Tiếng khóc nghẹn ngào của cô gái trẻ nơi hành lang bệnh viện
Sau khi nhận kết quả mắc ung thư máu ở giai đoạn 3, cô gái 22 tuổi rơi vào trạng thái suy sụp, lặng lẽ ra hành lang bệnh viện ngồi khóc nghẹn khiến ai nấy cũng xót xa.
Chia sẻ với PV Gia đình Việt Nam, ThS.BS. Nguyễn Duy Anh - Trung tâm Ung bướu, Xạ trị và Y học hạt nhân Quốc tế - Bệnh viện Đa khoa Phương Đông cho biết, anh vừa tiếp nhận và thăm khám cho một bệnh nhân 22 tuổi trong tình trạng mệt mỏi và chu kỳ kinh nguyệt không đều.

Cô gái chia sẻ rằng tình trạng mệt mỏi kéo dài bắt đầu sau Tết Nguyên đán, nhưng vì cho rằng do vừa tốt nghiệp, chuyển từ môi trường học tập sang làm việc, cô đã chủ quan. Chỉ đến khi nhận thấy kinh nguyệt không đều, cô mới quyết định đi khám sản.
Tại đây, kết quả công thức máu cho thấy nhiều bất thường, bệnh nhân được hướng dẫn chuyển sang chuyên khoa ung bướu. Các xét nghiệm huyết đồ ban đầu không phát hiện điều gì bất thường, nhưng khi tiến hành siêu âm ổ bụng, các bác sĩ phát hiện có khối nghi ngờ ở khoang sau phúc mạc.
"Lúc này bạn ấy đã rất lo lắng. Tôi động viên bệnh nhân chụp CT ngực bụng thì thấy có các hạch trong ổ bụng khoang sau phúc mạc cạnh cột sống thắt lưng.
Trong khoang ngực bệnh nhân cũng có một số hạch bất thường. Chỉ định sinh thiết hạch ổ bụng cho kết quả là u lympho không Hodgkin.
Sau khi chúng tôi kết luận tình trạng bệnh, bệnh nhân như sụp đổ rồi lặng lẽ ra hành lang bệnh viện ngồi khóc nghẹn. Đây là điều dễ hiểu khi một người còn rất trẻ biết mình mắc ung thư," BS Duy Anh chia sẻ.
Khi nhận thấy bệnh nhân có dấu hiệu tâm lý bất ổn, BS Duy Anh đã nhờ đến bộ phận tư vấn tâm lý và điều dưỡng nữ để hỗ trợ.
"Bệnh nhân được đưa vào phòng tư vấn tâm lý. Tại đây, một nữ điều dưỡng và một bác sĩ nữ đã động viên, trấn an tinh thần bệnh nhân. Sau khi dần ổn định, bệnh nhân đã gọi điện thông báo tình trạng của mình cho gia đình," BS Duy Anh nói.
Khoảng 2 ngày sau, bệnh nhân quay trở lại bệnh viện cùng người nhà để được tư vấn phác đồ điều trị.
Theo BS Duy Anh, với tình trạng hiện tại, phương pháp điều trị chỉ định là hóa trị. Ngoài ra, bệnh nhân nhiều khả năng cần được ghép tủy từ người hiến phù hợp.
Sau quá trình điều trị, bệnh nhân cũng sẽ cần làm xét nghiệm gen để tiên lượng nguy cơ tái phát trong tương lai.

Cảnh báo những dấu hiệu âm thầm của ung thư máu
Theo bác sĩ Duy Anh, ung thư máu thường có biểu hiện không điển hình, dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với mệt mỏi thông thường. Tuy nhiên, nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu như sốt kéo dài không rõ nguyên nhân, ra nhiều mồ hôi vào ban đêm, xuất hiện vết bầm tím trên da, chảy máu cam hoặc ban đỏ không rõ nguyên nhân... người bệnh không nên chủ quan mà cần đi khám sớm để được chẩn đoán chính xác.
"Với sự phát triển của y học hiện nay, tỷ lệ sống trên 5 năm của bệnh nhân ung thư máu có thể lên đến 80%, trong khi trước đây chỉ đạt khoảng 50 - 60%," BS Duy Anh cho biết.
Thực tế đã có rất nhiều bệnh nhân ung thư máu được điều trị ổn định, quay lại cuộc sống sinh hoạt, học tập và làm việc bình thường. Nhiều người trong số đó đã lập gia đình và sinh con khỏe mạnh.
"Bên cạnh việc phát hiện sớm, điều trị đúng phác đồ,
tuân thủ chỉ định của bác sĩ là yếu tố quan trọng để chữa khỏi ung thư máu. Vì
vậy, tuyệt đối không nên bỏ điều trị để theo các phương pháp truyền miệng như
thực dưỡng hay thuốc Nam, khiến bỏ lỡ 'giai đoạn vàng' trong điều trị," BS
Duy Anh nhấn mạnh.