Thứ sáu, 11/07/2025 16:55     |   Tiêu dùng     |   Nhịp sống miền Tây     |   Phụ nữ Sức khoẻ
|
Hà nội 21*C/61%
Emagazine
Ông Matt Jackson – Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho rằng dù đã đạt nhiều tiến bộ, nhưng Việt Nam cần cách tiếp cận toàn diện, linh hoạt để đảm bảo phát triển dân số bền vững.

Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt dân số mang tính quyết định: tỷ suất sinh đã xuống dưới mức thay thế, dân số già hóa nhanh..., Trong cuộc trò chuyện với Gia đình Việt Nam nhân ngày Dân số Thế giới (11/7) năm nay, ông Matt Jackson – Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam – cho rằng, đây chính là thời điểm để Việt Nam định hình một chính sách dân số hiện đại, toàn diện để phản ánh đúng thực tiễn xã hội.

- Ông có thể chia sẻ nhận định tổng quan của UNFPA về tình hình dân số hiện nay tại Việt Nam?

Ông Matt Jackson: Việt Nam hiện đang ở một "ngã rẽ" quan trọng trong quá trình chuyển đổi nhân khẩu học. Tỷ suất sinh của quốc gia đã giảm từ hơn 5 con/phụ nữ trong thập niên 1950 xuống còn 3,83 vào năm 1989, và hiện ở mức 1,91 vào năm 2024 – thấp hơn mức sinh thay thế là 2,1.

Đồng thời, tuổi thọ trung bình đã tăng đáng kể, với tỷ lệ người cao tuổi trong dân số ngày càng lớn. Những chuyển biến này là minh chứng rõ nét cho những tiến bộ về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, bình đẳng giới và giảm nghèo của Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua.

Những chuyển dịch nhân khẩu học này phản ánh thành công của Việt Nam trong việc trao quyền cho người dân thực hiện quyền sinh sản và đưa ra các quyết định có hiểu biết về quyền tự chủ thân thể của mình.

Để đảm bảo những thành tựu này được duy trì một cách bền vững, điều cốt yếu là Việt Nam cần tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận toàn diện, lấy con người làm trung tâm và dựa trên quyền. Điều đó có nghĩa là bảo đảm mọi cá nhân, không phân biệt giới, địa lý, thu nhập hay tình trạng hôn nhân, đều được hỗ trợ để đưa ra các quyết định sinh sản tự do và có trách nhiệm.

- Theo UNFPA, những yếu tố nổi bật nào đang định hình bức tranh dân số Việt Nam hiện nay?

Ông Matt Jackson: Thay vì gọi đó là "thách thức", UNFPA nhìn nhận những xu hướng nhân khẩu học đang nổi lên tại Việt Nam như là biểu hiện của những chuyển đổi xã hội sâu rộng, mở ra cơ hội để thúc đẩy quyền con người, bình đẳng giới và phát triển bao trùm.

Thứ nhất, việc giảm tỷ suất sinh, đặc biệt ở các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, phản ánh tác động của điều kiện kinh tế, chuẩn mực giới, áp lực công việc, cuộc sống và thiếu hỗ trợ trong chăm sóc gia đình tới khả năng hiện thực hóa mong muốn sinh sản của người dân.

Nhiều người trẻ vẫn mong muốn có con, nhưng trong điều kiện xã hội – kinh tế hiện nay, họ cảm thấy điều đó không khả thi. Đây không phải là việc người dân từ chối cuộc sống gia đình, mà là cảm giác bị “loại ra” khỏi khả năng xây dựng gia đình như mong muốn.

Thứ hai, Việt Nam đang trải qua một trong những quá trình già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Dự báo đến năm 2036, hơn 20% dân số sẽ từ 60 tuổi trở lên. Tuy nhiên, nếu được đầu tư đúng cách, xu hướng này cũng có thể trở thành động lực tăng trưởng mới thông qua phát triển kinh tế tóc bạc (silver economy), xây dựng hệ thống chăm sóc và tăng cường đoàn kết liên thế hệ.

