Xác lập Kỷ lục Việt Nam 100 món bánh dân gian chế biến từ Thốt nốt
Ngày 5/8, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang đã tổ chức Hội thi làm bánh dân gian có nguyên liệu từ Thốt nốt với chủ đề “Hương sắc An Giang” và xác lập kỷ lục “100 món bánh dân gian chế biến từ Thốt nốt”.
Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện "Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ - An Giang năm 2024 kết hợp hội chợ xúc tiến du lịch, Thương mại – sản phẩm OCOP" nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thông tin du lịch, mua bán các sản phẩm OCOP, thương mại tiềm năng và ẩm thực đặc trưng của các địa phương trên toàn quốc.
Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ - An Giang năm 2024 được diễn ra từ ngày 03-11/8, tại khu đô thị Golden City, phường Mỹ Hoà, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang, với quy mô từ 300-400 gian hàng. Đặc biệt, điểm nhấn của hội thi là xác lập kỷ lục “100 món bánh dân gian chế biến từ Thốt nốt”. Tham gia hội thi có 10 đội với 20 nghệ nhân, đầu bếp tham gia hội thi làm bánh dân gian và trình diễn nhiều loại bánh phục vụ miễn phí du khách tham quan.
Hội thi do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang phối hợp Viện nghiên cứu Phát triển Bảo tồn Văn hóa Nghệ thuật Đông Nam Á tổ chức, với mục tiêu nâng cao chất lượng và bảo tồn giá trị văn hóa ẩm thực dân gian, đặc biệt là các món bánh được chế biến từ thốt nốt – một nguyên liệu quen thuộc và độc đáo của vùng đất Bảy núi An Giang.
Có thể nói, từ các nguyên liệu vô cùng mộc mạc của cây thốt nốt như lá thốt nốt, vỏ trái thốt nốt, nước thốt nốt, cơm thốt nốt các nghệ nhân và đầu bếp sẽ sáng tạo ra 100 món bánh độc đáo và hấp dẫn, mang đậm bản sắc ẩm thực địa phương với đủ hình dáng, màu sắc và hương vị khác nhau, từ những chiếc bánh đơn giản như bánh bò nướng, bánh tằm khoai mì, bánh da lợn đến những chiếc bánh cầu kỳ như bánh đúc hoàng kim, bánh ướt tứ vị, bánh quý phi, bánh gan…
Hội thi không chỉ là cơ hội để các nghệ nhân, đầu bếp thể hiện tài năng, sự sáng tạo của mình, mà còn là dịp để An Giang giới thiệu và quảng bá những món bánh dân gian truyền thống nói riêng, những sản phẩm đặc trưng được chế biến từ thốt nốt của tỉnh nhà nói chung đến với đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước. 100 món bánh được làm ra là thành quả và tâm huyết của tất cả các nghệ nhân, mỗi chiếc bánh không chỉ là một món ăn mà còn là cả một câu chuyện, là sự kết tinh của truyền thống và sáng tạo.
Hội thi xác lập kỷ lục "100 món bánh dân gian chế biến từ thốt nốt" hứa hẹn sẽ thúc đẩy phát triển du lịch tỉnh nhà, hỗ trợ kinh tế địa phương, nâng cao uy tín và vị thế của An Giang trên bản đồ du lịch và ẩm thực Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thi, ông Lê Trung Hiếu - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang cho biết: “Đây là một sự kiện không chỉ mang ý nghĩa văn hóa, mà còn góp phần quảng bá và bảo tồn những giá trị truyền thống đặc sắc của vùng Bảy núi An Giang. Cây Thốt Nốt đã gắn liền với đời sống đồng bào dân tộc Khmer ở An Giang từ bao đời nay. Nhờ những sản phẩm chế biến từ cây thốt nốt như Đồ mỹ nghệ từ Thốt nốt, nước Thốt nốt… đặc biệt là đường Thốt nốt đã giúp bà con nơi đây có thêm thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Hội thi bánh dân gian làm từ nguyên liệu Thốt nốt không chỉ đơn thuần là thưởng thức những món bánh đặc sắc mà còn là sự nổ lực, tài hoa và tâm huyết của các nghệ nhân, đầu bếp. Việc xác lập kỷ lục "100 món bánh dân gian chế biến từ thốt nốt" là một cột mốc quan trọng, là một hoạt động ý nghĩa, không chỉ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch và nâng cao đời sống cộng đồng.”
Sau khi trực tiếp chứng kiến và ghi nhận các thông số, Bà Nguyễn Thị Quỳnh Ngọc – Tổng Thư ký Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) cho biết: "Qua sự giám sát và chứng kiến trực tiếp, chúng tôi ghi nhận 100 món bánh dân gian có thành phần từ Thốt nốt An Giang đã được các nghệ nhân, đầu bếp chế biến hết sức công phu và đẹp mắt. Hơn cả những thông số Kỷ lục, chúng tôi đánh giá cao ý tưởng cũng như sự chuẩn bị chu đáo của BTC, đội ngũ chuyên gia, nghệ nhân văn hóa ẩm thực tham gia cố vấn cho chương trình, cùng tay nghề của các đầu bếp đến từ các đội thi để góp phần quảng bá ẩm thực – đặc sản của An Giang.”
Kết thúc hội thi, Ban tổ chức trao giải Nhất cho đội Bà Rịa - Vũng Tàu. Giải Nhì được trao cho hai đội huyện Tri Tôn, An Giang và Đồng Nai. Giải Ba thuộc về các đội đến từ Kiên Giang, TP. Hồ Chí Minh và huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.