Bà bầu ăn khoai tây chiên được không?
Bà bầu ăn khoai tây chiên được không là thắc mắc của rất nhiều bà bầu bởi nhiều ý kiến cho rằng, khoai tây chiên có độc tố làm giảm khả năng phát triển của thai nhi.
“Mình đang mang thai ở tháng thứ 3 và bắt đầu có dấu hiệu nghén. Trước khi mang thai, mình không thích món khoai tây chiên nhưng hiện tại lúc nào cũng thấy thèm. Nghe các chị đồng nghiệp nói, ăn khoai tây chiên có chất gây ung thư khiến con sinh ra dễ mắc bệnh, nhẹ cân và phát triển không tốt.
Mình đang rất hoang mang, liệu khoai tây chiên có ảnh hưởng đến bà bầu không? Nếu ảnh hưởng thì ăn số lượng như thế nào là hợp lý?”
(Phương Nhàn - Đội Cấn)
Bà bầu ăn khoai tây chiên được không?
Không chỉ có thắc mắc của chị Phương Nhàn, rất nhiều bà bầu cũng gửi câu hỏi đến báo điện tử Gia đình Việt Nam thắc mắc về tác hại của khoai thây chiên đến thai nhi.
Theo một số nghiên cứu khoa học, khoai tây có thành phần dinh dưỡng cao rất tốt cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, khoai tây chiên lại có những tác hại không nhỏ đến sức khỏe thai nhi.
Trang Eva cho biết, khoai tây giàu tinh bột, vì thế khi nấu ở nhiệt độ cao (chiên, nướng) sẽ hình thành acrylamide – một loại chất hóa học độc hại. Nếu thai phụ hấp thụ một lượng lớn Acrylamide thì em bé sinh ra sẽ nhẹ cân hơn tiêu chuẩn trung bình và có chu vi đầu nhỏ hơn.
Kích thước đầu của trẻ sơ sinh có liên quan mật thiết đến sự phát triển thần kinh của bé, do đó, nếu trẻ sinh ra với chu vi đầu nhỏ sẽ dẫn đến các hiện tượng chậm phát triển. Các thai nhi hấp thu hóa chất acrylamide trong chế độ ăn uống của người mẹ thường có chu vi đầu nhỏ hơn kích thước trung bình 0,33cm.
Bà bầu ăn khoai tây chiên con sinh ra dễ nhẹ cân
Một nghiên cứu cũng cho thấy những bà mẹ có chế độ ăn uống chứa hàm lượng acrylamide cao sẽ sinh ra con nhẹ cân hơn 132g so với con của những mẹ bầu hấp thu một lượng thấp hóa chất này.
Trẻ sơ sinh nhẹ cân hơn so với tiêu chuẩn trung bình dễ dàng phát triển các triệu chứng có hại cho sức khỏe trong giai đoạn tuổi thơ và cả trong tương lai về sau. Một số dấu hiệu và nguy cơ điển hình là trẻ có tầm vóc nhỏ hơn, tăng khả năng mắc bệnh tim, tiểu đường và loãng xương.
Theo trang Mẹ và Bé, khoai tây đã nảy mầm hoặc bị thối có khả năng gây ngộ độc càng cao. Khi đó, khoai tây có chứa một loại chất độc gọi là solanin cư trú tại các khu vực nảy mầm và thối của khoai tây. Theo nghiên cứu, mỗi kg khoai tây bị thối hay mọc mầm có chứa 2600mg solanin. Nếu hấp thụ nhiều solanin, chúng sẽ thâm nhập vào máu, làm tê liệt thần kinh, kích thích niêm mạc dạ dày thậm chí gây tử vong.
Không chỉ có chất gây hại cho thai nhi, khoai tây chiên còn làm tăng cảm giác buồn nôn, ói và khó chịu cho bà bầu đang bị nghén. Vì vậy, dù thích khoai tây chiên, các bà bầu cũng nên kiềm chế.
An Nguyên (Tổng hợp)