Thứ ba, 30/04/2024 09:33
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ tư, 07/06/2017 09:02

Vụ thu hồi đất 7 năm chưa nhận được tiền đền bù: Dân thiệt thòi đủ đường!

Sau 7 năm bị thu hồi đất, chưa được đền bù hỗ trợ và bị cấm đầu tư vào chăn nuôi khiến người dân rơi vào cảnh khó khăn chồng chất. Việc chậm đền bù, được cơ quan chức năng lý giải: “tỉnh hết ngân sách và chưa có nhu cầu sử dụng đất”.

Mỏi mòn chờ đền bù!

Trước đó, báo Gia đình Việt Nam đã có bài phản ánh “Hà Nam: Dân bức xúc vì thu hồi đất 7 năm chưa nhận được tiền đền bù!”, nói về việc chính quyền thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) thu hồi đất của dân nhưng chậm đền bù hỗ trợ cho họ dù đã 7 năm trôi qua. Không những thế, người dân còn bị “cấm” không được đầu tư chăn nuôi vì đất đã nằm trong dự án. Thực tế này khiến cho người dân chịu quá nhiều thiệt thòi trong 7 năm qua.

vu-thu-hoi-dat-7-nam-chua-nhan-duoc-tien-den-bu-dan-thiet-thoi-du-duong-giadinhonline.vn 1

Chuồng trại người dân đã bị xuống cấp, hư hỏng

Ông Nguyễn Văn Tuyến cho biết: “Ngày 04/05/2017, 3 hộ dân chúng tôi nhận được văn bản thông báo từ Hội đồng bồi thường GPMB TP Phủ Lý về mức giá bồi thường, hỗ trợ. Gia đình tôi chỉ được tổng mức bồi thường 249.612.583 đồng, còn đối với gia đình ông Quang được 498.428.882 đồng và gia đình ông Anh tổng mức bồi thường 987.659.726 đồng. Như vậy với số tiền đền bù trên so với số vốn đầu tư ban đầu, ba hộ dân chúng tôi thiệt hại mỗi nhà hơn 1 tỉ đồng”.

Qua ghi nhận của phóng viên, các hạng mục người dân đầu tư trước đó để phục vụ hoạt động đa canh nay đã xuống cấp hư hỏng.

Cụ thể, các bờ kè ngăn sạt lở hồ nuôi cá xuống cấp chìm trong nước, kéo theo hậu qủa là những cây trồng lâu năm có giá trị bị sụt lún theo bờ kè, và bị đổ xuống hồ. Ngoài ra các công trình phục vụ chăn nuôi, sinh hoạt không được nâng cấp như chuồng trại chăn nuôi, cống thoát nước, đường sá, sân sinh hoạt… cũng bị hư hỏng nặng.

Theo đó, ước tính thiệt hại của 3 hộ dân với số tiền mất mát lên đến hàng tỷ đồng trong suốt 7 năm qua.

Tỉnh hết ngân sách… chưa có nhu cầu sử dụng đất?

Để có cái nhìn khách quan hơn về việc thu hồi đất và chậm bồi thường, hỗ trợ đối với 3 hộ dân. Chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Lại Văn Thuật - Chủ tịch UBND phường Lê Hồng Phong. Ông Thuật cho biết: “Khi thu hồi đất của 3 hộ dân thì tỉnh hết ngân sách và lúc đó không có nhu cầu sử dụng đất nên chậm trễ cho đến bây giờ”.

Khi phóng viên hỏi, lúc có quyết định thu hồi đất nhưng chưa có nhu cầu sử dụng, tại sao lại không thông báo cho người dân tiếp tục đầu tư vào trang trại gây ra nhiều thiệt hại (?). Ông Thuật phân trần: “Đây là một vấn đề bất cập trong quá trình thu hồi đất”.

vu-thu-hoi-dat-7-nam-chua-nhan-duoc-tien-den-bu-dan-thiet-thoi-du-duong-giadinhonline.vn 2

Văn bản của phường Lê Hồng Phong gửi lên thành phố bổ sung các hạng mục cho dân

Cũng theo ông Thuật: “Trước những kiến nghị của 3 hộ dân có đất nằm trong dự án, về những hạng mục không được kiểm kê tài sản và hỗ trợ đền bù. Sau đó chúng tôi đã mời các hộ dân đến họp giải quyết những thắc mắc không có trong hợp đồng và có văn bản đề xuất lên cấp trên bổ sung những hạng cần được bồi thường, hỗ trợ để đảm bảo quyền lợi cho người dân”.

