Nhà báo chủ kênh Youtube hơn 1 triệu "Sub" kể chuyện ngày đầu làm MXH
Báo chí đang dần "bình thường hóa" thành một nền tảng truyền thông xã hội. Hầu hết các nhà báo đều sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội để xuất bản tác phẩm của mình.
YouTube là một nền tảng truyền thông xã hội có ảnh hưởng, tiếp cận đến hơn 2 tỷ người dùng trên toàn thế giới. Sự lớn mạnh của YouTube cùng với phạm vi tiếp cận độc giả rộng rãi của nền tảng chia sẻ video đã thu hút các nhà sản xuất video chuyên nghiệp và nghiệp dư chuyển sang YouTube để cung cấp thông tin và tương tác với độc giả, công chúng toàn cầu.
YouTube thực sự có vai trò to lớn trong nền công nghiệp báo chí và tất nhiên, báo chí cũng có vai trò to lớn trong hệ sinh thái truyền thông video rộng lớn này.
Trong giới báo ai ai cũng biết YouTube là công cụ giúp người làm báo truyền tải thông tin hiệu quả đến với độc giả, nhưng để xây dựng kênh YouTube cá nhân được đông đảo bạn đọc quan tâm thì không phải điều đơn giản, như nhiều người vẫn hay nói “Làm YouTuber giống như nuôi một đứa trẻ”.
Vậy mà giữa vô vàn khó khăn đó, một kênh YouTube có tên “Vlog Minh Hải” lại nổi lên trên mạng xã hội nhờ vào nội dung thời sự, hấp dẫn, chuyên sâu về mảng bóng đá nước nhà. Người xây dựng kênh “Vlog Minh Hải” là nhà báo Minh Hải, hiện nay kênh đã có nút vàng YouTube và có 1,16 triệu người đăng ký, 652.809.470 lượt xem.
“Tôi có ý tưởng làm nội dung trên internet từ năm 2006. Lúc ấy, báo VnExpress cho tôi cơ hội đi học lớp nâng cao do các giảng viên châu Âu đứng lớp và tôi may mắn được gặp thầy Thomas - một nhà báo rất giỏi người Thuỵ Điển. Thầy thấy tôi đam mê bóng đá, chủ động chia sẻ nhiều ý tưởng làm nội dung và lúc ấy, tôi cũng đã được các đài truyền hình mời bình luận nên thầy bảo: Hải, sao em không thử làm nội dung trên Youtube?
Kể từ lúc ấy, tôi bắt đầu suy nghĩ, trau dồi thêm các kỹ năng khác, không chỉ là khả năng độc thoại trước máy quay mà còn cả kỹ năng dựng, chọn bối cảnh. Năm 2009, tôi đăng ký tài khoản của mình trên YouTube và đến ngày 15/8/2014, tôi có chương trình đầu tiên trên kênh” – Nhà báo Minh Hải tâm sự.
Sau khi lập kênh YouTube, nhà báo Minh Hải đã trăn trở giữa bóng đá quốc tế và bóng đá trong nước, thực tế cho thấy làm bóng đá quốc tế thì kênh lên nhanh, view rất nhiều nhưng khó để tạo ra sự khác biệt. Còn làm bóng đá trong nước, view lên chậm nhưng có thể khai thác được khả năng phóng viên để tạo ra nét riêng cho kênh.
“Đang trong lúc phân vân chưa biết chọn nội dung định hướng cho kênh, tôi được một người anh lớn trong nghề nhắn: Hải làm bóng đá nội đi, để còn có thể góp một phần cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam và cuối cùng tôi đã chọn làm bóng đá trong nước” – Nhà báo Minh Hải cho hay.
Theo nhà báo Minh Hải, thời gian khó khăn nhất là thời gian bắt đầu xây dựng kế hoạch nội dung và học thêm các kỹ năng làm kênh. Về chuyên môn, nhà báo Minh Hải khá tự tin nhưng để xây kênh thì phải học và làm thêm nhiều công việc khác, như: Làm kế hoạch bài vở, lên lịch quay, chọn bối cảnh, dựng thành phẩm và học thuật toán của YouTube để làm cho đúng ngay từ đầu…
“Khi bắt tay vào mới thấy quá khó, bình thường nói trên truyền hình thì bon lắm nhưng khi nói một mình, trước cái máy quay, nó vấp, nó hỏng và nhất là khi về xem lại video mới phát hiện ra, mình nói… sai. Thế là lại phải làm lại” – Nhà báo Minh Hải chia sẻ.
