Ứng dụng AI trong điều trị cá thể hóa ung thư vú tại Việt Nam
Gần 200 chuyên gia y tế trong nước và quốc tế đã tham dự hội thảo khoa học “Đổi mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư vú” do MammoCare Việt Nam tổ chức vào ngày 20/4 dưới sự bảo trợ của Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam.
Sự kiện quy tụ các bác sĩ, nhà nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực ung bướu, điện quang, chẩn đoán hình ảnh và phẫu thuật, cùng đại diện tập đoàn công nghệ y tế Siemens Healthineers,… nhằm cập nhật những xu hướng điều trị mới, đẩy mạnh hợp tác chuyên môn và thúc đẩy cá thể hóa chăm sóc cho bệnh nhân ung thư vú tại Việt Nam.



Phát biểu khai mạc hội thảo, BS Bùi Văn Chính – Giám đốc điều hành MammoCare Việt Nam cho biết, chúng ta đang phải đối phó với nhiều căn bệnh có xu hướng tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa, trong đó các bệnh về ung thư không phải ngoại lệ.
Theo Tổ chức ung thư toàn cầu (Globocan) khuyến cáo đến năm 2040, tỉ lệ mắc ung thư ở Việt Nam tăng khoảng 59,4% và tỷ lệ tử vong do căn bệnh này khoảng 70,3%. Đặc biệt là ung thư vú, dù căn bệnh này chủ yếu mắc ở nữ giới nhưng là loại ung thư chiếm tỷ lệ tử vong cao nhất và tỷ lệ mắc cao nhất ở cả 2 giới.
BS Chính cho rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ tử vong là do phát hiện muộn, do nhận thức kém, các phương tiện kỹ thuật hạn chế, trình độ chuyên môn chưa thống nhất và chưa có sự quan tâm của xã hội đúng hơn về vấn đề này.
“Ung thư vú hiện là bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ Việt Nam. Việc phát hiện sớm đóng vai trò quyết định đến hiệu quả điều trị và khả năng sống còn.
Qua hội thảo hôm nay, chúng tôi mong muốn không chỉ mang công nghệ tiên tiến về Việt Nam, mà còn kiến tạo hệ sinh thái kết nối – đào tạo – chia sẻ lâm sàng giữa các tuyến điều trị nhằm nâng cao hiệu quả chăm sóc bệnh nhân”, BS Bùi Văn Chính nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến lĩnh vực này. Cụ thể, Bác sĩ CKI Đào Thùy Linh – Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán bệnh lý tuyến vú MammoCare Hà Nội – chia sẻ về công nghệ X-quang vú 3D (Tomosynthesis): “Công nghệ này cho phép ‘xem cắt lớp’ cấu trúc tuyến vú với độ phân giải cao, giúp phát hiện sớm các tổn thương nhỏ mà X-quang 2D có thể bỏ sót, đặc biệt ở phụ nữ có mô vú dày – từ đó hỗ trợ chẩn đoán chính xác hơn và giảm đáng kể số ca sinh thiết không cần thiết”, BS Linh chia sẻ.
Trong khi đó, TS.BS Hoàng Anh Dũng – Phó khoa Ngoại vú, Bệnh viện K Trung ương, Cố vấn chuyên môn MammoCare – trình bày mô hình điều trị đa mô thức (MDT), nhấn mạnh hiệu quả của phẫu thuật bảo tồn vú sau hóa trị tiền phẫu. Phương pháp này không chỉ giúp giảm can thiệp xâm lấn mà còn cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.

Ngoài ra, hội thảo còn tổ chức tọa đàm chuyên sâu với sự tham gia của các chuyên gia từ Siemens Healthineers, MammoCare, Bệnh viện K và Đại học Y Hà Nội. Các chủ đề được thảo luận bao gồm:
- Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong chẩn đoán hình ảnh
- Xét nghiệm gen trong lựa chọn phác đồ điều trị đích
- Kết nối liên viện trong quản lý bệnh nhân ung thư vú
- Tiềm năng triển khai y học chính xác tại Việt Nam
Các diễn giả đồng thuận rằng cá thể hóa điều trị là xu hướng tất yếu, đòi hỏi sự phối hợp đa chuyên khoa, cập nhật công nghệ và chia sẻ dữ liệu lâm sàng liên tục giữa các tuyến điều trị.

Hội thảo “Đổi mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư vú” đã diễn ra thành công tốt đẹp. Đây không chỉ là dịp cập nhật kiến thức chuyên môn, mà còn thể hiện tinh thần kết nối – chia sẻ – đổi mới của cộng đồng y tế Việt Nam trong hành trình đẩy lùi ung thư vú. Với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành và công nghệ tiên tiến, kỳ vọng về chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả hơn cho phụ nữ Việt ngày càng rõ ràng hơn.