Phát hiện dị vật trong tai phải xử lý thế nào cho đúng?
Dị vật mắc trong tai nếu không được xử lý đúng cách có thể gây nguy hiểm cho nạn nhân, nặng nề có thể gây viêm màng não.
Bất tỉnh vì tăm bông kẹt sâu vào lỗ tai
Mới đây, một người đàn ông bất tỉnh đã nhanh chóng được đưa vào Bệnh viện Coventry và Warwickshire NHS Trust để cấp cứu vì một nhiễm khuẩn ở sọ do một tăm bông kẹt sâu vào lỗ tai.
Theo Daily Mail, bệnh nhân (ở Coventry, Anh) đã bị co giật, đau đầu, đau tai, nôn ói và chảy mủ từ tai trái. Anh cũng khó khăn khi nhớ tên từng người thân trong ngày nhập viện.
Chuyên gia tai, mũi và họng Alexander Charlton của bệnh viện trên đã viết trên Tạp chí BMJ Case Reports: “Bệnh nhân liên tục bị đau tai trái và mất thính giác trong 5 năm qua”.
Sau khi các bác sĩ cho bệnh nhân kháng sinh vì chẩn đoán anh ta bị viêm màng não, họ mới phát hiện bên trong ống tai bệnh nhân bị viêm nhiễm và đầy mủ phủ lên bông tăm.
Hình ảnh CT cho thấy áp xe bên trong sọ của người đàn ông (Ảnh: Thanh Niên)
Họ đã lôi bông tăm, những mảnh vụn và chẩn đoán bệnh nhân bị viêm tai ngoài hoại tử, theo Daily Mail. Hình ảnh CT cho thấy áp xe bên trong sọ.
Sau khi tăm bông đã được lấy ra khỏi tai và đã dùng thuốc kháng sinh, chỗ áp xe đã co lại sau sáu ngày sau đó.
Bệnh nhân đã xuất viện sau một tuần tại bệnh viện, theo Daily Mail. Sau 10 tuần uống thêm thuốc tại nhà, anh đã hoàn toàn khỏe mạnh.
Xử lý dị vật trong tai thế nào cho đúng?
Nếu bạn gặp phải tình huống này, điều đầu tiên cần làm là hết sức bình tĩnh và xử lý đúng cách để lấy dị vật ra ngoài mà không gây ảnh hưởng đến tai.
Trước hết cần quan sát xem dị vật có gần lối ra của ống tai ngoài hay không? Nếu ở gần, bạn hãy khéo léo lấy dị vật ra và đảm bảo không làm ảnh hưởng đến lớp màng của ống tai ngoài hoặc màng nhĩ.
Nếu dị vật vào sâu trong tai, không nên tìm cách lôi ra, vì rất có thể làm ảnh hưởng đến lớp màng tai và gây điếc cho nạn nhân. Trường hợp này, gia đình cần đưa nạn nhân đến ngay khoa cấp cứu của bệnh viện.