Làm báo thời công nghệ AI: Phải biết biến thách thức thành cơ hội
Với sự phát triển của công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI) vừa tạo thuận lợi cho báo chí phát triển song cũng là thách thức sống còn đối với người làm báo. Đứng trước những thách thức đó, người làm báo phải đón nhận và biến thách thức thành cơ hội.
Trí tuệ nhân tạo hỗ trợ thiết thực
Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – viết tắt là AI) cùng với các công nghệ số mới như bockchain, xR… là công cụ không thể thiếu của ngành công nghiệp nội dung số, cũng là một thách thức lớn trong quản trị nội dung trong toà soạn, bởi nguy cơ gia tăng tin giả với tốc độ sản xuất cao của báo chí tự động, cũng như các rắc rối pháp lý và đạo đức báo chí truyền thông.
Mặc dù vậy, thời gian qua, trong nhiều cuộc Hội thảo do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, hầu hết các ý kiến của các nhà báo, nhà quản lý báo chí, chuyên gia công nghệ và bản quyền số đều cho rằng nếu biết biến thách thức thành cơ hội thì AI trong báo chí là một công cụ tốt.
Ảnh minh họa.
Trên thực tế, có nhiều cách khác nhau để áp dụng AI trong hoạt động nghiệp vụ báo chí như tóm tắt nội dung văn bản và tài liệu, trả lời theo yêu cầu và chủ đề của người dùng hoặc sáng tạo các nội dung, các tác phẩm theo góc nhìn mới, đặt tiêu đề cho các bài báo, dịch thuật đa ngôn ngữ. Các ứng dụng này giúp nhà báo tiết kiệm thời gian và công sức lao động nghề nghiệp. AI có thể là trợ lý ảo đắc lực cho nhà báo trong tìm kiếm, xác định thông tin. Có thể sử dụng các phần mềm ứng dụng công nghệ AI để phát hiện đề tài, thu thập xử lý thông tin để theo dõi sự kiện, trích xuất thông tin và xác định xu hướng.
Đặc biệt, AI xuất hiện giúp các người dùng tăng tốc sản xuất nội dung. Sử dụng các công cụ AI hỗ trợ quá trình viết bài, biên tập, quản trị nội dung để gia tăng tốc độ sản xuất tin bài, các tòa soạn báo. Trong sản xuất nội dung, AI có thể hỗ trợ các tính năng như: Nhập văn bản bằng giọng nói; chuyển văn bản thành giọng nói; phiên dịch nội dung; hỗ trợ kiểm chứng thông tin độc lập; tự động xác định các yêu cầu từ độc giả; hỗ trợ tổ chức các thông tin và gợi ý liên kết giữa các chủ đề; trực quan hóa dữ liệu; phân tích hình ảnh và nhận dạng; tự động viết các nội dung, tạo tin bài từ dữ liệu có sẵn.
Ngoài việc dùng phần mềm ứng dụng AI để làm phiên bản audio cho tất cả các bài đăng có text đang khá phổ biến ở các toà soạn báo chí có hai phiên bản trở lên, nhiều nhà báo và cơ quan báo chí đã và đang kiểm tra tính thực tế, xác minh tính chính xác của thông tin đã công bố trước đó (thông cáo báo chí...) thông qua tính năng Fact check của Google, thậm chí có thể tự mình xây dựng phần mềm phần mềm dựa trên mẫu trong thư viện AI như NLTK, Scikit-Learn…
Một số Đài Phát thanh - Truyền hình và các toà soạn hội tụ có thể ứng dụng tính năng tự động sản xuất các nội dung có cấu trúc lặp lại cho một số tin tức như tin về thời tiết, thể thao, công nghệ… bằng cách xây dựng phần mềm tạo văn bản tự động. Gần đây nhất, nhóm nghiên cứu của Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh đã thử nghiệm thành công trong việc ứng dụng ChatGPT sản xuất phóng sự truyền hình về chính mảng nội dung công nghệ.
Phải học cách để làm chủ công nghệ
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, các phần mềm ứng dụng AI dù có nhiều tính năng vượt trội nhưng xét đến cùng, đó cũng chỉ là một công cụ mà nhà báo phải học cách để làm chủ nó, sử dụng nó phục vụ cho hoạt động tác nghiệp của mình nhằm tạo ra tác phẩm, sản phẩm báo chí theo nguyên tắc của nghề nghiệp. Chúng có thể là công cụ đắc lực cho công tác biên tập, sản xuất báo chí tự động, nhưng nhưng nó không thể thay thế lao động sống của nhà báo tại hiện trường.
Chúng cũng không có nhạy cảm chính trị, không có lý tưởng, không có tính nhân văn, hoàn toàn không có trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí. Do đó để làm chủ và sử dụng được công cụ số nói chung và các phần mềm ứng dụng AI nói riêng, mỗi nhà báo Việt Nam càng phải trau dồi năng lực và phẩm chất của một nhà báo cách mạng, học hỏi, thảo luận để có thể làm chủ công nghệ, chứ không để công nghệ dẫn dắt và làm chủ chúng ta. Nguy cơ dùng dữ liệu và tin giả trong tác phẩm báo chí là rất cao, nếu quản trị nội dung trong toà soạn không theo kịp được sự phát triển của công nghệ số.
Ảnh minh họa.
Trao đổi với báo chí tại Hội Báo toàn quốc 2023 về vấn đề người làm báo cần chuẩn bị những gì để thích ứng trong bối cảnh nở rộ của công nghệ và sự phát triển của AI, ông Phạm Mạnh Hùng - Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, cho rằng: Nếu chúng ta tiếp cận sự phát triển của khoa học công nghệ với một thái độ coi đây là cơ hội thì rất tốt, ví dụ như công nghệ Askonomy này. Nó cũng giống như ChatGPT đã bàn rất nhiều trên báo chí, và trong tương lai, còn có những công nghệ khác tối ưu hơn nữa, và nó luôn thách thức con người.
“Tôi nghĩ rằng các phần mềm như ChatGPT, hay bất kỳ AI nào, cũng không thể thay thế con người. Bởi vì nó vẫn dựa trên sự xử lý những thông tin đã có do con người cung cấp. Nếu chúng ta tận dụng được các tiến bộ công nghệ, áp dụng vào công việc sao cho thuận lợi hơn, dễ dàng hơn và thông minh hơn trong công nghệ làm báo, thì sẽ không có thách thức, mà đấy là cơ hội để chúng ta tận dụng công nghệ”, ông Phạm Mạnh Hùng cho biết.
Bên cạnh đó, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cũng cho rằng, công nghệ không bao giờ thay thế được vai trò của con người. Do vậy, những người làm báo trong bối cảnh hiện nay phải nhanh hơn, phải sâu hơn, phải tạo ra được sự khác biệt và sự chuyên nghiệp.
Chúng ta chỉ có thể làm báo với một phông kiến thức rộng và chuyên nghiệp, chuyên sâu thì mới tạo ra những sản phẩm báo chí có ích cho công chúng, từ đó mới tồn tại được. Người làm báo hiện nay khác ngày xưa ở phần kỹ năng, phải có kỹ năng để tạo ra các sản phẩm báo chí tồn tại trên môi trường số.