Tá hỏa vì tài nội trợ của dâu mới ngày Tết
Sau cái tết, mẹ kết luận rằng, không phải ai sinh ra cũng giỏi việc bếp núc. Không sợ con dâu đoảng, chỉ sợ thiếu nhiệt tình
Năm đầu tiên nhà chúng tôi đón thêm một thành viên trong cái tết ấm cúng, đó chính là nàng, cô dâu mới của tôi, con dâu của bố mẹ tôi và sẽ là người mẹ tương lai của các con tôi. Và để thể hiện sự tháo vát của nàng, đúng chiều 30 tết, hai đứa khuân lỉnh kỉnh bánh trái, hoa hoét về nhà.
Bữa cơm chiều 30 được mẹ chuẩn bị từ sáng nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Nàng vừa về đến nhà là xắn quần “lao” ngay vào bếp. “Mẹ có việc gì cứ bảo con làm”. Có được “cứu trợ” mẹ nhanh tay chỉ chỏ bảo con dâu làm cái nọ, cái kia. Hai “mẹ con” ríu rít chuyện trò. Tôi cũng nhẹ cả người. Nàng xinh đẹp, hiền dịu lại còn nhanh nhẹn đảm đang thế kia, mẹ rảnh tay là cái chắc. Tôi ung dung đi lên nhà làm một giấc cho đỡ mệt...

Ảnh minh họa
Đang thiu thiu ngủ thì “xoảng” một cái, tôi giật bắn mình vội nhào xuống bếp, thì than ôi cả chồng bát đĩa đang nằm yên dưới đất và không còn cái nào nguyên hình thù ban đầu. Nàng đứng nhìn đống bát đĩa vỡ, mặt tái mét. Hóa ra nàng vừa bê rổ rau vào bếp thì đá phải cái chân bàn ăn khiến cả chồng bát đĩa mới rửa phi cả xuống nền đá hoa, vỡ tan tành. Mẹ tôi choáng một lúc xong quyết định chỉ đạo chạy ra cửa hàng mua bát đĩa mới vì “vỡ triệt để” thế này không còn gì mà đựng cỗ nữa. Sau khi sửa sai bằng việc bắt tôi chở đi mua bát đĩa, nàng tiếp tục làm vỡ thêm vài chiếc trong khi tích cực nhận việc rửa chúng.
-> Tết thêm “tròn” khi con hiểu về truyền thống
Chưa hết, khi mẹ tôi bảo nàng bổ khoai tây để hầm nồi canh thì nàng cho lên thớt, dơ dao như triển chiêu vác đoản đao, chân đứng “tấn” rồi hai tay bổ xuống. Khoai thì chả trúng mà còn bắn lên không trung quay mấy vòng rồi rơi bộp vào nồi nước xôi khiến mẹ tôi phải thi triển kinh pháp nhảy lẹ ra cửa nếu không thì ăn chắc cái tết trong bệnh viện.

Ảnh minh họa
Mẹ chưa hết bàng hoàng thì bỗng mùi khét lẹt bốc lên, tôi cuống quýt phi lên nhà xem có cái ổ điện nào bị chập không, nhưng khổ nỗi cái mùi khét ấy lại bốc lên từ dưới bếp. Khi chạy xuống bếp thì thấy cái nồi xôi mà ban nãy mẹ tôi bảo nàng đặt lên bếp đang bốc khói. Hóa ra nàng không đổ nước vào nồi mà cứ thế đồ “xôi” vô tư. “May mà không cháy nhà”. Mẹ vừa đổ nước vào cái nồi cháy xèo xèo bốc khói, vừa tạ ơn ông thần hỏa chưa kịp ghé thăm.
Cho đến 3 giờ chiều, nghe chừng đã quá mệt mỏi với sự nhiệt tình của cô dâu đoảng, mẹ gọi tôi ra ngoài nói nhỏ: “Con dẫn con bé đi chơi loanh quanh đi đừng để nó ở trong bếp kẻo nhà ta cháy mất”. Tôi hiểu ý mẹ bèn rủ nàng đi chợ mua thêm mấy cành hoa đào về cắm tết, nàng có vẻ áy náy khi để mẹ chồng làm cơm một mình, tôi kéo mãi mới chịu đi.
Có lẽ do sợ nàng dâu sẽ biến cái bếp thành chiến trường cho nên mẹ quyết định chuyển đối phương án từ ngày mùng 1 tết. Mỗi lần cần nàng làm việc gì mẹ đều chỉ bảo cẩn thận, từ cách đặt nồi, tra mắm muối, cách nấu, cách bày biện... Sau cái tết, mẹ kết luận rằng, không phải ai sinh ra cũng giỏi việc bếp núc. Không sợ con dâu đoảng, chỉ sợ thiếu nhiệt tình. Mẹ nhận ra nàng tuy đoảng thật nhưng lại ham học hỏi và chăm chỉ, cho nên mẹ vẫn “duyệt” và hy vọng rằng cái tết năm sau con dâu của mẹ sẽ không “đốt nhà” thay cho “pháo hoa ngày tết”.
Video Cách làm mứt cà rốt