Tại buổi làm việc, ông Thuật cung cấp văn bản số 16/BC-UBND ra ngày 31/3/2017. Theo văn bản này, UBND phường đã có kiến nghị lên UBND thành phố đề xuất một số hạng mục của 3 hộ dân không có trong hợp đồng như: Nhà ở tạm phục vụ sinh hoạt của các hộ dân; Lán tạm, bán mái và chuồng trại chăn nuôi; Đường giao thông các hộ đã làm phục vụ đi lại sản xuất canh tác; Kè ao chắn do khối lượng đào đắp bị sạt lở; Bể nước phục vụ sinh hoạt, hệ thống cống nước phục vụ tưới tiêu và thoát nước. Ngoài ra còn có các hạng mục, số liệu đã được ban GPMB kiểm kê vào năm 2010.

Trong các văn bản thông báo của UBND thành phố Phủ Lý đã ban hành về việc công khai số liệu kiểm đếm, phương án bồi thường, hỗ trợ… cùng với biên bản kiểm kê tài sản vào năm 2010 tới 3 hộ dân. Thế nhưng không có các hạng mục được UBND phường Lê Hồng Phong bổ sung, đề xuất không có trong hợp đồng.

Trao đổi với phóng viên báo Gia đình Việt Nam, ông Phan Thế Mỹ - Đại diện bên phía GPMB thành phố Phủ Lý cho biết: “Việc chậm bồi thường, hỗ trợ đối với 3 hộ dân là do giai đoạn đó tỉnh chưa rót ngân sách và bên phía Cụm công nghiệp chưa có nhu cầu sử dụng đất nên mới kéo dài đến bây giờ.

Lý giải về việc không sử dụng đất mà không có thông báo cho các hộ dân, ông Mỹ bảo “Các hộ dân kí hợp đồng với UBND phường thì phường phải thông báo”.

Trong suốt buổi buổi làm việc, ông Phan Thế Mỹ có những câu trả lời chưa đúng trọng tâm mà phóng viên đề cập đến. Khi chúng tôi yêu cầu tiếp cận một số văn bản liên quan đến việc thu hồi, kiểm đếm tài sản và đền bù thì ông lại bảo thời điểm đó ông không phụ trách dự án này.

Ông Nguyễn Hữu Thọ- Trưởng ban GPMB thành phố Phủ Lý nói thêm: “Chúng tôi cũng muốn giải quyết nhanh cho các hộ dân, trong quá trình thực hiện kiểm đếm, lên phương án đền bù chưa thống nhất được với các hộ dân. Ngoài ra các thủ tục phải thực hiện theo trình tự , các số liệu chỉ mới thông báo công khai cho các hộ dân nắm bắt. Nếu người dân xem có những hạng mục nào còn thiếu sót thì phải làm đơn lên Hội đồng bồi thường GPMB được để bổ sung các hạng mục đền bù còn thiếu không có trong hợp đồng thuê đất”.

Trước tình trạng thiệt thòi của các hộ dân trong nhiều năm qua, báo Gia đình Việt Nam đề nghị UBND tỉnh Hà Nam, UBND thành phố Phủ Lý, Hội đồng bồi thường GPMB thành phố kiểm tra ra, rà soát số liệu bồi thường để đảm bảo quyền lợi đối với các hộ dân nói trên.

Hiếu Hoàng

Bạn đọc có thông tin, đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại tố cáo xin vui lòng gọi qua số ĐT: 0916 950 168 hoặc Email [email protected]

Tags:
  • Tin liên quan
Xem thêm