Thứ ba, 14/05/2024 21:39
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ tư, 23/08/2023 07:00

Bố tôi gánh cả một đời gió sương

Bao nhiều lần tôi muốn nói: “Chính con là người đã khiến sức khoẻ của bố hiện tại trở nên suy sụp, con nợ bố nhiều lắm”, nhưng chẳng bao giờ tôi có thể thốt ra câu ấy được.

Tôi chuyếnh choáng trong men rượu khi đang liên hoan mừng đã vượt qua kỳ thi để lấy tấm bằng Cao học. Tiếng chuông điện thoại đầu dây reo không ngớt. Cậu em trai gọi lần thứ ba, tôi mới bắt máy. Đầu dây bên kia, giọng em trai nghe uể oải, mệt mỏi: “Chị ơi, bố bị ốm nhập viện cả tuần nay rồi, nhưng bố không cho em gọi, bởi sợ ảnh hưởng đến việc thi của chị”. Tôi hoảng, bật khóc vì sự vô tâm của mình.

Ngay tối hôm đó, tôi đã ra ga tàu Biên Hòa để chờ chuyến tàu đêm lên đường về nhà. Ngồi một mình ở sân ga, bao nhiêu ký ức lại ùa về. Ngày tôi rời quê vào Đà Nẵng học, bố tôi – người đàn ông đội cả một trời gió mưa đưa tôi đi nhập học. Khi thấy đã ổn, bố bắt tàu về ngay trong đêm ấy. Nhưng hai ngày hôm sau, nhà tôi gọi điện thoại vào rằng vẫn chưa thấy bố về. Thời ấy nhà tôi nghèo lắm, bố cũng không có điện thoại để liên lạc. Lòng tôi nóng như lửa đốt. Lỡ bố có chuyện gì, chắc tôi sẽ ân hận cả đời.

cha va con  (1)

Bố mẹ ở quê nhà

Thực tình, tôi không tính đi học đại học, bởi nhà nghèo. Lúc ấy bố tôi đã 60 tuổi, những người đồng trang lứa với bố về hưu tận hưởng tuổi già. Tôi muốn nghỉ để đi làm công nhân. Nhưng bố kiên quyết không đồng ý, bố gắt gỏng với cả nhà và la tôi rất dữ. Cả đời bố chưa bao giờ chửi mắng tôi, bởi bố không muốn tôi bị tổn thương. Cả họ nhà tôi đều nói do mẹ tôi sinh tôi là đứa con thứ tư nên bố bị kỷ luật, phải nghỉ ở ti giáo dục.

Khi tôi lớn lên, nghe thấy chuyện ấy, đã có lần tôi hỏi bố: “Vì con mà bố mất việc ạ?”. Bố tôi lắc đầu quả quyết: “Không phải vậy đâu con, bố nghỉ vì nhà mình đông người, làm lương thấp sao mà đủ trang trải cho cuộc sống gia đình, nên bố muốn ra ngoài đi xây với mấy chú”. Nghe bố nói tôi cảm thấy yên tâm, và đỡ tủi thân hơn khi nghe những lời dị nghị của họ hàng.

Hai ngày sau bố về đến nhà, bố đã ra bưu điện gọi ngay cho tôi và báo tin bố đã về quê an toàn. Tôi bật khóc. Tôi hỏi bố đã có chuyện gì xảy ra, rằng tôi đã tính sẽ bắt chuyến tàu tối nay để về nhà. Bố tôi cười an ủi: “Tàu đi qua Quảng Trị, bố nhớ đến những người bạn ở chiến trường xưa đã mãi mãi nằm lại đó mà không được về với quê mẹ, nên bố xuống đi thăm và thắp mấy nén nhang cho các bác, các chú ấy, biết đâu sau này chẳng biết có còn cơ hội. Thế nên bố bắt tàu về hơi trễ, nhưng bố sơ suất quá không gọi điện về báo cho con và ở nhà yên tâm, bố xin lỗi”. Cả hai bố con tôi nghẹn ngào.

