Chủ nhật, 19/05/2024 20:02
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ sáu, 30/01/2015 19:15

Phật pháp căn bản: 8 con đường chân chính cần hành trì

8 con đường đó chính là Bát Chánh Đạo. Đây là một trong 7 nhánh quan trọng nhất của Đạo Đế, một trong Tứ Thánh Đế.

Chúng ta biết rằng, bài giảng đầu tiên của đức Thế Tôn ở vườn Nai, gọi là Chuyển Pháp Luân, là bài pháp quan trọng nhất, xuyên suốt một đời chuyển Pháp của Phật.

phat-phap-can-ban-8-con-duong-chan-chinh-can-hanh-tri-giadinhonline.vn 1

Muốn thành tựu trong đạo Phật, các hành giả phải hành trì 8 con đường chân chính này

Trong bài pháp đó, Đức Thế Tôn nói về Tứ Thánh Đế là khổ, tập, diệt, đạo. Khổ đế là sự thật về hiện trạng đau khổ của chúng sanh. Tập đế là lý giải nguyên nhân tại sao có những khổ đau và bất an đó. Diệt đế là những bất an và đau khổ ấy chấm dứt tức là sự bình an và giải thoát của chúng sanh. Đạo đế là con đường đưa đến sự thoát khổ, đưa đến bình an và giải thoát ấy.

Là sự thật về con đường giải thoát nên đạo đế là con đường có thật, con đường đi được, thực hành được, chứ không phải là con đường ảo tưởng, con đường không thật. Con đường ấy là con đường 37 phẩm trợ đạo (hay còn gọi 37 phẩm trợ Bồ Đề).

Trong đó có 8 Thánh Đạo, tức là 8 con đường chân chính, mà theo lời Phật dạy nó có thể đại biểu cho 37 phẩm trợ Bồ Đề nói trên.

8 con đường ấy là gì?

Đó là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

Chánh tri kiến là sự thấy và biết đúng đắn. Theo A Hàm, có nhiều cái thấy và biết đúng như là thấy và biết rõ lý duyên sinh vô ngã của vạn pháp hoặc hiểu hơn thế nào là thiện, thế nào là bất thiện, thấy được tác hại của 3 độc tham sân si, thấy được lợi ích của 3 thiện pháp vô tham, vô sân, vô si. Thấy và biết một cách như thật về thế gian như trên là có được chánh tri kiến để từ đây các thứ chân chánh được tiếp nối.

Chánh tư duy là những tư tưởng suy nghĩ đúng đắn theo cái biết và thấy đúng của chánh tri kiến, đó là tư duy về các pháp môn tu học như Tứ Thánh Đế, 12 nhân duyên, 6 độ, nhân quả, nghiệp báo. Tư duy đúng đắn về lẽ thiện ác của thế gian và xuất thế gian để đưa đến thân, khẩu, nghiệp thanh tịnh đó là Chánh tư duy

Chánh ngữ là y vào cái thấy biết, cái suy nghĩ chân chánh mà có lời đúng với sự thật, lời nói hào nhã, lời nói tốt đẹp, đưa đến lợi mình lợi người, rời xa được các lời nói hung ác, chia rẽ, thêu dệt. Ngoài ra, biết nói đúng thời, đúng pháp, đúng căn cơ đối tượng đó chính là Chánh ngữ.

Chánh nghiệp là vì hành động, vì tạo tác của thân thể theo cái thấy biết cái tư duy, cái nói năng đúng đắn trên. Những hành động đó là những hành động thuộc vô tham, vô sân, vô si đem lại lợi lạc cho mình cho người, những hành động của người có trí.

Chánh mạng là sự sống không y cứ trên sinh mạng và sự nguy khốn của người khác và của loài khác. Cách sống đó không cho phép sự lừa lọc giết hại buôn bán các thứ có độc tố có hại đến trí tuệ...

Chánh tinh tấn là sự siêng năng để tiến bộ trên các mặt tư duy hành động đưa đến một cuộc sống an lạc vững chãi và hạnh phúc. Siêng năng ngăn chặn ác hạnh và phát triển thiện hạnh. Tinh có nghĩa là thanh khiết, thuần chất, tấn có nghĩa là sự vượt lên, sự tiến bộ.

Chánh niệm là sự nhớ tưởng đúng đắn theo chánh tri kiến và chánh tư duy. Sự nhớ tưởng đó là sự nhớ tưởng đến Tam Bảo, đến giới, công đức bố thí, công đức các cõi Trời. Sự nhớ nghĩ đến những gì thiết thực đang có mặt, những việc đang xảy ra trong hiện tại chứ không phải là sự nối tiếp quá khứ hay mơ tưởng tương lai. Vì quá khứ đang có mặt trong hiện tại và tương lai như thế nào là do ta sống trong hiện tại. Do đó, sống tỉnh thức ngay trong hiện tại tức là sống trong chánh niệm và nhờ sự tỉnh thức đó mà thân miệng ý dễ điều phục, dễ thành tựu chánh định.

Chánh định là sự nhất tâm chơn chánh, nhất tâm theo cái thấy biết và tư duy đúng. Sự nhất tâm này có được là do sự tịnh chỉ của thân khẩu ý và sự nổ lực hành thiện đoạn ác, đồng thời là do sự nhớ tưởng đúng đắn, khiến tâm không bị rối loạn. Từ sự tịnh chỉ này mà tâm ý dễ nhiếp phục, quán chiếu được thật tướng của các pháp. Từ chánh định mà trí tuệ chơn chánh và sự giải thoát chơn chánh phát sinh.

Như thế, Bát chính đạo có một sự tương quan tương duyên mật thiết, một thánh đạo gồm 7 thánh đạo còn lại, ai đi theo tu tập 8 thánh đạo này, người ấy chắc chắn đạt đến trí tuệ và sự giải thoát mà Đức Phật đã đạt được.

Vô Thường (trích từ giáo lý của Phật giáo)

Kỳ 2: So sánh 8 thánh đạo và các đạo khác trong đạo đế

Tags:
  • Tin liên quan
Mồ côi bố mẹ, nam thanh niên 'khuyết tật' đang từng ngày vật lộn với bệnh tim
Ông nội nhọc nhằn níu giữ sự sống cho cháu trai mắc bệnh tan máu bẩm sinh
Nhặt ve chai nuôi vợ con tâm thần, lo cháu ngoại ăn học
Mẹ con tật nguyền mưu sinh trong ngôi nhà chưa đầy 10m2
Mỗi tuần một địa chỉ nhân đạo giúp 10 gia đình nghèo ổn định cuộc sống
Vợ bệnh tật hơn 6 năm chăm chồng bị liệt
Bé trai 6 tuổi mắc xơ gan hiếm gặp, mất 200 triệu đồng vẫn đau đớn từng ngày
Éo le phận đời 4 chị em mất mẹ giữa những ngày mưa lũ
Xem thêm