Cựu chiến binh chất độc da cam một mình gồng gánh chăm vợ ốm, 2 con di chứng nặng
Mang trong người di chứng của chiến tranh nhưng ông Trần Văn Toàn trú tại phường Cẩm Phú, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) bao năm nay vẫn một mình gồng gánh gia đình vợ ốm, con di chứng nặng.
Nhắc tới hoàn cảnh gia đình ông Trần Văn Toàn ở khu 3, phường Cẩm Phú, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) người dân ở đây ai cũng không khỏi thương cảm. Ông Toàn mang trong mình chất độc màu da cam khiến hai người con bị di chứng trong khi vợ bệnh tật triền miên.
Dù hai vợ chồng ông Toàn đều là công nhân ngành than nghỉ hưu nhưng cuộc sống gia đình ông lại rơi vào cảnh cơ cực. Tất cả sinh hoạt gia đình đều phụ thuộc vào đồng lương ít ỏi của ông.
Ông Trần Văn Toàn chia sẻ câu chuyện với phóng viên
Nhắc lại những năm tháng cơ cực ngỡ tưởng không vượt qua được, ông Toàn không khỏi bùi ngùi: “Năm 1968, tôi từ vùng quê Hải Hưng ra Cẩm Phả để làm công nhân ngành than. Năm 1970 tôi lên đường nhập ngũ. Huấn luyện một thời gian ở ngoài Bắc rồi hành quân vào chiến trường Tây Nguyên. Tham gia chiến trường được ba năm đến năm 1974 trong một lần bị mắc sốt rét rừng ở Pleiku phải điều trị hơn một tháng không đỡ nên đơn vị đưa tôi ra Bắc để điều trị".
Tưởng chừng không vượt qua được cơn sốt rét rừng vì sức khỏe ngày một yếu nhưng sau thời gian điều trị ông Toàn dần hồi phục.
“Từ khi bị mắc sốt rét rừng từ người chiến sỹ khỏe mạnh 62 cân tôi giảm xuống còn 39. Thời gian điều trị tôi phải uống thuốc kéo dài và lên tới 2.000 viên thuốc chia ra mỗi ngày 6 viên", ông Toàn nhớ lại.
Sau khi ra quân, ông Toàn trở về Cẩm Phả làm công nhân ngành than đến năm 30 tuổi thì lập gia đình. Hạnh phúc đến với hai vợ chồng vùng mỏ cũng đầy gian nan và vất vả.
Ông Toàn nhớ như in: “Hai vợ chồng về ở với nhau mà không có gì làm gia tài. Lúc đó chúng tôi được ở nhà tập thể công nhân, diện tích phòng ở chỉ có 24m2. Tiền không có để mua những vận dụng thiết yếu, đến giường ngủ cũng phải đi mượn, đồ đạc người thân mỗi người cho một ít. Người cái chậu, cái nồi… cuối cùng cũng thành một mái ấm nhỏ”.
Thế rồi hạnh phúc đến với vợ chồng trẻ khi lần lượt hai người con ra đời. Nhưng hạnh phúc đó lại không trọn vẹn khi con gái đầu vừa sinh ra đã bị dị tật, chậm phát triển so với những đứa trẻ khác.
Con thứ hai là con trai đỡ hơn người con đầu nhưng học đến THPT thì tâm sinh lý phát triển không bình thường. Hai vợ chồng thời gian đầu không biết do đâu về sau đi khám được bác sỹ khẳng định bị ảnh hưởng chất độc màu da cam. Khổ nhất là đứa con gái đầu ốm đau quanh năm nên bao nhiêu tiền hai vợ chồng tích cóp đều đổ vào chạy chữa cho hai đứa con với hy vọng chúng phát triển bình thường nhưng đâu vẫn hoàn đấy.
Ngoài đồng lương ít ỏi, hai vợ chồng ông Toàn mở thêm quán tạp hóa nhỏ để nuôi con tật nguyền
Nuốt nước mắt vào trong, hai vợ chồng ông Toàn gượng lên để nuôi hai con tật nguyền. Cũng từ đó mọi gánh nặng đã dồn lên đôi vai của người cựu binh mất sức.
“Để có tiền nuôi con, làm nhà hai vợ chồng đặt ra mục tiêu tiết kiệm. Năm nay tích cóp ngần này tiền để mua đất thì sang năm tích cóp ngần này đủ để mua ngói, gạch… Sau 15 năm tích cóp hai vợ chồng mới làm được ngôi nhà nhỏ để tránh mưa gió và cho tới tận bây giờ gia đình vẫn ở ngôi nhà này”, ông Toàn chia sẻ.
Trước hoàn cảnh đó nên mặc dù ở tuổi 70 nhưng hiện ông Toàn vẫn phải lo toan mọi việc từ chăm sóc con cái tật nguyền cho tới lo lắng cuộc sống gia đình.
“Hai vợ chồng tôi không mong mỏi gì cả, chỉ mong trời cho sức khỏe và con cái ổn định không ốm đau là tôi mừng lắm rồi. Nhìn lại những năm tháng qua, tôi thực sự sợ hãi và nghĩ hai vợ chồng phải trường kỳ mới vượt lên được", ông Toàn ngậm ngùi.
Bao nhiêu năm vất vả nuôi hai người con bị di chứng chất độc màu da cam là từng ấy năm vợ chồng ông Toàn trải qua bao cơ cực. Nhìn những đứa trẻ khác phát triển bình thường trong khi con mình bệnh tật, ốm đâu nhiều lúc ông bà không khỏi chạnh lòng.
“Ở tuổi xế chiều nhẽ ra có cháu bồng cháu bế nhưng giờ hai vợ chồng lại phải lo cho con cái, không biết sau này khi hai vợ chồng mất đi, ai sẽ chăm sóc chúng”.
Phần lớn cuộc đời vợ chồng ông đã vất vả lo toan, gánh nặng tuổi già cũng đang đè thêm lên cuộc sống của họ nhưng xem chừng nỗi lo đó vẫn còn dài phía trước.