẫn giữ phong cách…Bộ trưởng, vẫn không thừa nhận thất bại, vẫn không thừa nhận xuất xứ, mặt bằng trí tuệ, văn hóa của mình, vẫn lang thang vô định. Ông vẫn luôn thể hiện mình là “Bộ trưởng”, luôn ăn to, nói lớn, xài sang.
Trong tủ vẫn luôn có vài chai rượu tây. Khách khứa dưới quê Hải Dương lên chơi, ông vẫn thuê xe con (nhưng dặn kỹ nhà xe coi như xe của ông) chở cả chủ và khách ra thị xã, thành phố Việt Trì ăn nhậu, mát xa, mát gần…
Gần sáu chục tuổi, ông kiếm bát ăn và kiếm mấy đồng tiền lẻ đánh đề trừ bữa bằng nghề lái xe thuê nhưng nghe chừng cũng èo ọt. Nhiều chủ xe e sợ ông, vì cứ sáng ra, ông làm một “choác” rượu trắng cỡ nửa lít thay nước trà, ông bảo có như vậy lái mới “lụa”, mới đẹp vòng cua…
Ba đứa con ông, cùng với bà mẹ khổ hạnh phải cày ra trò, đắp đổi nợ nần và mưu sinh cơ cực bấy nhiêu năm nay, nay đã dựng vợ, gả chồng . Trong suốt quá trình đó, người ta không thấy dấu tích cỏn con nào của ông đóng góp vào cơm áo gia đình, vào việc tạo dựng cho con cái.
Khi vợ con ông đề nghị anh em nội ngoại dưới Hà Nội, Hải Phòng giúp đỡ vốn liếng để kiếm cơm, vượt qua cơn bĩ cực thì họ cười cười, cho chị là đùa giỡn vì họ vẫn thỉnh thoảng gặp anh về quê dự đình đám họ đương bằng xe con hạng sang và phong cách…Bộ trưởng.
Thế là chị lại trở về làm thân cò lặn lội trong khi “Bộ trưởng” vẫn phiêu du đây đó dưới Hà Nội, Hải Phòng…
Huy Cường