Cuốn nhật ký của bố
Cuốn nhật kí đã mờ nét chữ, nhưng đó là kỉ vật quý báu của bố để lại cho chị em tôi, tôi vẫn đọc lại để nhớ bố từng chiến đấu thế nào, để biết bố đã mong chờ, yêu thương các con ra sao... Và để sống, xứng đáng với sự tin yêu của bố.
Khi tôi kể những dòng này thì bố tôi đã qua đời 17 năm... nhưng tôi chưa bao giờ quên hình ảnh bố ra cổng chờ con cháu trở về mỗi dịp cuối tuần, hay việc mẹ nói qua điện thoại "bố mày đang bảo là nhớ cháu kia kìa"...
Bố tôi là một người lính công binh thuộc trung đoàn 174, sư đoàn 316, một đơn vị đã vào Nam ra Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, chống quân bành trướng Bắc Kinh.
Năm 1985, bố phục viên về làm cán bộ Ban Tuyên giáo huyện ủy. Bố hay đọc Báo Quân đội nhân dân, và tôi đọc theo, tôi thích chuyên mục “Hồ sơ sự thật” “sự kiện và nhân chứng”... nhất là những sự kiện liên quan đến những bài học Lịch sử.
Ngày bé, đi học về, thấy các bác đến chơi nhà là tìm cách nghe lỏm câu chuyện hồi ức chiến tranh mà bố với bác Dự, bác Đôi, bác Pản... đang kể. Trong đầu óc tôi bấy giờ hiện lên hình ảnh bờ sông Thạch Hãn, thành cổ Quảng Trị, nơi mà bố hành quân qua để vào chiến trường miền Nam, bố gọi nơi ấy là “cối xay thịt” – bởi hy sinh và mất mát quá lớn, để đến bây giờ, khi đã trở thành giáo viên, mỗi lúc lên lớp dạy bài Lịch sử lớp 9 về cuộc tiến công chiến lược 1972, tôi đều nghẹn ngào và quay đi để lau nước mắt...
Ảnh minh họa.
Bố kể về trận mở màn Buôn Ma Thuột, bố tham gia tấn công trận đó ngay từ ngày 10/3/1975, nhưng để tấn công đêm hôm đó thì cả tuần trước đã nghi binh ở Kon Tum, ta bất ngờ đánh Buôn Ma Thuột khiến chúng không kịp trở tay. Tuy nhiên, cả hai bên đều có thương vong. Có chú đồng đội bố, lúc chiều còn chia nhau nắm cơm cháy, tối đã hy sinh. Bố ôm chú ấy mà không khóc nổi, chỉ vuốt mắt cho chú ấy rồi về viết vào nhật kí, “một là xanh cỏ, hai là đỏ ngực”... “đồng đội tôi những chàng trai trẻ, chưa biết đến bờ môi con gái, giờ ngã vào lòng đất vẫn con trai...”
Bố bảo, trên đường truy kích địch và tiến về giải phóng Sài Gòn, bà con nhân dân đổ ra đường cổ vũ rất đông, có người mẹ già ra vẫy đoàn quân giải phóng, rồi đưa đôi tay nhăn nheo sờ má, sờ người các chiến sĩ giải phóng, lẩm bẩm “sao tụi bay gầy quá”, rồi sờ cả mông mấy người lính trẻ, xong bảo “có thấy đuôi đâu, sao tụi nó nói Việt cộng có đuôi”... làm lính trẻ cười ra nước mắt...
- Bố ơi, bố có đánh trận giải phóng Sài Gòn không?
- Không con ạ, đơn vị bố ở vòng ngoài, không vào trong thành phố. Nhưng mà đồng đội bố có những người cũng không chờ nổi đến giây phút hòa bình, các chú ấy hy sinh ngay trong buổi sáng ngày 30/4.
Những lúc ấy bố thường im lặng rất lâu, tôi biết, bố đang nhớ những người đồng đội của mình, những người đã cùng bố đi suốt thời tuổi trẻ để đem về bình yên cho quê hương, để chị em tôi được có mặt trên đời...
Hòa bình được vài năm thì năm 1979 lại nổ ra chiến tranh biên giới phía bắc. Bố đi biên giới Hà Giang, Lào Cai. Bố đánh trận Vị Xuyên, Thanh Thủy, Bảo Nhai, Bảo Yên... Bố đóng quân ở gần nhà ông bà ngoại, thế là bố mẹ quen nhau, mẹ đi học sư phạm ở Yên Bái, bố đi biên giới. Mẹ ra trường, đi làm, bố về hỏi cưới mẹ, đám cưới thời chiến đơn sơ, rồi bố lại đi biên giới, rồi tôi ra đời... Tôi ở bên mẹ những ngày mẹ vò võ chờ đợi bố, lo lắng mỗi khi có tin giặc tấn công, lo lắng mỗi khi có thư về. Mẹ sợ bố hi sinh... Mẹ nhận thư bố, chỉ ôm tôi thật chặt, lúc ấy tôi còn nhỏ, đã biết nói, đã biết mong bố về - nhưng tôi không biết, năm tôi 4 tuổi, mẹ đã mất đi em bé thứ hai, là một em gái... Sau này, khi bố mất rồi, khi sắp xếp lại ngăn tủ đựng giấy tờ của bố, tôi mới thấy quyển nhật kí và những dòng chữ viết năm 1984.