Thứ ba, tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ và quyền vẫn còn tồn tại. Những người sống tại vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người di cư và nhóm LGBTQI+ vẫn gặp nhiều rào cản trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, an sinh xã hội, giáo dục và hỗ trợ xây dựng gia đình. Trong nhiều trường hợp, luật pháp và chuẩn mực xã hội chưa bắt kịp với thực tế và nhu cầu của các hình thái gia đình hiện đại.

Những xu hướng này cho thấy đã đến lúc chuyển từ mô hình kiểm soát dân số và các mục tiêu định lượng sang cách tiếp cận đảm bảo mọi cá nhân và cặp đôi đều có thể đưa ra lựa chọn sinh sản một cách tự do, có hiểu biết và trong nhân phẩm. Chính sách dân số vì vậy cần tiếp tục được mở rộng theo hướng toàn diện, bao trùm và lấy quyền con người làm nền tảng.

- Việt Nam đã ban hành Chiến lược Dân số đến năm 2030. UNFPA có khuyến nghị gì để đảm bảo chiến lược này đạt hiệu quả thực chất hơn?

Ông Matt Jackson: UNFPA khuyến nghị rằng Chiến lược Dân số cần đi kèm với các khoản đầu tư mạnh mẽ và cơ chế thực hiện rõ ràng, bao gồm:

• Bảo đảm khả năng tiếp cận công bằng với toàn bộ dịch vụ sức khỏe sinh sản, bao gồm hỗ trợ sinh sản, chăm sóc bà mẹ, kế hoạch hóa gia đình và phá thai an toàn;

• Lồng ghép giáo dục giới tính toàn diện trong cả hệ thống giáo dục chính quy và nền tảng kỹ thuật số, để giới trẻ được trang bị thông tin chính xác, phù hợp với lứa tuổi và bao trùm;

• Thúc đẩy môi trường làm việc và sinh sống hỗ trợ đời sống gia đình, như chế độ nghỉ thai sản cho tất cả phụ huynh, dịch vụ chăm sóc trẻ giá rẻ, mô hình làm việc linh hoạt và nhà ở hợp túi tiền;

• Triển khai các chính sách chuyển đổi giới nhằm khuyến khích sự tham gia của nam giới trong công việc chăm sóc và phá bỏ định kiến xã hội, bao gồm cả sự kỳ thị nam giới khi đảm nhận vai trò chăm sóc con cái;

• Khẳng định rằng quyền sinh sản bao gồm cả quyền không sinh con, đồng thời công nhận tính hợp pháp của các hình thái gia đình đa dạng, bao gồm cha mẹ đơn thân, gia đình LGBTQI+, phụ nữ cao tuổi sinh con và các hộ liên thế hệ.

Đặc biệt, chính sách dân số cần phản ánh tính đa dạng trong đời sống thực tiễn của người dân Việt Nam hiện nay, từ cộng đồng nông thôn, dân tộc thiểu số đến lao động di cư, người làm việc trong khu vực phi chính thức và người cao tuổi.

Việc xây dựng hệ thống bao trùm và đáp ứng yêu cầu thực tế đòi hỏi cần từ bỏ các giải pháp “một mô hình áp dụng cho tất cả”, thay vào đó là những tiếp cận linh hoạt, mang tính bối cảnh và công bằng.

- UNFPA đánh giá như thế nào về hệ thống chính sách dân số hiện nay của Việt Nam, đặc biệt trong quá trình chuyển đổi từ kế hoạch hóa gia đình sang phát triển dân số toàn diện?

Ông Matt Jackson: UNFPA đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc chuyển đổi chính sách dân số từ cách tiếp cận kiểm soát sang cách tiếp cận toàn diện, đặt con người làm trung tâm và dựa trên quyền.

Việc sửa đổi Pháp lệnh Dân số gần đây, khẳng định quyền của cá nhân và các cặp vợ chồng trong việc quyết định việc sinh con, là một bước tiến đáng ghi nhận trong hành trình này.

