5 thói quen khiến bạn bị trầm cảm
Lười tập thể dục, mất ngủ triền miên, chế độ ăn không đúng cách, sống cách ly với mọi người xung quanh...là những lý do khiến bạn bị trầm cảm.
Những ai đang phải đối diện với chứng trầm cảm hẳn đã biết sức tàn phá của nó kinh khủng như thế nào. Chứng trầm cảm đã lấy đi sức sống, sự tập trung và niềm vui thú của bạn mỗi ngày. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, nhiều người còn có ý nghĩ từ bỏ cuộc sống hiện tại.
Chính vì vậy, đây là một bệnh lý quan trọng mà bệnh nhân cần đến sự điều trị của bác sĩ hoặc các chuyên gia. Chỉ có những người này mới đủ sự chuyên nghiệp giúp bạn giải thoát khỏi tình trạng tồi tệ hiện tại.
Dưới đây là một số thói quen xấu dẫn đến trầm cảm mà bạn cần tránh xa:
1. Lười tập thể dục
Tập thể dục là một thói quen rất quan trọng, tốt cho cả sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn.
Việc ở trong nhà cả ngày và không tham gia vào bất kỳ hoạt động thể chất nào khiến cho người ta trở nên lười biếng hoặc trở nên ăn uống vô độ.
Lười tập thể dục là nguyên nhân gây bệnh trầm cảm
Lười biếng và thừa cân là một trong những dấu hiệu cơ bản của bệnh trầm cảm.
Khi đó, bạn thích ngồi một mình và khóc nức nở hơn là thay đổi mọi thứ xung quanh. Tuy nhiên, bạn hãy nhớ rằng tập thể dục sẽ làm nên sự khác biệt hoàn toàn đối với người bị trầm cảm.
Khoa học đã chứng minh khi tập thể dục, não chúng ta sẽ sản xuất ra những thứ được gọi là "hóa chất cảm giác tốt" như serotonin và dopamine.
Tập thể dục 40 phút mỗi ngày sẽ giúp bộ não của bạn tạo ra nhiều chất hóa học giúp bạn hoạt động tốt và có một tinh thần sảng khoái hơn.
2. Chế độ ăn uống không đúng cách
Ăn uống lành mạnh không chỉ tốt cho cơ thể mà còn tốt cho cả tâm trí của bạn.
Thực phẩm có chứa chất béo omega-3 được gọi là "thực phẩm não" vì chúng rất cần thiết cho việc làm mô não khỏe mạnh.
Ăn uống thiếu chất cũng gây nên bệnh trầm cảm
Cơ thể chúng ta không thể tự sản xuất các chất béo trên, vì vậy bạn cần bổ sung những chất này từ các loại thực phẩm mình ăn hàng ngày như: trứng, hải sản…
Khi bạn không ăn thực phẩm có đủ lượng chất béo omega-3, bộ não của bạn sẽ dễ bị tổn thương, điều này là nguyên nhân chính gây nên bệnh trầm cảm.
3. Rối loạn giấc ngủ và thường bị stress
Nếu bạn liên tục bị mất ngủ hoặc ngủ không ngon giấc, đây chính là điều kiện lý tưởng cho bệnh trầm cảm.
Các chuyên gia y tế và các bác sĩ khuyên bạn nên ngủ ít nhất 7 đến 8 giờ mỗi đêm.
Nếu bạn không ngủ đủ giấc, bạn trở nên dễ dàng bị kích động và hoang tưởng. Điều này chính là nền tảng của trạng thái trầm cảm mà bạn đang mắc phải. Ngoài ra, những người không ngủ đủ giấc sẽ không thể tập trung trí não để làm việc.
Rối loạn giấc ngủ sẽ làm bạn căng thẳng, lo âu và tuyệt vọng
Tuy nhiên, những người bị mất ngủ lại thường tìm đủ mọi cách để ngủ ngon mà không có kết quả, điều này làm cho chúng ta căng thẳng, lo lắng và áp lực.
Chu kỳ quay vòng này lại làm cho bệnh trầm cảm trở nên nặng nề hơn.
Trên thực tế, chính bản thân chúng ta đang làm trầm trọng hóa tình trạng bệnh của mình. Đáng ra, chỉ cần một giấc ngủ ngon và sự thoải mái, bệnh trầm cảm sẽ bị đẩy lùi.
4. Sống cách ly
Sống cô lập, cách ly với thế giới xung quanh chính là nguyên nhân chắc chắn của bệnh trầm cảm. Khi bạn tránh mặt bạn bè và gia đình vì lý do gì đó, bạn đang tạo ra sự chín muồi cho bệnh trầm cảm.
Theo các nhà nghiên cứu, những người có quan hệ rộng rãi ngoài xã hội thì ít có khả năng mắc bệnh trầm cảm.
Có quan hệ gần gũi với bạn bè và gia đình thực sự thúc đẩy quá trình hóa học trong não tốt hơn, dẫn đến giảm mức độ căng thẳng. Ngược lại, cô lập bản thân có nghĩa là bạn không có ai để chia sẻ vấn đề của bạn, đó chính là nguyên nhân gây trầm cảm.
5. Suy nghĩ tiêu cực
Suy nghĩ tiêu cực là một trong những nguyên nhân chính của bệnh trầm cảm.
Không ngừng suy nghĩ về các mối đe dọa,những lời nói xấu, mất mát hay thất bại sẽ làm cho bạn suy sụp hoàn toàn.
Thực tế, có những điều xảy ra trong cuộc sống này mà chỉ đơn giản là ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, vì vậy bạn không cần phải quá bận tâm đến chúng.
Suy nghĩ tiêu cực,lo âu,sợ hãi chính là nguyên nhân và biểu hiện của bệnh trầm cảm
Thay vào đó, bạn nên tìm cách ngăn chặn những suy nghĩ "chết người" trong bộ não mình và chuyển hướng chú ý đến những điều tích cực hơn trong cuộc sống.
Chúng ta cũng có thể cố gắng dành nhiều thời gian vui vẻ với những xung quanh mình. Ngoài ra, nếu một điều gì đó làm bạn bận tâm quá nhiều, bạn có thể viết nó ra giấy và ném mảnh giấy đi.
Thanh Hảo (Lược dịch theo Lifespan.com)