Đàn ông như căn nhà nhiều phòng
Tại sao ngày càng nhiều phụ nữ không hài lòng về cuộc hôn nhân của mình? Điều gì khiến họ phải từ bỏ người chồng mà chính họ đã lựa chọn? Làm sao để phụ nữ đừng ly hôn vì điều đó là mạo hiểm với tương lai?
Bối rối
Một chị tâm sự với chuyên gia tâm lý:" Tôi đau đớn vì lúc nào cũng cảm thấy mình bị bỏ rơi. Chồng tôi không còn là người bạn đời của tôi nữa. Lúc duy nhất anh ấy cần đến tôi là khi muốn quan hệ tình dục. Không bao giờ anh ấy có mặt khi tôi cần. Anh ấy sống cuộc sống riêng cứ như người độc thân. Với tôi, người chồng đã trở thành xa lạ”.
Có chị đọc rất nhiều sách viết về hôn nhân và thực hiện đa số lời khuyên với hy vọng cải thiện mối quan hệ với chồng nhưng không kết quả. Các trung tâm tư vấn hàng ngày phải đối diện với những phụ nữ vô cùng thất vọng về chồng. Họ thường biểu lộ nỗi chán chường và luôn nghĩ một mình chẳng thể thay đổi được gì.
Nhưng trái lại, khi tiếp xúc với những người chồng lại được nghe một cách giải thích khác hẳn những gì vợ họ nói. Đàn ông cho rằng làm vừa lòng vợ là điều vượt ra ngoài khả năng của họ. Nhiều người cảm thấy đã cố gắng tột bực để quan tâm đến vợ, đóng góp cho hạnh phúc gia đình nhưng họ luôn bị sức ép ngày càng tăng, sự thôi thúc phải kiếm tiền và quan tâm nhiều hơn nữa.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Có người đàn ông gần như kiệt quệ cảm xúc vì bao nhiêu công sức của họ chỉ đổi lấy những lời chê trách. Phải chăng vai trò đơn giản của đàn ông cách đây vài thập niên đã được thay thế bởi một trách nhiệm phức tạp và rắc rối hơn nhiều. Có người kết luận phụ nữ sinh ra để kêu ca phàn nàn và đàn ông muốn tồn tại chỉ còn cách… giả đui giả điếc.
Điều làm các nhà tâm lý ngạc nhiên hơn là rất ít phụ nữ ly hôn vì chồng quá sa đoạ, nghiện ngập, cờ bạc, bạo hành. Nhiều đàn ông bối rối không hiểu vì sao mình bị vợ đòi ly hôn. Lẽ nào phụ nữ rời bỏ đàn ông chỉ vì họ hờ hững? Vậy đàn ông phải làm gì để vợ họ hài lòng?
Ngôi nhà nhiều phòng
Nhiều câu hỏi đang thách thức các nhà nghiên cứu tâm lý hôn nhân, khi tỷ lệ ly hôn vẫn gia tăng và hơn 70% do phụ nữ chủ động. |
Nhà tâm lý người Mỹ, Williams Harley dùng hình ảnh ngôi nhà có nhiều phòng để so sánh với người đàn ông thời nay. Mỗi phòng là một vai trò của họ trong cuộc sống. Một phòng dành cho công việc, một phòng cho bạn bè, một phòng dành cho môn bóng đá, một phòng cho con cái… và một phòng cho vợ anh ta.
Mỗi ngày, anh ta đến thăm tất cả các phòng đó, thực hiện từng vai trò và khi ở trong phòng nào, anh ta gần như quên mất các phòng khác. Vợ chỉ là một trong số những cái phòng này. Khi có mặt ở đó, anh ta vào vai người chồng. Anh ta tập trung nguyên vẹn để đáp ứng các yêu cầu của vợ.
Nhưng điều khó chịu của các bà vợ chính vì họ chỉ là một phòng trong số những căn phòng ấy, trong khi họ muốn tất cả ngôi nhà, không chừa lại dù chỉ một góc. Nếu không được như vậy, họ bất mãn và trong nhiều trường hợp không chấp nhận quan hệ tình dục.
Có một giải pháp để tránh tình trạng mâu thuẫn vợ chồng, nối lại tình cảm với vợ là đàn ông hãy mời vợ vào thăm mỗi phòng trong ngôi nhà của họ để hiểu thế nào là đàn ông và biết tất cả các khía cạnh trong cuộc sống của chồng. Mỗi quyết định của ngưòi chồng cần phải được vợ biết và tham gia ý kiến.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Đó là cách đàn ông tránh thói quen suy nghĩ và hành động một mình, để tạo ra sự tương thích trong hôn nhân và liên kết cảm xúc. Khi người vợ được tham gia vào mọi hoạt động của chồng, họ sẽ hiểu chồng hơn. Không có gì bí mật cả. Nếu có điều gì không thống nhất, vợ chồng bàn bạc đến thoả thuận thì thôi.
Cũng có ông phàn nàn, rằng nếu để vợ xông vào tất cả các phòng thì còn gì tự do nữa? Người vợ sẽ tham gia vào và mọi cái sẽ rối tung hết cả lên. Nhưng trong thực tế, sau khi xây dựng được mối quan hệ như vậy, hai vợ chồng sẽ hiểu mỗi người có vai trò gì trong cuộc sống của nhau.
Dần dần, họ làm quen với việc chấp nhận những ham thích của nhau, cùng quan tâm đến nhau và cũng không còn khoảng cách. Họ sẽ cảm thấy dễ sống với nhau hơn, những nghi ngờ được loại bỏ, tình cảm vợ chồng ngày càng thắm thiết và khắc phục cả tính ích kỷ trong tình yêu.
Nhà tâm lý học Trịnh Trung Hoà