Để các chính sách này thực sự mang lại hiệu quả, cần được đảm bảo thông qua phân bổ nguồn lực phù hợp, cơ chế triển khai hiệu quả và hệ thống giám sát minh bạch.

Điều này bao gồm: đảm bảo tiếp cận phổ cập tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản chất lượng cao; lồng ghép giáo dục giới tính toàn diện vào trường học; cải thiện điều kiện nhà ở và nơi làm việc; đồng thời thúc đẩy bình đẳng giới trong cả khu vực công và tư.

- UNFPA đã và đang hỗ trợ Việt Nam như thế nào trong xây dựng chính sách dân số và thúc đẩy bình đẳng giới?

Ông Matt Jackson: Trong hơn 45 năm qua, UNFPA đã đồng hành cùng Việt Nam thông qua hỗ trợ kỹ thuật, hợp tác chính sách và triển khai chương trình trong các lĩnh vực liên quan đến dân số và phát triển.

Chúng tôi đã làm việc chặt chẽ với Bộ Y tế, Cục Dân số, Quốc hội và chính quyền địa phương. UNFPA đã đóng góp quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe bà mẹ, trao quyền cho thanh thiếu niên, phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới, đảm bảo dịch vụ phù hợp với người khuyết tật và thúc đẩy bình đẳng giới.

UNFPA cũng đã hỗ trợ thực hiện các khảo sát quốc gia về người cao tuổi, cải thiện hệ thống dữ liệu dân số, thu thập thông tin về các nhóm dân tộc thiểu số và nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ toàn diện, dựa trên quyền.

- Ông kỳ vọng gì vào sự hợp tác giữa UNFPA và Việt Nam trong thời gian tới? Việt Nam có thể học hỏi mô hình quốc tế nào về quản lý dân số và thích ứng với già hóa?

Ông Matt Jackson: UNFPA kỳ vọng sẽ tiếp tục là đối tác chiến lược cùng Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy các chính sách dân số toàn diện, hiện đại hóa hệ thống cung cấp dịch vụ và đầu tư vào thế hệ tương lai.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy những quốc gia đầu tư vào bình đẳng giới, hệ thống y tế – giáo dục toàn diện, mô hình chia sẻ trách nhiệm chăm sóc và chính sách gia đình bao trùm thường tạo ra môi trường sống tích cực hơn, nơi mọi người đều có thể hiện thực hóa mong muốn xây dựng gia đình.

Ví dụ, các quốc gia Bắc Âu đã duy trì mức sinh ổn định và chất lượng sống cao nhờ hệ thống nghỉ thai sản toàn diện, chăm sóc trẻ em và người già phổ cập, cùng với chuẩn mực xã hội hỗ trợ bình đẳng giới.

Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi và điều chỉnh các mô hình này để phù hợp với văn hóa, thể chế và điều kiện quốc gia. UNFPA sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong quá trình này, bảo đảm rằng quyền và lựa chọn sinh sản được thực hiện đầy đủ, và mọi người, ở mọi nơi, thuộc mọi cộng đồng, đều có năng lực và điều kiện để kiến tạo tương lai của chính mình.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Hải Nam (Thực hiện)  
Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam:
Hà Nội giải
Đào tạo nhân lực báo chí trong thời đại AI: Thích nghi với công nghệ, nâng cao đạo đức và trách nhiệm xã hội là trọng tâm hàng đầu
Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT: “Báo chí muốn làm tốt phải trung thực và hướng thiện”
Infographic: Vũng Tàu – Tâm điểm kết nối, cửa ngõ logistics - du lịch của TP. HCM
Lớp học tiếng Anh đặc biệt của Thiếu tá công an nơi biên cương Tổ quốc
Bác sĩ Nguyễn Duy Phương: Người thắp lửa hạnh phúc cho những mái ấm từng lặng lẽ đau thương
Xem thêm