Cô em họ của tôi
Tôi vốn là một con nhỏ bướng bỉnh và rất cá tính. Hè nào tôi cũng về nhà cô chú chơi, năm nào cô chú cũng trồng dưa hấu, những lúc bận, tôi được cử đi trông ruộng.
Cô chú thường trêu tôi: “Cháu trông thì ít mà ăn thì nhiều”. Do tôi nghịch ngợm nhất nên cứ tết đến là bố mẹ lại gửi tôi sang nhà cậu hai ăn tết, tôi đã ở đó bảy, tám năm.
Cậu hai là giáo viên cấp ba, cậu rất thích trẻ con. Cậu có một cô con gái năm nay đã hai tuổi mà vẫn chưa biết nói. Một lần, người cháu họ của cậu dẫn cô bé đi chơi, khi về thì phát hiện thấy em tự nhiên không nói nữa. Mới đầu cậu mợ cho rằng em không thích nói nên cũng không để ý, lâu dần khi phát hiện ra là em không chịu nói cả hai vô cùng lo lắng. Mợ rất buồn và đã cố tìm hiểu nguyên nhân, cuối cùng cũng đã tìm ra. Thì ra hôm người cháu họ dẫn cô bé đi chơi vì ham chơi nên đã bỏ cô bé đứng một mình. Đang đứng chơi trước cửa một nhà thì mấy con bò từ phía trong đi ra, trong đó có một con đã lao về phía cô bé. Giờ nghĩ lại mà tôi vẫn còn nổi hết cả gai ốc.
Cô em họ của tôi đã không nói một từ nào suốt hơn nửa năm trời - Ảnh minh họa
Cô em họ của tôi đã không nói một từ nào suốt hơn nửa năm trời. Thời gian ăn tết ở nhà cậu mợ, tôi phát hiện thấy cô bé vẫn nghe hiểu chỉ có điều em chỉ dùng ánh mắt để “giao lưu” với người khác, cần gì thì em lại đến kéo áo người khác. Rất nhiều lần mợ tâm sự với tôi rằng mợ sợ cô bé sẽ bị câm bởi bên họ ngoại nhà mợ cũng từng có người bị như vậy. Đương nhiên cũng có người lạc quan khuyên mợ, đợi cô bé lớn chút nữa chắc bệnh tình sẽ khá hơn. Một lần, trong lúc chúng tôi đang chỉnh sửa ảnh thì cô em họ cũng ngồi bên cạnh để xem. Mợ liền chỉ vào bức ảnh và bảo cô bé: “Đây là chị” thì dường như từ khóe miệng của cô bé đã phát ra âm “chị” nhưng không thành tiếng. Hai mắt mợ sáng lên, mợ đã cố thuyết phục em nói lại nhưng cô bé nhất định không chịu, mợ cũng không đành ép và cho qua chuyện này. Thế nhưng tôi thì lại không dễ dàng bỏ qua chi tiết này. Một khi cô bé có thể phát ra âm như vậy thì chỉ cần cố gắng một chút là có thể có kết quả. Phải nghĩ cách mới được, tôi thầm nghĩ.
-> Tâm sự nghẹn lòng của con về căn bệnh trầm cảm của bố
Khi đó tôi cũng chỉ mới 12, 13 tuổi nhưng đã từng có thâm niên “lãnh đạo” mấy đứa em ở nhà, bởi thế tôi rất hiểu tâm lý bọn chúng. Rồi một hôm, một ý nghĩ đã lóe lên trong đầu, tôi đã có cách. Tôi đưa cô bé ra ngoài chơi, khi về nhà, tôi chạy thật nhanh vào sân rồi giữ cửa không cho cô bé vào. Tôi bắt cô bé phải gọi “Chị” thì mới cho vào. Đương nhiên là cô bé đã không nói. Tôi giả bộ định khóa cửa, cô bé không chịu khi phải đứng lâu một mình bên ngoài, không còn sự lựa chọn nào khác quả nhiên cô bé đã cất tiếng gọi. Tôi vỗ tay khen cô bé nhưng vẫn đứng trong giữ cửa và trò chơi cứ lặp đi lặp lại như vậy. Mấy ngày đầu công việc này tương đối khó khăn, cô em họ của tôi đôi khi tỏ ra không “hợp tác”. Luyện tập từ “chị” được vài ngày cô bé đã thuộc làu, cậu mợ vui lắm. Tôi đã kiên trì luyện cho cô bé hết từ này đến từ khác và mọi việc dần trở nên dễ dàng hơn. Cứ như vậy, cuối cùng tôi cũng đã “điều trị” được căn bệnh không chịu nói của cô bé. Đến giờ tôi vẫn không dám khẳng định, nếu không ép em nói liệu em có thật sự bị câm như mợ từng nói không.
Ngồi nhớ lại lần chặn cô em họ ngoài cửa mà tôi thấy tội nghiệp cô bé quá - Ảnh minh họa
Ngồi nhớ lại lần chặn cô em họ ngoài cửa mà tôi thấy tội nghiệp cô bé quá. Nhưng đó là “diệu kế” duy nhất mà tôi nghĩ được lúc đó. Mấy năm trước khi nhắc lại chuyện cũ mợ còn bảo, nếu không có tôi chắc giờ cô bé vẫn chưa biết nói. Nhưng mợ không biết rằng, chính mợ mới là người khơi dậy khả phát âm của em.
Video Chú rể đánh xe trâu đi rước dâu