.... Ngày... 1984
Vợ viết thư báo tin có bầu, mình mừng quá. Con Nhung cũng sắp 4 tuổi rồi. Có em cũng biết trông em giúp mẹ rồi. Vợ gửi ảnh con lớn, tóc nó xoăn xoăn, cái mũi nhỏ nhỏ trông thật đáng yêu, đứa này không biết con trai hay con gái. Mong vợ con mạnh khỏe, bình an, chờ bố về bố bế nhé.
... Ngày...1984
Vợ bảo bụng bầu to lắm rồi mà gầy lắm, không ăn uống được gì. Mà cũng có gì đâu mà ăn. Lương thấp, con nhỏ, cứ cơm độn sắn ăn vào nôn ra thì lấy đâu ra sức mà nuôi con nữa...Xót vợ quá mà không biết làm thế nào, mong mau hết chiến tranh để về với mẹ con em.
... Ngày...1984
Mình suýt chết. Đúng là số chưa chết thôi. Trung đội trưởng và mình vừa ở đó chưa đầy 1 phút, vừa bước đi một đoạn thì cả quả pháo dội thẳng xuống chỗ mình vừa đứng, khói khét lẹt. Chiến tranh – sống chết chỉ là gang tấc. Bọn Trung Quốc thừa đạn pháo nên nó bắn sang liên tục, vãi như vãi gạo, cả vùng rừng núi bị đạn pháo đào lởm chởm, nham nhở. Đồng đội hy sinh nhiều quá, cứ lên chốt là bật xuống, chẳng may ăn pháo là đi cả đại đội, chả còn dấu vết gì... Tất cả lẫn vào nhau, lẫn vào đất mẹ. Đặng Tiểu Bình, ngươi thật dã man!
Rồi chính mình, ngày mai sẽ thế nào, liệu có trở về không, hay vĩnh viễn nằm lại đây cùng đồng đội.
... Ngày...1984.
Mình về đến nhà, chỉ gặp vợ, không gặp con. Vợ sinh con xong được mấy ngày rồi, anh chị em đã cáng về nhà tập thể giáo viên của trường để vợ nghỉ ngơi. Vợ gầy xanh, nhìn xót xa vô cùng. Mình không dám hỏi gì, chỉ thấy vợ lặng lẽ khóc, mắt sưng húp lên, bảo mình “con chết rồi anh ạ, chết từ trong bụng, khi em chưa sinh nó ra”... Mình chỉ biết động viên vợ là con yếu, nó không ở được với mình thì đành chịu, em cố gắng giữ gìn sức khỏe... Xong mình lặng lẽ ra nghĩa trang, anh trai vợ mình kể là lúc biết đứa bé mất, nhà chả có gì làm quan tài, gỗ chả có, đành lấy cái hòm gạo cho con bé nằm vào rồi mang đi chôn...
Con ạ, bố đi suốt, bố chưa kịp nhìn thấy mẹ mang bầu con thế nào, chưa kịp nhìn thấy con, chưa kịp bế con trên tay...mà giờ con mất rồi. Đứng trước nấm mộ nhỏ xíu của con gái nhỏ mà mình khóc như chưa từng được khóc...
Về nhà, con Nhung cứ đòi bố bế, hỏi em bé đâu, các cô giáo trong khu tập thể bảo “em bé mất rồi”, con bé cứ đòi "các cô giấu em bé của cháu ở đâu, mang về trả cho cháu"... Mẹ nó khóc nấc không thành tiếng, mắt mình cay xè. Con ơi, em không ở với nhà mình nữa...
Tôi cứ đọc nhật kí của bố, và khóc. Đi theo hành trình của bố ở chiến trường và đi theo tuổi thơ của chúng tôi trong nhật kí...
Những ngày kỉ niệm 17/2, 10/3, 30/4... là những ngày bố tôi hầu như không ngủ. Bố lặng lẽ thắp hương lên bàn thờ, ngồi im lặng uống trà và ngẫm nghĩ. Có đêm ngủ rồi bố vẫn hét “xung phong”... mẹ bảo “vì bố từng bị sức ép bom nên thần kinh bố yếu” “bố suýt chết vì sập hầm” “bố bị ám ảnh kí ức chiến tranh”...
... Bây giờ, bố đã đi tìm những người đồng đội của mình, liệu bố có biết tôi vẫn thắp hương trên ban thờ vào những ngày 17/2, 10/3, 30/4...
Cuốn nhật kí đã mờ nét chữ, nhưng đó là kỉ vật quý báu của bố để lại cho chị em tôi, tôi vẫn đọc lại để nhớ bố từng chiến đấu thế nào, để biết bố đã mong chờ, yêu thương các con ra sao... Và để sống, xứng đáng với sự tin yêu của bố.
Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"
Tác giả: Đinh Hồng Nhung
Địa chỉ: Khu 10 Thị trấn Than Uyên, huyện Than Uyên, Lai Châu