Ăn trứng vịt lộn giúp con chân dài?
Nuôi hy vọng em bé sinh ra có đôi chân dài, một số mẹ bầu tin rằng ăn nhiều trứng vịt lộn sẽ được như ý nguyện. Liệu có đúng như vậy?
Bất kỳ ông bố bà mẹ nào cũng mong muốn con mình được sinh ra khỏe mạnh, thông minh và xinh đẹp, nhất là khi có thai con gái. Nuôi hy vọng em bé sinh ra có đôi chân dài, một số mẹ bầu tin rằng ăn nhiều trứng vịt lộn sẽ được như ý nguyện. Liệu có đúng như vậy?
Trong thai kỳ bà bầu có thể ăn trứng vịt lộn, tuy nhiên không nên ăn quá nhiều
Khi bà mẹ mang bầu, ăn đủ chất dinh dưỡng, không cần kiêng bất cứ thực phẩm nào, chú ý nguyên tắc không ăn quá nhiều một loại thực phẩm hoặc chỉ ăn một loại thực phẩm. Kể cả ăn trứng vịt lộn, thỉnh thoảng với số lượng 1-2 quả cũng không gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Nhưng nếu ăn quá nhiều làm cản trở quá trình hấp thụ các chất khác của mẹ và bé.
Chân dài hay ngắn là do yếu tố di truyền, chứ không phải do ăn trứng vịt lộn là sinh con chân dài. Yếu tố di truyền không thay đổi được nhưng có thể bổ sung thêm canxi, chất sắt để đảm bảo sức khỏe mẹ và bé trong thai kỳ để em bé sinh ra được khỏe mạnh. Khi mẹ ăn đủ chất, phong phú các loại thực phẩm, bé sinh ra không bị còi cọc. Còn những sản phụ ăn uống thiếu chất sẽ sinh con bị còi cọc.
Chú ý chế độ dinh dưỡng cân bằng
Theo các bác sĩ chuyên khoa sản, để đảm bảo dinh dưỡng cho mẹ và sự phát triển của bé thì cần chú ý chế độ ăn uống cân bằng, đủ chất. Thông thường, không nên ăn quá nhiều một loại thực phẩm. Bởi nhiều người khi bị nghén nên rất thèm ăn số lượng nhiều cùng một loại thức ăn. Tuy nhiên, đôi khi ăn nhiều quá khiến cơ thể không hấp thụ được. Tốt nhất nếu có điều kiện nên ăn làm nhiều lần trong ngày, thức ăn dễ tiêu hóa.
Với phụ nữ có thai cần ăn đủ các chất để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, đặc biệt lưu ý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Các bà bầu cần ý thức rằng “không chỉ ăn cho mình hay ăn theo ý thích mà phải ăn cho con”. Vì vậy trong quá trình thai nghén (nhất là trong 3 tháng đầu) nhiều khi không muốn ăn nhưng tuyệt đối không được bỏ bữa, hãy cố gắng ăn vì con.
Một số món ăn từ trứng vịt lộn
Trứng vịt lộn xào me
Nguyên liệu:
- 50g me
- 1 thìa đường
- 1 thìa nước mắm
- 1 thìa bơ
- 2 tép tỏi
- 3 quả trứng vịt lộn
- Lạc rang
Thực hiện:
- Luộc chín 3 quả trứng vịt lộn. Khi trứng chín kỹ, đập trứng ra bát.
- Đổ khoảng 100ml nước vào me và ngâm trong 3 phút rồi dầm nát me. Lọc lấy nước cốt me để riêng ra bát.
- Hòa tan 2 thìa đường, 1 thìa nước mắm vào nước me. Đun dung dịch trên lửa vừa đến khi nước cạn còn 2/3 thì tắt bếp.
- Phi thơm tỏi băm với bơ. Sau đó, cho trứng và một lượng nước me vừa đủ vào, đun trong khoảng 5 phút để trứng ngấm đều nước me.
- Trước khi ăn, bạn có thể rắc một ít lạc rang lên trên nhằm tăng thêm mùi vị cho món ăn.
Cháo trứng vịt lộn
Đây là món ăn thích hợp dùng để tẩm bổ cho những người vừa ốm dậy.
Nguyên liệu:
- 1 bát gạo tám thơm.
- 2 quả trứng vịt lộn
- Dầu ăn, gia vị, bột nêm, hạt tiêu.
- Rau răm.
Thực hiện:
- Đem gạo rang trên bếp, đảo đều tay, lửa nhỏ. Khi hạt gạo chuyển sang màu vàng, có mùi thơm thì tắt bếp. Bạn nên rang gạo trước khi nấu để cháo không bị sệt.
- Cho một lượng nước vừa đủ vào cùng gạo và nấu lửa nhỏ. Quấy cháo đều tay. Sau khoảng 30 phút đến khi hạt cháo vừa chín tới là được. Bạn không nên nấu cháo quá kỹ để ăn không chán.
- Đập trứng vịt lộn sống vào nồi cháo. Thêm dầu ăn, gia vị và bột nêm cho vừa miệng rồi đun sôi lại để trứng chín.
- Khi ăn, cho cháo ra bát, rắc một ít hạt tiêu lên trên. Bạn có thể cho thêm một ít rau răm ăn cùng.
Bạn nên thưởng thức cháo trứng vịt lộn lúc nóng để cảm nhận rõ vị thơm ngon đặc trưng của món ăn.
An Nguyên (Tổng hợp)