Khóc hết nước mắt tưởng mắc ung thư gan, đi khám mới biết do ký sinh trùng từ món quen thuộc
Người phụ nữ được phát hiện có tổn thương gan và nghi ngờ ung thư gan phải mổ. Tuy nhiên, khi đi khám tại bệnh viện chị mới biết mình bị sán lá gan do ký sinh trùng.
Chị Hằng - tên nhân vật đã được thay đổi, sống tại Hải Phòng là một doanh nhân trẻ thành đạt. Trong một lần đi khám, người phụ nữ này được các bác sĩ phát hiện có tổn thương gan và nghi ngờ ung thư gan phải mổ.
Trong thời gian chờ đợi làm thủ tục và xếp lịch mổ, chị Hằng được một người quen giới thiệu đến một bệnh viện để kiểm tra lại kết quả.
Trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân, TS.BS Trần Huy Thọ - Phó Giám đốc thường trực Bệnh viện Đặng Văn Ngữ hướng dẫn người bệnh làm các xét nghiệm giun sán. Kết quả xác định, trong gan bệnh nhân có sán lá gan và những thương tổn là do ký sinh trùng này gây ra, chứ không phải ung thư gan.
"Nghe kết luận, bệnh nhân vui mừng thốt lên: Tôi sống rồi. Vì trước đó, khi nghe tin mắc ung thư gan, bệnh nhân và cả gia đình suy sụp, người bệnh khóc hết nước mắt vì lo lắng", TS Thọ kể lại.
Theo TS Trần Huy Thọ, bệnh sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ gây áp xe gan khá phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người đang vô tình đưa sán lá gan vào người chỉ vì những món khoái khẩu.
Cụ thể, người nhiễm bệnh sán lá gan do ăn uống dính phải trứng hoặc ấu trùng nang có trong nước lã, gỏi cá, tôm sống chấm mù tạt, rau mọc dưới nước chưa rửa sạch…
Khi ấu trùng xâm nhập vào mô gan, sán non phát triển thành sán trưởng thành, đẻ trứng trong ống dẫn mật. Trứng được bài xuất theo phân ra ngoài, gặp môi trường nước ngọt ở sông suối, ao hồ… sinh trưởng theo chu kỳ mới.
Rau sống, gỏi cá,... đồ ăn chưa được nấu chín dễ có nguy cơ nhiễm bệnh (Ảnh minh họa)
Bệnh nhân sán lá gan thường có triệu chứng đau tức vùng gan, nổi mẩn, rối loạn tiêu hóa, thậm chí tắc mật, ứ mật, vàng da. Nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ xuất hiện trạng thái thiếu máu, gan bị xơ hóa, tăng huyết áp tĩnh mạch cửa và suy kiệt dần.
Theo TS Thọ mặc dù điều kiện sống, vệ sinh của người dân ngày càng cải thiện. Tuy nhiên việc nhiễm các loại ký sinh trùng vẫn là một gánh nặng bệnh tật. Tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân nhiễm cùng lúc nhiều loại giun sán như: sán lá gan, giun đũa chó mèo, giun lươn, sán dây…
"Phần lớn bệnh nhân nhiễm giun sán thông qua con đường ăn uống. Không ít bệnh nhân nhiễm giun sán 10-15 năm thường gặp triệu chứng "ngứa điên, ngứa dại" nhưng đi khám không đúng chuyên khoa nên mãi không bắt được bệnh", TS Thọ nhấn mạnh.
Để đề phòng các bệnh lý do giun sán nói chung và sán lá gan nói riêng, TS Thọ khuyến cáo:
- Thực hiện ăn chín, uống sôi, đặc biệt không nên ăn các loại cá, ốc chưa được nấu chín kĩ dưới mọi hình thức, không ăn các loại rau sống mọc dưới nước.
- Thực hiện rửa tay trước khi ăn, chế biến thức ăn; sau khi đi vệ sinh, tiếp xúc với phân, rác thải...
- Quản lý phân người và phân động vật, không dùng phân tươi để bón rau.
- Sử dụng nước sạch để ăn uống.
- Tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần.
Nếu nghi ngờ nhiễm bệnh, người bệnh phải đến cơ sở y tế để thăm khám, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị kịp thời.