Thực đơn cho người tiểu đường
Đối với bệnh nhân tiểu đường, vấn đề cần quan tâm hàng đầu là ổn định nồng độ đường huyết ở một mức gần giống (hoặc bằng) với mức sinh lý. Vì thế ngoài việc dùng thuốc và luyện tập thì ăn uống là một cách để giữ đường huyết ổn định.
Lượng đường, loại đường có trong lương thực, thực phẩm sẽ ảnh hưởng đến nồng độ đường huyết. Vì thế, bệnh nhân cần phải nắm rõ các loại lương thực và thực phẩm cần ăn và hạn chế ăn để đảm bảo nồng độ đường huyết như mong muốn.
Người bệnh cần có chế độ ăn hợp lý.
Đối với những thức ăn chứa tinh bột
Người bệnh nên ăn các loại bánh mì không pha trộn với phụ gia như bánh mì đen, gạo lứt, khoai tây, khoai sọ…Lượng tinh bột đưa vào cơ thể người tiểu đường nên bằng khoảng 50-60% người thường. Nên sử dụng thường xuyên các loại ngũ cốc thô, chà xát ít vì lớp vỏ có chứa nhiều Vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe. Với các loại thức ăn này chủ yếu nên luộc, nướng hoặc hầm chứ không nên chiên xào.
Đối với những thức ăn là chất đạm
Người bệnh nên hạn chế tối đa các loại thịt hộp, pate, xúc xích…, thay vào đó là cá, trứng sữa, các sản phẩm chế biến từ sữa, đậu. Ưu tiên cá mòi và cá chích vì trong hai loại cá này có chứa chất béo có lợi cho việc chống lại bệnh tim mạch và ung thư. Người tiểu đường nên tránh ăn da gà, da vịt bởi nó có chứa rất nhiều cholesterol. Cũng giống như thực phẩm chứa tinh bột, đối với thức ăn là chất đạm nên chọn cách chế biến là luộc, kho, nướng hơn là chiên.
Đối với chất béo
Với bệnh tiểu đường, người bệnh hết sức chú ý hạn chế mỡ. Theo khuyến cáo, mỗi ngày lượng cholesterol đưa vào cơ thể phải dưới 300mg và lượng mỡ bão hòa phải thay bằng các loại dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu olive, dầu mè.
Đối với rau và trái cây
Theo lời khuyên từ các chuyên gia, bệnh nhân bị tiểu đường nên ăn khoảng 400 g rau và trái cây tươi, rau quả tươi vừa có tác dụng chống lão hóa, vừa là thức ăn bổ sung vitamin, muối khoáng tốt nhất. Người bệnh nên hạn chế một số loại quả không tốt cho bệnh như nho, xoài, na, nhãn. …
Chất ngọt
Người bệnh nên hạn chế bánh kẹo, nước ngọt có ga, rượu… Có thể sử dụng các chất ngọt nhân tạo thay đường trong nước uống như Aspartam và sacharine. Những chất này vừa giúp làm giảm lượng đường ăn vào mà vẫn giữ được ngon miệng. Người bệnh cần thăm khám và tham khảo ý kiến của bác sỹ theo dõi và điều trị.
Phương Vũ (tổng hợp)