Những giải đáp về bệnh sốt xuất huyết ở trẻ
Những giải đáp về bệnh sốt xuất huyết ở trẻ sẽ giúp các bậc cha mẹ biết cách theo dõi, chăm sóc và đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám, điều trị kịp thời.
Những giải đáp về bệnh sốt xuất huyết ở trẻ.
BS.Trần Thị Thúy - Phó Khoa Nhiễm và BS.CK2. Nguyễn Thị Hạnh Lê - Phó Giám Đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 sẽ giải đáp những câu hỏi liên quan đến bệnh sốt suất huyết ở trẻ.
Câu hỏi:
Trẻ nhũ nhi có thể bị mắc bệnh SXH hay không? Nếu có thì cách phát hiện và phòng ngừa bệnh? Rất mong nhận được tư vấn từ bác sĩ.
Trả lời:
Dưới đây là phần trả lời của BS.Trần Thị Thúy - Phó Khoa Nhiễm:
Muỗi Aedes Agypti có thể chích tất cả mọi người, không phân biệt lứa tuổi, không phân biệt nam hay nữ . Như thế trẻ nhũ nhi (dưới 18 tháng tuổi) vẫn có thể bị muỗi chích và có thể bị bệnh sốt xuất huyết.
Những giải đáp về bệnh sốt xuất huyết ở trẻ.
Trẻ dưới 18 tháng tuổi chưa biết nói nên một khi mắc bệnh rất khó diễn đạt những triệu chứng như nhức đầu ,đau bụng ,khó chịu…nên cha mẹ của trẻ rất khó phát hiện những triệu chứng khác ngoài triệu chứng sốt.Chỉ cho đến khi xuất hiện những chấm xuất huyết dưới da hoặc trẻ ói ra máu, tiêu ra máu thì cha mẹ mới đưa đi khám bệnh. Ngoài ra trong những ngày đầu của bệnh ,trẻ nhũ nhi có thể ho, sổ mũi ,khò khè hoặc ói, tiêu lỏng khiến chúng ta dễ nhầm lẫn với bệnh viêm đường hô hấp hoặc rối loạn tiêu hóa.
Những triệu chứng chính của bệnh sốt xuất huyết gồm: sốt, xuất huyết dưới da, chảy máu mũi,chảy máu nướu răng, ói ra máu, tiêu ra máu, ói, đau bụng .
Khi trẻ bị sốt trên 2 ngày, cha mẹ nên cho các cháu đến cơ sở y tế khám để được theo dõi và cho làm xét nghiệm để tìm ra bệnh.
Cách phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết là cho trẻ ngủ mùng ban ngày lẫn ban đêm, cho trẻ mặc quần dài, áo dài tay .Tránh không cho trẻ nằm hay ngồi chơi nơi xó tối vỉ muỗi vằn thường thích sống quanh người ,nơi góc nhà ,những nơi treo mắc quần áo. Ngoài ra, nên thường xuyên dọn dẹp vệ sinh trong va xung quanh nhà, chú ý diệt lăng quăng ,đậy nắp các lu, vại chứa nước hoặc thả cá 7 màu để diệt lăng quăng. Cần chú ý thay nước các chân tủ đựng chén ( garde manger) hoặc cho muối vào để cho muổi khỏi sinh sản.
Câu hỏi:
Xin hỏi bác sĩ có phải trẻ em dưới 3 tháng tuổi ít bị sốt xuất huyết? Sốt xuất huyết ở trẻ dưới 12 tháng có nguy hiểm không?
Rất mong nhận được sự tư vấn của bác sĩ. Xin cám ơn.
Trả lời:
BS.CK2. Nguyễn Thị Hạnh Lê - Phó Giám Đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 trả lời như sau:
Chúng ta biết rằng ở vùng dịch tễ sốt xuất huyết (SXH), mẹ mang thai sau khi bị SXH đều có kháng thể chống SXH và truyền cho con qua nhau. Một em bé lúc sinh ra đã có kháng thể chống Dengue trong cơ thể dù em bé chưa bị muỗi Aedes Aegypti chích lần nào.
Trong kháng thể chống Dengue của mẹ truyền cho con có kháng thể hưng phấn và kháng thể trung hòa. Trong 6 tháng đầu nếu đứa bé bị muỗi đốt lần đầu, có nhiều khả năng, kháng thể trung hòa sẽ làm giảm ảnh hưởng của phức hợp kháng thể - kháng nguyên gây ra sốc.
Sau 6 tháng, kháng thể chống Dengue của mẹ ở con giảm dần. Trẻ từ 6 tháng đến 12 tháng tuổi nếu bị muỗi đốt có nhiều khả năng chỉ có kháng thể hưng phấn họat động, kháng thể trung hòa ít hơn nên nguy cơ kháng thể - kháng nguyên tạo ra hóa chất trung gian sẽ mạnh hơn và sốc sẽ nặng hơn.
Thường các bé dưới 12 tháng khi bị SXH sẽ có các triệu chứng sốt cao, ho, sổ mũi ít, có nhiều chấm xuất huyết dưới da, có gan to, dung tích hồng cầu không cao lắm, tiều cầu giảm nhiều và khuynh hướng vào sốc rất cao.
Vì vậy, trong mùa có SXH, cha mẹ (và cả với nhân viên y tế) cần phải cẩn thận , vì dễ nhầm lẫn khi các bé dưới 12 tháng tuổi có biểu hiện viêm hô hấp trên mà không lưu ý đến SXH. Nếu điều trị trễ có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.
Nguồn: BV Nhi Đồng 2