Thứ sáu, 10/05/2024 03:15
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ tư, 22/06/2016 06:45

Lão nông quyết tâm “đèn sách” dự thi đại học để trở thành bác sĩ

Đăng ký thi đại học ở tuổi ngũ tuần nhưng ông Thọ tự tin sẽ ghi danh “bảng vàng” tiếp tục theo đuổi giấc mơ làm bác sĩ dang dở mấy chục năm qua.

Cha con cùng chạy đua với thời gian

Ông Văn Bá Thọ, 51 tuổi, ngụ xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TP.HCM có lẽ là một trong những thí sinh lớn tuổi nhất đăng ký tham gia kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016. Người đàn ông ngũ tuần nộp hồ sơ theo diện thí sinh tự do và được phân công thi tại cụm thi ĐH Bách Khoa TP.HCM. Thời điểm ông Thọ đến đăng ký, những người tiếp nhận hồ sơ tỏ ra hết sức bất ngờ bởi trên tay ông còn cầm hai bộ hồ sơ khác. Đó là hồ sơ của em Văn Bá Chương 22 tuổi (thí sinh tự do) và Văn Thiên Tường, 19 tuổi, học sinh lớp 12, Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Hóc Môn. Nghe ông Thọ lý giải:Chúng tôi là 3 cha con, cùng quyết tâm ghi danh bảng vàng ở mùa thi năm nay”, những người đứng cạnh chỉ biết tròn mắt kinh ngạc.

lao-nong-quyet-tam-den-sach-du-thi-dai-hoc-de-tro-thanh-bac-si-giadinhonline.vn 1

Lão thí sinh bên chiếc máy tính cũ kỹ

Hôm chúng tôi đến nhà, ông Thọ đang lúi húi học bài. Ông mặc bộ đồng phục học sinh bạc màu, đường chỉ bung xổ tứ tung. Thân hình ông nhỏ thó, tưởng như lọt thỏm trên chiếc ghế cũ kỹ. Nghe người viết hỏi: "Hôm nay bác được nghỉ làm ạ?”, ông Thọ cười hiền nói, “tôi phải bỏ làm để dùi mài kinh sử. Năm nay, tôi quyết tâm thi đậu đại học. Nếu không đậu năm sau tôi tiếp tục thi lại. Ông trăn trở: "Đã cận ngày thi cần đẩy cao việc học. Hễ có thời gian, sức khỏe tôi lập tức lao vào “chiến đấu” cùng sách vở. Mình già rồi, trí nhớ, tư duy không còn nhanh nhẹn như bọn trẻ nên phải cố tích lũy kiến thức”.

lao-nong-quyet-tam-den-sach-du-thi-dai-hoc-de-tro-thanh-bac-si-giadinhonline.vn 2

Ông Thọ nỗ lực viết tiếp giấc mơ còn dang dở

Ông Thọ dù chưa biết sẽ thi được bao nhiêu điểm nhưng khẳng định chỉ nộp hồ sơ đăng ký vào ngành bác sỹ Y học cổ truyền, ĐH Y Dược TP.HCM. Người thí sinh già hiểu rõ đây là một trong những ngành có điểm đầu vào cao nhất mùa thi năm trước. Nhưng ông tỏ ra rất tự tin. Ông nói: “Mấy năm gần đây, tôi đều giải đề thi đại học và soi đáp án đạt từ 24-25 điểm trở lên. Ngành Y học cổ truyền năm ngoái lấy 24, 25 điểm, tôi chỉ cần thi mỗi môn 8 điểm, điều này hoàn toàn nằm trong khả năng. Hơn nữa, tôi còn được cộng thêm 1 điểm ưu tiên khu vực làm vốn”.

lao-nong-quyet-tam-den-sach-du-thi-dai-hoc-de-tro-thanh-bac-si-giadinhonline.vn 3

Ông Thọ miệt mài với những bài toán hóc búa

Dự thi đại học ở tuổi 51 đã là điều đặc biệt, nhưng dám khẳng định đi học để kiếm tiền chứ không phải thử sức như ông Thọ quả hiếm thấy. Ông tâm sự: “Nhiều người lớn tuổi đi thi, đi học chỉ vì muốn thử sức hay kiểm tra lại kỹ năng, trí nhớ, kiến thức… nhưng tôi thì khác. Nếu cần bổ sung sự hiểu biết tôi tự mua sách vở, tài liệu học ở nhà chứ đến trường làm gì để tốn thời gian, sức khỏe, tiền bạc. Tôi đặt mục tiêu rõ ràng thứ nhất là lấy bằng đại học “danh chính ngôn thuận” làm việc. Thứ hai, sau 6 năm đi học (thời gian đào tạo của ngành bác sỹ Y học cổ truyền) tôi sẽ có đủ kỹ năng để phục vụ khám chữa bệnh cho bà con. Tôi muốn có cái nghề vững chắc sau này về già tự lao động kiếm tiền không làm phiền đến con cháu”.