Khoảng thời gian đầu rất khó khăn, mỗi tháng nhà báo Minh Hải phải bỏ ra khoảng 30 - 40% thu nhập từ nghề báo để đầu tư cho kênh “Vlog Minh Hải” mà lúc đó chính anh cũng không biết kênh sẽ đi về đâu.
“Khó khăn nhất là những đề tài động chạm, cũng kinh động đến nhiều đội bóng, tổ chức và cá nhân. Nhiều lúc cũng nản nhưng rồi, khi được khán giả động viên, tôi lại lao mình vào công việc mà bây giờ nhìn lại, tôi cũng không hiểu mình lấy đâu dũng khí và sự kiên trì để tiếp tục ngần ấy năm” – Nhà báo Minh Hải nói về những khó khăn trong quá trình xây kênh.
Làm báo, làm truyền hình rồi làm YouTube đã mang đến cho nhà báo Minh Hải rất nhiều lợi thế giúp anh có thêm mối quan hệ tốt với các đội bóng, lãnh đội hay các quan chức của VFF, của Cục TDTT và các CĐV, qua đó nắm được tình hình rộng hơn và sâu hơn trong bóng đá.
Về cơ bản với nhà báo Minh Hải làm báo và làm YouTube không có khác biệt, có chăng là khác ở môi trường phát hành thông tin, nhà báo Minh Hải luôn tâm niệm phụng sự khán giả bằng tất cả khả năng chuyên môn và tinh thần xây dựng của mình. Dù làm báo, truyền hình hay làm YouTube và sau này là TikTok, nhà báo Minh Hải cũng luôn trung thành với sứ mệnh này.
“Những năm qua, tôi vẫn âm thầm chia sẻ kinh nghiệm sống, kỹ năng sống thông qua những nhân vật truyền cảm hứng của bóng đá Việt Nam với hy vọng tạo động lực cho các bạn trẻ. Bây giờ, thi thoảng tôi vẫn đưa những câu chuyện đời, chuyện nghề, chuyện đông tây – kim cổ vào chương trình để cùng chia sẻ lối tư duy tích cực, cách sống chuẩn mực với thế hệ kế tiếp. Tôi mong, sau này, khi không còn là một nhà báo thể thao, tôi sẽ chia sẻ câu chuyện của chính tôi, của những người mà tôi đã gặp, đã hiểu và đã thân cho các bạn trẻ, biết đâu họ có thể lĩnh hội được một điều gì đó tốt đẹp cho tương lai, cho cuộc đời của chính họ” – Nhà báo Minh Hải cho biết.
Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng kênh YouTube cho giới trẻ hiện nay, nhà báo Minh Hải mượn lời của một người bạn trong nghề: “Làm báo - dễ, làm báo hay mới khó. Làm nội dung trên mạng xã hội hay thương hiệu cá nhân cũng thế, cần phải có một lối đi riêng, cần khai thác điểm khác biệt của mình. Trên tất cả, các bạn phải quyết tâm, phải kiên trì và cần rất nhiều sự hỗ trợ mới có thể thành công được. Các bạn trẻ bây giờ rất nhạy với công nghệ, nắm bắt thông tin rất nhanh lại thông minh, tài giỏi nữa, tôi nghĩ, họ sẽ không mất nhiều thời gian như tôi”.
YouTube đang là nền tảng xã hội được hầu hết các nhà báo và tòa soạn báo hội tụ kỹ thuật số sử dụng. Không chỉ xuất bản tin bài trên các nền tảng CMS quản lý tin, bài để xuất bản bài viết trên trang báo chính thống, các nhà báo hoạt động trên cả YouTube, trên Facebook và TikTok.
Bài viết của các nhà báo, chẳng hạn như tin tức và các chương trình thời sự, cũng được xuất bản thường xuyên trên YouTube, TikTok. Tương tác của khán giả, thể hiện qua lượt chia sẻ, thích và bình luận trực tuyến đã trở thành thứ thông dụng trong ngành công nghiệp truyền thông.