Trầm cảm sau sinh: Cách điều trị không cần thuốc
Một số phương pháp đơn giản cũng giúp mẹ điều trị chứng trầm cảm sau sinh dễ dàng.
TS. BS. Lê Thị Thu Hà – Khoa Khám bệnh - BV Từ Dũ chia sẻ một số phương pháp điều trị trầm cảm sau sinh, giúp bà mẹ cân bằng lại cuộc sống.
Hỗ trợ từ người thân
Bạn bè và gia đình chắc chắn rằng người mẹ bị trầm cảm đang được bác sĩ chỉ định điều trị. Nếu đơn thuốc không thích hợp thì phải động viên bệnh nhân trở lại bác sĩ và yêu cầu thay đổi đơn thuốc.
Gia đình nên hiểu rằng bệnh đang ở giai đoạn tạm thời và sự giúp đỡ của họ có thể giúp cho người mẹ phục hồi nhanh chóng.
Đừng quên rằng người mẹ không được khỏe và đừng quấy rầy. Khi người mẹ không được khỏe, hãy để cô ấy nghỉ ngơi nhiều hơn, còn khi khỏe thì có thể làm bất cứ việc gì cô ta thích.
Một vài biện pháp giúp mẹ trị trầm cảm sau sinh mà không cần dùng thuốc
Hãy nhớ rằng trầm cảm không phải là một dấu hiệu của bệnh. Thường thì một người mẹ trầm cảm không thích sự cô độc, do vậy hãy cố gắng sắp xếp để lúc nào cũng có 1 người mà cô ấy có thể tin tưởng ở bên cạnh.
Vai trò của bản thân
Điều quan trọng nhất là bạn phải tin tưởng rằng mình sẽ tốt hơn, bạn cần sự kiên nhẫn và nhận thức rằng sự phục hồi sẽ đến sớm. Bạn nên biết đau và nhức là xuất hiện khá nhiều ở phụ nữ bị bệnh trầm cảm sau sinh, và đó không phải là dấu hiệu của một bệnh nghiêm trọng. Nhiều phụ nữ nghĩ rằng nhức đầu do u não, đau ngực do bệnh tim, vì vậy nó làm cho bệnh trầm cảm nặng nề hơn. Hãy thư giãn và quên đi đau đớn thì căn bệnh trầm cảm sẽ dần dần tan biến.
Hãy nghỉ ngơi nhiều bởi vì sự mệt mỏi sẽ làm cho bệnh trầm trọng hơn. Tránh thức khuya và hãy nhờ người khác cho con bú. Đừng quên ăn uống đầy đủ vì nếu hạ đường huyết cũng sẽ làm cho bệnh nặng nề hơn. Nên ăn nhiều trái cây và rau quả khi bạn cảm thấy đói. Nên uống viên đa sinh tố mỗi ngày.
Đừng ép bản thân làm những điều mình không thích hoặc những điều gây khó chịu.
Tập thể dục thường xuyên
Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoàn – BV Tâm thần Ban ngày Mai Hương chia sẻ, trầm cảm nhẹ mất đi nhanh bằng các hỗ trợ tâm lý. Nếu trầm cảm nặng, kéo dài, ảnh hưởng tới chăm sóc trẻ, sinh hoạt và các mối quan hệ - cần phải nhập viện điều trị. Thời gian điều trị trung bình 3-6 tháng. Người mắc chứng trầm cảm sau sinh cần chăm tập thể dục, thư giãn đầu óc, đảm bảo giấc ngủ và nhanh chóng tìm ra nguyên nhân để có cách đối phó hợp lý.
Điều trị bằng thuốc
Ngoài ra, khi người mẹ nghĩ rằng mình bị trầm cảm sau sinh nặng, thì nên đến bác sĩ càng sớm càng tốt, nếu không thể được thì mời bác sĩ đến nhà.
Khi trầm cảm quá nặng, các mẹ phải sử dụng thuốc
Cố gắng báo với bác sĩ về tất cả các triệu chứng gây khó chịu, điều này sẽ giúp cho thầy thuốc chẩn đoán chính xác về bệnh hơn. Thuốc được kê toa thông thường hoặc là thuốc an thần hoặc là thuốc chống trầm cảm. Nhiều phụ nữ nhận thấy rằng thuốc an thần không hiệu quả và quay trở lại bác sĩ yêu cầu đổi thuốc. Với thuốc chống trầm cảm thì người bệnh có cảm giác khô miệng và buồn ngủ.
Nếu dùng thuốc làm người bệnh cảm thấy khó chịu hơn thì nên đến bác sĩ đổi thuốc, nếu bạn dùng thuốc trong vài tuần mà không hiệu quả thì cũng nên đến bác sĩ thay đổi thuốc khác mạnh hơn hoặc tăng liều.
Bên cạnh việc dùng thuốc thì điều quan trọng là phải duy trì chế độ dinh dưỡng tốt, vitamin B6 hoặc vitamin tổng hợp nên được dùng.
Nếu thuốc thích hợp với bạn thì đừng nên rút ngắn thời gian điều trị bởi vì trầm cảm cần thời gian điều trị kéo dài để được phục hồi hoàn toàn. Nếu sau khi ngưng thuốc mà các triệu chứng tái phát thì đừng nên thất vọng mà nên đến bác sĩ tư vấn thêm. Thông thường bác sĩ tiếp tục điều trị với thuốc trước đó. Sau đó nếu có hiệu quả thì giảm liều dần, và điều này dự phòng được việc tái phát.
Trầm cảm sau sinh không phải là căn bệnh, đó là bệnh lý phát sinh khi phải chịu nhiều áp lực trong quá trình nuôi con nhỏ. Vì vậy, gia đình cần hỗ trợ bà mẹ để nhanh chóng thoát khỏi chứng trầm cảm và nhanh chóng cân bằng hạnh phúc gia đình.
An Nguyên (Tổng hợp)