Hiện tại, để chuẩn bị cho chuyến “vượt vũ môn” cam go phía trước ông Thọ cùng hai con trai đang chạy đua với thời gian. Ông Thọ tự nhận là người có khả năng tốt nhất trong 3 cha con, nên ngoài việc tự ôn luyện còn đứng lớp dạy lại cho 2 chàng trai trẻ. Trong căn nhà chật hẹp, tồi tàn của gia đình mọi khoảng trống tốt nhất đều được dành cho việc dạy và học. Giữa phòng khách “lão thí sinh” cho đặt chiếc bảng đen lớn, ghi chi chít những công thức Toán học, Lý học phức tạp. Bộ bàn ghế salon cũ kỹ được trưng dụng làm bàn học. Khách đến thăm chẳng ai dám ngồi lâu bởi sợ làm ảnh hưởng đến tinh thần “chiến đấu” của cha con chủ nhà.

Bên góc phòng, ông Thọ đặt bộ máy tính bàn vừa mới mua lại ước chừng đến chục năm tuổi. Ông bảo, chiếc máy tính là vật dụng giúp cha con ông kết nối với thế giới hiện đại. Ông tự lên mạng học trực tuyến, nghe các nhà giáo giảng bài, gõ tài liệu, tìm đề thi thử và đặc biệt là theo dõi mọi thông tin về kỳ thi sắp tới. “Lão thí sinh” kiên quyết không để mình tụt hậu với các “đối thủ” trẻ tuổi. Nhìn người đàn ông ngũ tuần vừa nói chuyện vừa liến thong lật từng trang sách khiến chúng tôi vô cùng cảm phục. Có cảm giác không ở đâu sức nóng mùa thi lại cuồng nhiệt như trong gia đình “lão thí sinh”.

Tìm lại giấc mơ dang dở

Nhà ông Thọ rất nghèo, nghèo đến nỗi chúng tôi có cảm giác mái tôn ọp ẹp che nắng, che mưa có thể bị sức gió thổi tung bất cứ lúc nào. Nhưng trên khuôn mặt già nua, chai sạn của vị gia chủ chỉ hiện lên vẻ lạc quan, yêu đời đến kỳ lạ. Ông Thọ trước đây làm công nhân xưởng may mặc. Sau thất nghiệp, ai thuê gì làm đó. Vợ ông cũng chẳng khá hơn. Bà chủ yếu ở nhà chăm sóc, cơm nước cho 3 cha con. Ông Thọ buồn rầu kể, đã 3 năm qua tình cảm vợ chồng sứt mẻ. Hai người sống chung nhà nhưng ít khi chịu ngồi nói chuyện với nhau. Điều đặc biệt, ông bà đều cố gắng tìm mọi cách lo cho các con được ăn học bằng bạn bằng bè. Cậu con trai lớn Văn Bá Chương năm ngoái thi đại học được 19,5 điểm nhưng em không đủ đậu vào ngành Công nghệ thực phẩm, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM. Cũng như cha, năm nay em chỉ nộp h sơ vào ngành yêu thích chứ không học ngành khác.

lao-nong-quyet-tam-den-sach-du-thi-dai-hoc-de-tro-thanh-bac-si-giadinhonline.vn 4

Ngôi nhà sập sệ của gia đình ông Thọ

Người con út Văn Thiên Tường có thời gian gián đoạn việc học, giờ em đang là học sinh ở Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện. Thiên Trường mơ ước làm bác sỹ đa khoa và dự định nộp hồ sơ vào ĐH Y Dược theo cha. Tuy nhiên, theo nhận xét của ông Thọ, cậu út có ít khả năng thành công nhất, nhưng ông không ngăn cản con trai. Ông nói: "Tôi cứ để 2 cháu tự thi vào ngành mong muốn, nếu không đậu các cháu có thể thi lại hoặc học nghề. Hai đứa nó từ lâu đã biết đi làm thêm, gần như tự lập về kinh tế nên không đáng ngại. Nếu may mắn cả 3 cha con cùng đậu đại học, chúng tôi sẽ làm hồ sơ vay vốn ngân hàng và tìm việc làm thêm để duy trì việc đến trường. Tôi luôn khuyên các con chỉ cần có ý chí, niềm tin mọi khó khăn nào cũng vượt qua được”.

