Thứ năm, 09/05/2024 23:05
|
Hà nội 21*C/61%
Chủ nhật, 30/05/2021 20:09

Chồng bệnh nhân 22 tuổi tử vong vì Covid-19: “Nhìn con 2 tuổi đeo khăn tang lấp kín mắt mũi, tôi thực sự suy sụp!”

Nằm trong Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã nhiều ngày, chưa hôm nào anh Long chợp mắt nổi một phút… Chiều qua, có người gửi cho anh video cảnh đám tang vội vã của vợ mình - người phụ nữ trẻ 22 tuổi (BN3026) vừa qua đời vì Covid-19.

Screenshot_2

Đứa con gái 2 tuổi ngơ ngác không biết gì. Đeo chiếc khăn tang to trùm kín đầu, mặt nó xị hẳn ra. Mọi khi thấy bố gọi điện, nó nheo nhéo nói cười. Nhưng tối qua, con bé bỗng im bặt.

"Nhìn nó buồn ngây dại, tôi không thể kìm nổi nước mắt. Trái tim đau như có ai bóp nghẹt".

"Thả em ra, em muốn về với con"

Khoảng một tuần trước, sức khỏe chị Đinh đã giống như ngọn đèn leo lét cháy trong gió. Thần trí không tỉnh táo, chị nói sảng rất nhiều. Có lúc nhìn chồng, chị ngơ ngác tưởng ai đó xa lạ. Chị chỉ nhớ mình có con gái nhỏ 2 tuổi đang mỏi mòn chờ mẹ ở nhà.

Chị nhớ con phát điên. Chị vùng vẫy, dùng hết sức bình sinh giãy giụa đòi đi về. Các loại dây truyền cắm trên tay văng ra. Bác sĩ thấy vậy phải cột chặt một tay chị vào thành giường bệnh.

Vật vã một hồi, chị nằm vật ra, thở hổn hển. Dường như chị muốn nói điều gì, nhưng tiếng nói bị hụt hơi không rõ.

Khi chồng ghé sát tai lại, chỉ nghe rõ một câu duy nhất: "Thả em ra, em muốn về với con".

Anh Long nén nước mắt. Biết chị không thể nghe được gì, anh bấm vội vào điện thoại dòng chữ: "Cố lên em, sắp khỏe rồi. Ngoan ngoãn điều trị rồi anh đưa em về".

Khi gõ nhanh từng chữ, anh đã biết chắc điều mình nói sẽ không bao giờ thành sự thật. Ngày 5/5, khi phát hiện vợ chồng anh dương tính, bác sĩ đã tách riêng họ để điều trị. Nhưng tới hôm 13/5, anh bất ngờ được gọi xuống chăm vợ. Bác sĩ bảo riêng anh: "Không còn nhiều thời gian. Em ấy còn quá trẻ nên chúng tôi muốn tạo điều kiện cho anh được gần vợ đến những phút cuối cùng…".

Nước mắt rơi! Miệng anh đắng nghét và tiếng nói không thể thốt ra thành lời. Anh lặng lẽ đi theo bác sĩ xuống chỗ vợ. Khi ấy, chị vẫn còn tỉnh táo.

Chỉ đến sau khi phải cột tay vào giường, chị Đinh mới bất lực nằm thiếp đi rất sâu. Đúng 1 tiếng sau, bác sĩ báo với anh rằng chị sẽ phải thở máy.

Empty

Bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị (Ảnh minh hoạ)

"Gia đình muốn đi đến tận cùng hay dừng lại để em ấy bớt đau? Nói thật là dù có đi đến tận cùng, cơ hội sống cũng chỉ bằng 0".

Nghe bác sĩ nói thế, anh sụp xuống khóc: "Bác sĩ ơi, không được đâu bác sĩ ơi. Bác làm ơn cứu vợ em. Bác hãy cứu vợ em đi bác. Có thuốc gì tốt bác kê hết ra đi. Cô ấy còn quá trẻ, con chúng em còn quá nhỏ".

Nhưng bác sĩ lắc đầu buồn bã: "Có thuốc gì tốt, thuốc nào hay chúng tôi cũng đã dùng hết rồi. Thôi thì cứ cố nhé, biết đâu có phép màu".