Bốn năm trời tôi học đại học, cũng là bốn năm trời bố tôi treo mình trong cái nắng gắt, trên những toà nhà cao cao ở phố thị bằng sợi dây an toàn. Bố dầm mưa, dãi nắng ở cái tuổi xế chiều, chỉ vì muốn kiếm những đồng tiền mặn chát mồ hôi và nước mắt, để tôi có thể đi học, để tôi sau này có cuộc sống tốt đẹp hơn. Ai ở làng cũng nói: “ông Mừu vất vả nuôi con gái ăn học làm gì, nó lớn đủ lông đủ cánh cũng về làm dâu con nhà người ta”.

cha va con  (2)

Bố trong ngày lễ mừng thọ.

Thời ấy ở làng tôi, hầu hết gia đình thuần nông, con gái cũng chỉ học đến lớp 9 là nghỉ ở nhà làm ruộng, đi học nghề và lấy chồng sớm. Nên gia đình nào cho con gái đi học cũng bị săm soi. Bố bỏ ngoài tai tất cả, ngày ngày bố lầm lũi đội chiếc mũ cối, chiếc túi cũ đựng đồ nghề treo ở ghi đông chiếc xe đạp Thống Nhất tróc sơn, bố đạp xe đi hết làng này qua làng, không có việc theo chân chú Phi lên Hà Nội làm. Ngày nào mặt trời đứng bóng, điểm gần 12 giờ bố mới về đến ngõ. Tối nào nhá nhem bố mới về tới nhà. Thế mà những bữa sáng chỉ có cơm trắng với cà pháo. Mẹ tôi đau khớp nặng, nên bao gánh nặng đè hết lên đôi vai của bố. Bố mẹ tôi chắt chiu từng đồng bạc dày cộm để gửi ra thành phố nuôi tôi ăn học thành người. Bao năm đi học cứ ngày 15 hàng tháng, cô bưu điện gọi tôi. Bố chưa bao giờ gửi trễ tiền dù chỉ một lần.

Ngày tôi ra trường, cả nhà tôi mừng rỡ. Bố tôi đã chở tôi trên chiếc xe đạp cũ, đến gặp người bạn cũ thời chiến đấu cùng bố, dù chú nghỉ hưu, nhưng con chú làm rất lớn với hi vọng xin cho tôi đi dạy học ở trường gần nhà. Tôi vẫn nhớ như in cái ngày hôm đó. Bố tôi mặc chiếc áo ghi đông màu xanh bạc thếch mầu. Đi đôi dép lào bằng cao su. Đội chiếc mũ cối có ngôi sao năm cánh. Bố tôi hớn hở vì nghĩ bạn của bố có thể giúp được tôi. Nhưng không, lúc đầu chú đón bố con tôi rất niềm nở, cho đến khi bố mở lời nhờ chú xin cho tôi về dạy ở trường cấp hai. Chú đã quay sang nói: “À đây là đứa con gái anh hay khoe là học giỏi, tài năng đó hả? nếu giỏi, tài năng tự xin việc, chứ cần gì phải nhờ đến em”.

Tôi thấy tay bố nắm chặt lại, run run. Bố tôi không nói nữa, ngồi một lúc rồi xin phép ra về. Lần đầu tiên tôi thấy bố khóc. Giọt nước mắt lăn dài của một ông bố cảm thấy bất lực. Nhưng chính giọt nước mắt ấy khiến tôi mạnh mẽ và quả quyết. Tôi kiên quyết với bố tôi sẽ tự xin việc, và tôi đã làm được. Khi tôi tự mình kiếm được công việc tốt, chỗ làm ổn định và dần khẳng định bản thân mình. Bố mẹ tôi đã khóc vì tự hào.

Ngày hôm sau, xuống ga Nam Định, tôi đã đến thẳng bệnh viện. Bố tôi nằm trên chiếc giường bệnh, nhìn bố gầy đi nhiều, da xanh xao, tiều tuỵ Tôi bật khóc. Tôi trách em trai không báo sớm. Bố nhìn tôi với ánh mắt đờ đẫn, bất ngờ và quay sang của trách cậu: “Bảo đừng báo, thế mà…”.

