Nam thanh niên dân tộc Mông mang khối u gan đường kính hơn 20cm
Bệnh nhân có khối u gan ở giai đoạn muộn với đường kính hơn 20 cm. Khối u đã xâm lấn tĩnh mạch chủ dưới và vỡ gây chảy máu dưới bao gan.
Bệnh nhân Giàng Mí G. (26 tuổi, dân tộc Mông, quê huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng), vào Khoa Ngoại Gan mật, tiêu hóa và ung bướu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) với chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào gan (HCC).
Người nhà cho biết, gia đình bệnh nhân đã có 3 người chết vì ung thư gan. Cách đây 3 tháng, bệnh nhân xuất hiện đau tức vùng hạ sườn trái, buồn nôn nhiều, mệt mỏi. Bệnh nhân đi khám tại cơ sở y tế và được chẩn đoán viêm gan B – HCC.
Bệnh nhân được chỉ định nút mạch, song vì không có điều kiện kinh tế cũng như suy sụp tinh thần, cả gia đình 7 người (mẹ, hai vợ chồng và 4 người con) vào Đắc Lắk chữa thuốc nam với số tiền ít ỏi thu được nhờ bán trâu.
Sau 3 tháng, tiền hết, bệnh ngày càng nặng, gia đình đã nghĩ đến việc bệnh nhân phải bỏ mạng nơi đất khách. Nhưng may mắn anh G. được những người hảo tâm giúp đỡ một số tiền đủ để về Hà Nội và gửi gắm vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương với chút hy vọng mong manh.
BSCKII Nguyễn Trường Giang - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, các bác sĩ tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng ốm yếu, chỉ nặng có 40kg (phần vì đau không ăn uống được, phần vì nhiều ngày dùng thuốc không rõ nguồn gốc).
Bệnh nhân có khối u gan ở giai đoạn muộn với đường kính hơn 20 cm. Khối u đã xâm lấn tĩnh mạch chủ dưới và vỡ gây chảy máu dưới bao gan. Vì vậy mổ cắt u dường như là lựa chọn duy nhất. Mọi trì hoãn đều có thể dẫn tới tử vong do khối u tiếp tục chảy máu.
Nhưng khả năng tử vong trên bàn mổ cũng rất cao và rõ ràng. Một câu hỏi được đặt ra là quyết tâm mổ và chấp nhận nguy cơ tử vong hay giải thích để bệnh nhân về? Cuối cùng, các bác sĩ xác định làm mọi thứ trong khả năng.
Sau 7 tiếng trong phòng mổ, bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt gan trái mở rộng (khoảng 3kg), cắt lách, thận, đuôi tuỵ. Quá trình phẫu thuật, bệnh nhân đã mất khoảng 2.000 ml máu, sốc và rối loạn đông máu, có tình trạng suy gan và nhiễm trùng khá nặng.
Tuy nhiên với sự cố gắng của các đồng nghiệp phẫu thuật viên, bác sỹ gây mê, bác sỹ hồi sức, đội ngũ kỹ thuật viên, điều dưỡng, sự ủng hộ chuyên môn của lãnh đạo khoa phòng, bệnh viện… đã giúp bệnh nhân vượt qua nguy kịch. Khoảng 10 ngày sau mổ bệnh nhân tiếp tục được đốt khối u gan còn lại.
BSCKII Nguyễn Trường Giang chia sẻ, khi tiếp nhận bệnh nhân chúng tôi thực sự lo lắng. Với những bệnh nhân dân tộc thiểu số, mọi việc có thể còn khó khăn hơn do khác biệt về phong tục tập quán, văn hóa, ngôn ngữ, hoàn cảnh kinh tế hiếm khi đảm bảo. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bệnh nặng nhưng không có tiền để đóng viện phí.
Do đó, tiếp nhận bệnh nhân là nỗi lo viện phí, đồng thời là tiếp nhận gánh nặng niềm tin của đồng nghiệp, của những nhà hảo tâm, của bệnh nhân và gia đình. Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, được ra viện và trở về quê hương trên chuyến xe từ thiện nghĩa tình.
- Tin liên quan
- • Khóc hết nước mắt tưởng mắc ung thư gan, đi khám mới biết do ký sinh trùng từ món quen thuộc
- • Nguyên nhân lớn nhất gây ung thư gan, phổ biến gấp 10 lần thuốc lá
- • Dùng nồi cơm điện kiểu này chẳng mấy chốc ung thư gan
- • Từ chuyện 9X ung thư gan do thói quen ăn hoa quả ngẫm 2 bí quyết sống khỏe mỗi ngày