Và từ đó chị Đinh hôn mê. Chưa bao giờ anh Long thấy vợ mình bị cạo hết tóc, nằm giữa một đống các loại máy móc, dây dợ và ốm yếu như thế. Những ngày đó, hai vợ chồng nằm tựa lưng vào nhau nhưng không thể nói chuyện. Ngay cả hơi thở của chị, có lúc anh cũng không thể nào cảm nhận. Chị luôn im lặng, không lúc nào mở mắt nhìn chồng.

Hơn một tuần chờ đợi, cuối cùng thì phép màu đã không đến!

Tôi bán nốt đàn lợn nái và con trâu sắp đẻ

Trước khi bị Covid-19 tấn công, chị Đinh nhập viện vì căn bệnh suy tủy. Người chị nổi mẩn đỏ, sốt rất cao nên tuyến huyện đưa gấp lên tuyến tỉnh, tuyến tỉnh lại cấp tốc chở chị lên Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương ngay trong đêm.

Để có tiền chạy chữa, anh Long xin bố mẹ vợ cắm sổ đỏ ở ngân hàng để vay hơn 200 triệu đồng. Lấy nhau đã 3 năm, họ chẳng có một tài sản gì để thế chấp. Chị Đinh làm công nhân vừa đủ ăn và nuôi con. Anh Long bị đau lưng nhiều năm làm Bí thư chi Đoàn thôn, ngoài ra không có việc gì để có thêm thu nhập.

Căn nhà cấp 4 lụp xụp là nơi ở của gần chục người nhà anh Long: bố mẹ anh; vợ chồng, con cái anh trai thứ hai; chị gái thứ ba sống đơn thân cùng 2 cháu nhỏ; vợ chồng anh Long và đứa con gái 2 tuổi.

Screenshot_3

Các bác sĩ đang hội chẩn chuyên môn (Ảnh minh hoạ)

Gom góp hết tiền vay ngân hàng và vay mượn từ bạn bè người thân, anh Long khăn gói lên Hà Nội chăm vợ. Điều trị từ 23/3 đến khoảng giữa tháng 4, sức khỏe chị Đinh đã hồi phục. Hôm ấy chị cắt sốt, có thể ngồi dậy tự ăn cháo.

"Thế này thì chẳng mấy em được về với con anh nhỉ", chị Đinh cười.

Bác sĩ thấy vậy cũng nói vui: "1-2 hôm nữa mà chị cứ ăn khỏe như thế thì bệnh viện không dám giữ nữa đâu!".

Nhưng chỉ ngày hôm sau, chị Đinh sốt trở lại. Cơn sốt cứ tăng dần và đến 29/4 thì không thể nào cắt sốt được nữa. Việt Huyết học chuyển chị lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Tranh thủ mấy ngày nghỉ lễ 30/4-1/5, anh Long nhờ chị vợ vào viện chăm còn bản thân thì về quê thu xếp thêm tiền bạc.

Trong nhà chẳng còn gì, chỉ còn đàn lợn nái và con trâu sắp đẻ vợ chồng anh nuôi làm vốn. Đường cùng, anh phải gọi người bán gấp, chấp nhận chịu hụt vốn. Ngày người ta vào dắt nốt con trâu đi, bố mẹ anh cũng sụt sùi nước mắt.

"Con trâu còn vài ngày nữa là đẻ rồi. Bị bán đi hình như nó cũng buồn. Thấy hai mắt nó có hai vệt nước chảy dài, tôi thấy thương sao mà thương cái phận đời mình và đời vợ".

Thương nhất đứa con vừa bập bẹ nói đã mất mẹ

Khi chị vợ lên Hà Nội chăm sóc em gái, anh Long không bao giờ nghĩ một tai họa lớn sắp giáng xuống gia đình nhà vợ. Chị vợ từ viện về đã lây bệnh cho mẹ ruột, anh chị em và cả con cái mình.

Giờ đây, gia đình bên ngoại có tới mấy người phải cách ly điều trị bệnh. Còn mỗi mình bố vợ anh Long âm tính nhưng vẫn cách ly diện F1.

