Việt Nam ghi nhận biến thể phụ BA.2.74
Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đã ghi nhận các biến thể phụ của chủng Omicron là BA.4, BA.5, BA.2.12.1 và BA.2.74 - không phải BA.2.75 như thông tin trước đó.
Ngày 15/8, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) ban hành công văn về việc tăng cường công tác quản lý báo cáo trường hợp mắc COVID-19, trong đó có nội dung "Tại Việt Nam đã ghi nhận sự xuất hiện với các biến thể phụ mới của biến thể Omicron (BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1)".
Tuy nhiên, sau khi đối chiếu, rà soát lại, chiều ngày 17/8 Cục Y tế dự phòng xin đính chính như sau: ngoài biến thể phụ BA.4, BA.5, tại Việt Nam ghi nhận biến thể phụ BA.2.74, không phải biến thể phụ BA.2.75 như đã thông tin trong công văn.
Cụ thể, tại Việt Nam, biến thể phụ mới BA.2.74 được ghi nhận lần đầu tiên tại báo cáo số 2233/BVBM-KHTH ngày 8/8 của Bệnh viện Bạch Mai.
Việt Nam ghi nhận biến thể phụ BA.2.74 đầu tiên tại Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh minh họa)
Như vậy, trong nước đã ghi nhận biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 và BA.2.12.1. Dự báo, các biến thể phụ có khả năng lây lan nhanh hơn so với biến thể gốc và có thể làm gia tăng số ca mắc trở lại.
Cục Y tế Dự phòng cũng nhận định thời gian qua, cả nước ghi nhận trung bình khoảng 2.000 ca mắc mới mỗi ngày. Số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại.
BA.2.74 và BA.2.75 nguy hiểm tới mức nào so với BA.5 siêu lây nhiễm?
Theo thông tin đăng tải trên Times of India, BA.2.74, BA.2.75 và BA.2.76 là bộ ba biến thể phụ mới phát sinh từ Omicron "tàng hình" BA.2.
Cả 3 biến thể phụ mới BA.2.74, BA.2.75 và BA.2.76 được cho là "hoàn chỉnh hơn" và thậm chí lây nhiễm cao hơn cả biến thể phụ Omicron BA.5. Thông tin trên được INSACOG (cơ quan về giải trình tự bộ gene SARS-CoV-2) cho hay. Các dòng phụ mới xuất hiện này của Omicron đã dẫn đến làn sóng mắc mới COVID-19 gia tăng ở Ấn Độ.
BA.2.74, BA.2.75 và BA.2.76 là bộ ba biến thể phụ mới phát sinh từ Omicron tàng hình BA.2 (Ảnh minh họa)
Cho tới nay, BA.5 - biến thể phụ siêu lây nhiễm của Omicron đã gây ra làn sóng mắc COVID-19 mới trên toàn cầu. Theo dữ liệu từ GISAID, cơ quan giải trình tự gene và giám sát các biến thể mới trên toàn cầu, BA.5 đã chiếm 52% số trường hợp giải trình tự gene tính đến ngày 25/7.
Vào đầu tháng 7 năm nay, Ấn Độ đã ghi nhận 216 trường hợp mắc BA.2.74. Trong khi đó, biến thể phụ BA.2.75, một trong bộ ba phát sinh từ Omicron "tàng hình" nổi lên ở Ấn Độ kể từ khi phát hiện tới nay đã vượt trội cả BA.5 tại nước này.
Theo thông tin từ trang y khoa News Medical Life Sciences, bộ ba mới phát sinh này, đặc biệt là BA.2.75 đã gây ra mối quan ngại về khả năng lây lan của nó đối với các cơ quan giám sát và giải trình tự gene virus trên toàn cầu. Cho tới nay, BA.2.75 cũng đã lan tới một số quốc gia.
Hiện nay, theo báo cáo chính thức về tình trạng mắc, BA.5 là phiên bản dễ lây nhiễm nhất của virus SARS-CoV-2 với giá trị R0 18,6 (ở ngoài môi trường hoang dã có thể khoảng 2,79). Khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch khiến cho BA.5 đã sớm nhanh chóng trở thành biến thể chủ đạo toàn cầu kể từ khi nó xuất hiện. Một báo cáo từ New York cho thấy khả năng nhiễm trùng đột phá của BA.5 cao gấp 4,2 lần so với BA.1 (phiên bản gốc của Omicron).
Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy BA.5 có khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch ở một số người đã từng nhiễm Omicron BA.1. Điều này đồng nghĩa với việc một số người nhiễm Omicron thời kỳ đầu có thể vẫn mắc COVID-19 trở lại trước biến thể BA.5.