Cảnh giác với sốt xuất huyết trong mùa mưa
Sốt xuất huyết là bệnh dịch nguy hiểm không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Mẹ đã trang bị đủ kiến thức để bảo vệ con khỏi căn bệnh mùa mưa này chưa?
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị sốt xuất huyết
Triệu chứng của sốt xuất huyết khá giống với các bệnh truyền nhiễm gây sốt khác như sốt siêu vi, sốt phát ban nhưng có một số dấu hiệu điển hình có thể giúp mẹ nhận biết bệnh, bao gồm:
Bé sốt cao đột ngột nhưng không ho, sổ mũi hoặc tiêu chảy.
Mặt đỏ bừng và nổi nhiều chấm đỏ trên da nhất là ở cẳng tay, cẳng chân và thắt lưng. Các nốt xuất huyết này thoạt nhìn giống vết muỗi chích nhưng khi căng ra thì không biến mất.
Đau đầu dữ dội và đau nhức mình mẩy.
Chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ói hoặc đi cầu ra máu.
Có thể xuất hiện viêm kết mạc mắt và đau họng hoặc đau hạ sườn phải do gan to lên.
Khoảng 80% ca sốt xuất huyết diễn biến lành tính và trẻ sẽ khỏe lại sau 5-7 ngày. Tuy nhiên, 20% còn lại có thể trở nặng với triệu chứng sốc trụy mạch, đó là khi trẻ đột ngột hết sốt, đau bụng và ói liên tục, tay chân lạnh, mạch nhanh và nhẹ, người lừ đừ, mệt mỏi. Tỷ lệ tử vong ở những trẻ có biến chứng sốc sốt xuất huyết nói trên là 2-3%.
Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà như thế nào?
Đã có nhiều trường hợp tử vong do sốt xuất huyết bắt nguồn từ việc bệnh nhân không được điều trị theo đúng phác đồ ngay từ đầu mà điển hình là việc tự ý truyền nước biển dẫn đến tràn dịch màng phổi. Do đó, khi nhận thấy con có triệu chứng sốt xuất huyết, bố mẹ cần đưa đi khám ngay, nếu bệnh nhẹ ở cấp độ 1 và 2 sẽ được điều trị tại nhà, còn nếu đã xuất hiện dấu hiệu của biến chứng, trẻ cần được nhập viện ngay và tuân theo các chỉ định của bác sĩ.
Cách chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà như sau:
Nếu trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên, hạ sốt bằng Paracetamol theo liều chỉ định của bác sĩ dựa trên cân nặng của trẻ. Trong trường hợp trẻ bị ói không uống được thuốc, có thể dùng viên nhét hậu môn để hạ sốt. Tuyệt đối không cho trẻ uống Aspirin vì có thể gây thêm xuất huyết và không tự ý cho trẻ uống thuốc mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ.
Chườm mát cho trẻ bằng nước ấm thấp hơn thân nhiệt của con từ 1-2 độ C để tránh co giật do sốt cao, cho tới khi thân nhiệt hạ xuống còn 37-37,5 độ C. Tiếp tục theo dõi thân nhiệt bằng cách đo nhiệt độ sau mỗi giờ, nếu thân nhiệt tăng thì tiếp tục chườm mát.
Cho trẻ uống thật nhiều nước, bất cứ loại nước nào con thích, có thể là nước lọc, nước trái cây. Tuy nhiên tránh uống các loại nước có màu vì có thể gây nhầm lẫn với tình trạng xuất huyết tiêu hóa. Bù điện giải cho trẻ bằng Oresol 1 gói pha với 1 lít nước chín uống 100-150ml nước/kg cân nặng/ngày. Với trẻ còn đang bú mẹ cần cố gắng cho trẻ bú nhiều hơn.
Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo, súp, sữa, nước trái cây và nên cho ăn nhiều bữa nhỏ.
Bổ sung vitamin để tăng cường hoạt động chuyển hóa cho cơ thể cũng như củng cố sức đề kháng và miễn dịch giúp trẻ chống chọi với bệnh.
Theo dõi sát trẻ và đưa đến bệnh viện ngay nếu trẻ hết sốt nhưng vẫn mệt mỏi và bứt rứt, tay chân lạnh, đau bụng, ói ra máu, bỏ ăn hoặc bỏ bú. Còn nếu trẻ hết sốt và vui vẻ trở lại, ăn uống tốt cho thấy trẻ đang hồi phục. Lúc này, nên cho trẻ uống thêm thuốc bổ, theo hướng dẫn của bác sĩ, nếu trẻ vẫn chưa thể ăn uống ngon miệng.
(St)