Khi ra về, ngồi trên xe bố quay sang cười: “Mọi người đều sinh ra từ hư không và sẽ về với cát bụi, bố già rồi, cũng đến lúc phải đi về với ông bà tổ tiên, bệnh bố chữa nhiều tiền quá thì thôi các con ạ”. Bố tôi, cả đời lầm lũi ít nói. Nhưng khi biết mình bị bệnh, bố lại nói tràng dài chỉ vì cố gắng thuyết phục chúng tôi, đừng bỏ ra một số tiền lớn để chạy chữa cho bố làm gì. Tôi và em trai oà lên khóc. Tôi nghẹn ngào trong nước mắt: “Bố cứ chữa bệnh đi, mọi thứ chúng con lo được mà”.

Bao nhiều lần tôi muốn nói: “Chính con là người đã khiến sức khoẻ của bố hiện tại trở nên suy sụp, con nợ bố nhiều lắm”, nhưng chẳng bao giờ tôi có thể thốt ra câu ấy được. Thế nên, dù các anh chị đồng nghiệp hay nói tôi: “Sao thấy cô về bắc như đi chợ thế, tiền lương chả đủ tiền về, sao mà tích luỹ được”. Tôi chỉ biết cười trừ.

Bố tôi cả đời hi sinh vì tôi, đã khó nhọc nuôi tôi trưởng thành. Chỉ vì số tôi phải sống cảnh một chốn đôi quê nên vất vả hơn người. Nhưng cứ nghĩ còn bố mẹ, còn quê hương tươi đẹp để trở về tôi lại cảm thấy dù cuộc sống có vất vả bao nhiêu, tôi mạnh mẽ bước qua. Tôi nợ bố cả quãng thời gian vất vả, tôi biết rằng mỗi lần thấy tôi trở về bố mẹ đều cảm thấy hạnh phúc và luôn tự hào về con gái.

Bài dự thi cuộc thi viết cha và con gái

Tác giả: Nguyễn Thắm

Địa chỉ: Công tác Huyện uỷ huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai

Ban tổ chức  
Thư gửi con gái ngày sinh nhật
Bố đơn thân và hành trình nuôi con gái mắc bệnh Down
Niềm tự hào của Cha về hai con gái
'Thủ lĩnh' Misa: 'Cha dạy tôi đừng bao giờ giúp đỡ người khác mà trông chờ trả ơn'
Cha nghèo lo sợ con gái học nhiều... ế chồng
Hãy thay bố chăm sóc mẹ khi bố đi xa
Cha yêu con bằng tình yêu của một người điên
Cha cầu mong người đàn ông đó sẽ yêu thương con hơn cha
Thiêng liêng khoảnh khắc con gái chào đời
Nhà thơ, nhà báo Hữu Việt: 'Cha và con gái' truyền đi những thông điệp yêu thương của cuộc sống
Cha và con gái là cung bậc tình thương khác biệt
Hơn 100 tác phẩm dự thi 'Cha và con gái' sau 6 ngày phát động
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: 'Nếu mỗi người là hạt giống thì gia đình chính là vườn ươm'
Nhà báo Lê Quốc Minh: “Tôi không muốn rời con gái nửa bước”
Phát động cuộc thi viết “Cha và con gái” lần thứ 2 năm 2024: Cơ hội cho con tim lên tiếng
Cuộc thi viết “Cha và con gái”: Tạo niềm tin trong cuộc sống giữa “cơn bão” ngập tràn tin tiêu cực
Sáng 27/3 phát động cuộc thi viết “Cha và con gái” lần thứ 2 năm 2024
Cuộc thi “Cha và con gái”: Nơi tâm sự chuyện chưa từng thổ lộ
Khởi động Cuộc thi viết “Cha và con gái” lần thứ 2: Viết tiếp những câu chuyện còn dang dở
Chán cảnh tắc đường, bố lái máy bay đưa con gái về quê ăn Tết
Xem thêm