Hỏi đáp về bệnh đái tháo đường
Hiện nay, ở Việt Nam chúng ta chỉ có thể chuẩn đoán được gần 40% số bệnh nhân đang mắc đái tháo đường. Do vậy, lời khuyên của bác sĩ tất cả mọi người trên 40 tuổI nên thử đường máu 3 năm/lần. Đấy là cách đơn giản nhất để chẩn đoán bệnh đái tháo đường.
Chồng tôi rất béo (phải nói là quá béo). Tôi muốn biết nếu béo quá thì có bị bệnh tiểu đường không?(Thanh Hương, 33 tuổi)
BS Nguyễn Hồng Trường: Béo phì là một nguy cơ của bệnh tiểu đường, do đó những người béo phì cần đi khám định kỳ để kiểm tra bệnh tiển đường.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, còn có nhiều tình trạng hoặc bệnh lý khác cũng gây ra béo phì, như: chế độ ăn nhiều chất béo, ít vận động…. nên người béo phì chưa hẳn sẽ bị tiểu đường. Dù vậy, việc giảm cân vẫn cần thiết để nâng cao sức khoẻ và phòng tránh các bệnh lý khác.
Xin hỏi bác sĩ: lượng đường trong máu bao nhiêu là giới hạn bình thường?(Nguyễn Thanh Mỹ, 52 tuổi)
Ths Bs Nguyễn Huy Cường: Bạn thân mến, đường máu lúc đói là dưới 5,5 mmol/lít. Nếu đường máu 2 lần thử lớn hơn và bằng 7mmol/lít hoặc đường máu bất kỳ lớn 11,1/lít là chắc chắn bị mắc đái tháo đường. Khi đường máu lúc đói từ 5,6 cho đến 6,9 mmol/lít thì gọi là giảm dung nạp đường máu lúc đói hoặc là tiền đái tháo đường. Vì những ngườI này rất dễ tiến triển đến bệnh đái tháo đường nếu không thay đổi lốI sống. Vì dụ như: ít vận động, ăn nhiều và bị nhiều stress…
Tôi mới bị tiểu đường, nhiều người khuyên dùng thuốc nam. Có nên hay không?(Vũ Văn Bình, 50 tuổi)
BS Nguyễn Hồng Trường: Đã có nhiều nghiên cứu trong nước đã chứng minh một số dược liệu của Việt như linh chi, câu kỷ tử, dừa cạn… có tác động tốt lên nồng độ đường huyết của người bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, người bệnh phải quan niệm rằng, cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ loại thuốc nào có thể điều trị khỏi bệnh tiểu đường cũng như không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào. Vì thế, sử dụng thuốc đông y hoặc tây cũng cần phải có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Sử dụng đúng thuốc và đúng cách sẽ giúp cải thiện bệnh tiểu đường, giúp người bệnh có cuộc sống gần như người bình thường.
Nguyên nhân vì đâu mà hiện nay có nhiều người bị tiểu đường loại 2 vậy? Truớc kia bệnh nay đâu có nhiều đến thế đâu?(Vũ Phúc, 29 tuổi)
Ths Bs Nguyễn Huy Cường: Nguyên nhân bệnh đái đường Type 2 gia tăng, có thể nói một cách ngắn gọn là do lối sống của chúng ta đã thay đổi quá nhanh: Ăn nhiều hơn, uống nhiều rượu bia, giảm vận động thể lực, chịu nhiều áp lực trong cuộc sống (hay còn gọi là căng thẳng). Cách đây 10 năm, tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường ở Hà Nội chỉ khoảng 1% số người trên 15 tuổi. Nhưng nay, tỷ lệ này đã tăng với 4 – 5%.
Tôi bị bệnh tiểu đường 2 năm nay, lúc đầu có dùng thuốc, 6 tháng nay đã ngưng, đi kiểm tra đường máu bình thường như vậy bệnh tiểu đường của tôi đã hết chưa? (Bảo Anh, 50 tuổi)
BS Trần Thị Minh Nguyệt: Bệnh tiểu đường là bệnh mãn tính, hiện nay chưa có phương pháp nào điều trị dứt hẳn mà chỉ giữ cho lượng đường trong máu bình thường, nhằm phòng ngừa xảy ra các biến chứng. Mặc dù không dùng thuốc, đường máu đã ở ngưỡng bình thường, bạn vẫn phải duy trì chế độ ăn kiêng và vận động thể lực hợp lý. Thường xuyên theo dõi lượng đường trong máu lúc đói, lúc no, sau ăn 2 giờ và chỉ số HbA1C mỗi 3 - 6 tháng 1 lần. Đồng thời tầm soát các biến chứng của bệnh. Nếu tất cả đều bình thường thì bệnh tiểu đường của bạn đang ổn định.
Phương Vũ (tổng hợp)