Tâm sự về quyết tâm thi lại đại học sau hơn 30 năm bỏ dở, ông Thọ kể, ông sinh ra và lớn lên ở mảnh đất hiếu học Duy Xuyên, Quảng Nam. Từ tấm bé, những đứa trẻ nhà quê đói rách như ông đã được cha mẹ dạy phải học lấy cái chữ mới có thể thoát nghèo. Ông Thọ vốn nổi tiếng thông minh học giỏi khắp vùng. Chưa đầy 20 tuổi, ông suất sắc thi đậu vào ngành bácsỹ Y học cổ truyền, ĐH Y Dược TP.HCM và trở thành niềm tự hào của người dân vùng quê sỏi đá. Ấn tượng lớn nhất về thời sinh viên của người đàn ông tuổi ngũ tuần là những chuyến đi chui tàu lửa (đi không mua vé) từ Quảng Nam vào TP.HCM và ngược lại. Trong một chuyến tàu chui định mệnh như thế ông gặp tai nạn khiến cuộc đời đi sang ngã rẽ mới.

Ông nhớ lại, khoảng năm 1986-1987, lúc đó ông đã là sinh viên năm hai của ĐH Y khoa danh giá. Sau kỳ nghỉ hè, ông ôm ba lô con cóc nhảy tàu chợ vào Sài Gòn. Thông thường để qua mặt nhân viên soát vé, cánh đi tàu chui “chuyên nghiệp” như ông chỉ cần trốn từ toa này qua toa khác là xong. Hôm đó, bất ngờ có hai nhóm kiểm soát đi từ hai phía ập tới. Ông Thọ hoảng hồn không còn cách nào khác phải chui qua cửa sổ rồi bám lơ lửng vào thân tàu. Ông bám mãi, hai tay rũ rượi những người nhân viên mới đi qua. Nhưng dù cố hết sức ông chẳng thể vào lại toa. Bất lực, ông chủ động buông tay để người rớt xuống đường ray. Cú ngã gây va chạm mạnh khiến ông bất tỉnh hồi lâu. Toàn thân ông trầy xước, máu từ đầu chảy ra nhiều. Chàng sinh viên trẻ may mắn giữ lại được tính mạng. Sau vụ tai nạn, ông vào lại TP.HCM nhưng cứ tập trung học hành là đầu muốn nổ tung. Biết mình bị thương tổn não bộ, ông Thọ tự động bỏ học mà không bảo lưu kết quả.

Ông Thọ sợ cha mẹ trách mắng không dám về quê, lưu lạc giữa TP.HCM làm thuê làm mướn mưu sinh. Mãi đến năm 30 tuổi, ông quay lại trường xin học tiếp nhưng bị khước từ. Thất vọng, ông lao đầu vào công việc. Rồi ông lập gia đình, sinh con. Cuộc sống khó khăn, ông Thọ chấp nhận gác lại giấc mơ làm bác sỹ để kiếm tiền nuôi vợ con. Sau 30 năm bươn chải, khi hai cậu con trai yêu quý bắt đầu biết tự lập, ông Thọ mới quyết tâm đi tìm lại mình, tìm lại khát vọng của thời trai trẻ xưa kia. Ông Thọ quả quyết thời gian đã lâu, nhưng kiến thức của ông không hề sụt giảm. Để duy trì khả năng, ông tự mở lớp dạy luyện thi đại học cho những bạn trẻ yếu chuyên môn hơn. Có thời gian ông được người ta trả tiền dù không nhiều nhưng phần nào đó khiến ông thấy rất mãn nguyện. Trước khi chia tay “lão thí sinh” đặc biệt, chúng tôi thầm cầu nguyện cho ông có thể vượt “vũ môn”. Cầu nguyện cho giấc mơ từ hơn 30 năm của ông có thể đơm hoa, kết trái.

Huy Hùng

Tags:
  • Tin liên quan
Xem thêm