Ngày bác sĩ xin ý kiến gia đình về việc nên để chị Đinh đi tiếp hay dừng lại, ông cụ ngất xỉu rồi bất tỉnh hơn một ngày. Quá hoảng sợ, gia đình hai bên thống nhất giấu nhẹm không cho mẹ vợ biết. Bà đang nhiễm Covid-19 lại có tiền sử bị hen. Nếu hay tin dữ này, có lẽ người mẹ già sẽ không thể nào vượt qua.

Screenshot_4

Bác sĩ đang theo dõi các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân Covid-19 (Ảnh minh hoạ)

Đôi lúc anh Long vẫn nhớ nụ cười của chị ngày mới quen. Nhà anh nghèo đến nỗi, hễ anh dẫn ai về thăm thì ngày hôm sau y như rằng anh và họ mất liên lạc. Cho đến khi gặp chị Đinh, anh vẫn không tin người con gái trên thành phố ấy sẽ chịu về quê sống chung với cái nghèo của gia đình mình.

"Em là người thật thà. Tôi từng kể hết hoàn cảnh rồi bảo nếu em thương thì tự bắt xe về thăm, không thương thì có thể ra đi. Tôi quen với việc bị người ta ruồng bỏ lắm rồi. Em cười, không nói gì. Rồi đến Tết em tự về chơi. Một lần, hai lần rồi chúng tôi lấy nhau…".

Hai vợ chồng trẻ còn chưa bao giờ nói về ước mơ xa xôi. Vì nghèo khó và còn quá trẻ, họ cứ nghĩ mục tiêu trước mắt là cố gắng đi làm, kiếm tiền nuôi con. Từ lúc yêu đến ngày chị mất, anh còn chưa kịp tặng vợ một đóa hoa.

"Thương vợ nhưng lại càng thương con nhiều hơn. Ngày xem video nhìn con đeo cái khăn tang to lấp kín hết mắt mũi… tôi thực sự suy sụp… Lồng ngực như có ai bóp nghẹt.

Thương cún con nhiều lắm. Từ nhỏ đã lớn lên trong cái nghèo lại mồ côi mẹ lúc vừa bập bẹ tập nói. Không biết ngày sau khi nó hiểu được điều đó, nó sẽ đau nhường nào, sẽ vượt qua làm sao".

* Tên các nhân vật trong bài viết đã được thay đổi.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị  
Hải Phòng khám tư vấn sức khỏe cho trên 1.000 người cao tuổi
Cứu sống bệnh nhân 22 tuổi tắc mạch não bằng kĩ thuật tiêu sợi huyết
Bé gái 5 tuổi uống nhầm hoá chất thí nghiệm
Ngược biên giới gặp anh nông dân hiến tặng 4.000m2 đất xây trường
Cô gái Lào 'hồi sinh' trên giường bệnh viện Bạch Mai
Nhập viện nguy kịch do dùng thuốc tự kê đơn
Hình ảnh ấn tượng tại Lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Bật điều hòa trước hay sau khi đóng cửa?
Chuyện rơi nước mắt sau ngôi mộ 2 chị em người Trung Quốc trôi dạt vào biển Hà Tĩnh
Hà Nội sẵn sàng cho hơn 200.000 học sinh thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào lớp 10
Tài xế và thức uống bổ sung năng lượng luôn đồng hành trong mỗi chuyến đi
Đoàn cấp cao IPPF làm việc với Hội KHHGĐ Việt Nam về dự án chăm sóc SKSS/KHHGĐ
Dùng xe cút kít vận chuyển gần 12.000kg lương thực tiếp tế chiến dịch Điện Biên Phủ
Bỏ chứng khoán đầu tư... đồng hồ Rolex
Chia sẻ yêu thương và tri ân cựu chiến binh Điện Biên Phủ
Khai mạc Triển lãm tương tác tranh panorama kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Trải nghiệm mô phỏng môi trường học thực tế tại New Zealand
Những khoảnh khắc đáng nhớ tại Giải Golf Lương Văn Can
'Đêm thương hội' trao giải Giải Golf Lương Văn Can: Nhiều giá trị để lại
Chiêm ngưỡng bức tranh Panorama toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ rộng hơn 3.200m2
Xem thêm