Chạy bộ mỗi ngày 20km, ăn kiêng 10 năm vẫn suýt nhồi máu cơ tim
Dành 10 năm để ăn uống khoa học, chạy bộ đều đặn 20km mỗi ngày và duy trì sức khỏe lý tưởng, ông Lưu tin rằng mình đang sống cực kỳ lành mạnh. Thế nhưng chỉ một cơn đau tức ngực khi đang chạy đã khiến ông suýt tắc hoàn toàn động mạch vành.
Theo thông tin từ trang aboluowang, ông Lưu (45 tuổi) từng là một người ăn uống vô độ, ít vận động. Lối sống thiếu kiểm soát khiến ông mắc phải huyết áp cao, tiểu đường và mỡ máu cao – hay còn gọi là “tam cao”.
Năm 35 tuổi, ông quyết tâm thay đổi. Từ những ngày đầu cố gắng lết 3km một cách khó nhọc, ông dần nâng thành tích lên 20km mỗi ngày. Cuối tuần ông còn tham gia các giải chạy marathon.
Không chỉ vận động chăm chỉ, ông còn tuân thủ chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt: ít chất béo, giàu đạm, duy trì suốt 10 năm. Nhờ vậy, các chỉ số “tam cao” đều biến mất, kết quả khám sức khỏe hàng năm luôn cho thấy tim và phổi hoạt động tuyệt vời.
Thế nhưng, tuần trước trong một buổi chạy như thường lệ, ông bất ngờ cảm thấy tức ngực. Nghỉ ngơi một lát thì đỡ nhưng khi chạy tiếp, cơn đau lại quay trở lại dữ dội hơn. Cảm nhận có điều bất ổn, ông lập tức vào viện kiểm tra. Kết quả khiến ông bàng hoàng: nhánh động mạch vành trước nơi cung cấp máu chủ lực cho tim gần như đã bị tắc hoàn toàn.

Tại sao một người ăn uống sạch sẽ, luyện tập đều đặn lại đột nhiên đứng trước nguy cơ nhồi máu cơ tim?
Các bác sĩ chẩn đoán ông Lưu mắc bệnh mạch vành không điển hình, liên quan đến sự hình thành mảng xơ vữa động mạch. Nguyên nhân sâu xa chính là do ông vận động cường độ cao suốt nhiều năm. Điều này tạo ra phản ứng stress oxy hóa trong cơ thể, một yếu tố có thể làm tổn thương lớp nội mạc mạch máu, khiến mạch bị hẹp dần theo thời gian.
Vận động quá mức, đặc biệt là với người trung niên và cao tuổi có thể trở thành con dao hai lưỡi.
Mạch máu trong cơ thể không phải ống thẳng mà có nhiều đoạn gấp khúc. Khi vận động mạnh, máu lưu thông nhanh tạo ra dòng chảy xoáy, cộng với việc co giãn mạch liên tục khiến lớp nội mạc mạch máu dễ bị tổn thương.
Về lâu dài, vận động quá sức sẽ khiến tim luôn trong trạng thái làm việc hết công suất, dễ dẫn đến viêm cơ tim, tổn thương tim hoặc loạn nhịp tim.
Tại sao các tổ chức y tế vẫn luôn khuyến khích vận động?
Bởi tập vừa sức sẽ đem lại rất nhiều lợi ích. Theo Tạp chí Tim mạch Trung Quốc, người trưởng thành nên vận động 150 phút mỗi tuần với cường độ trung bình – tương đương 30 phút mỗi ngày, 5 ngày một tuần.
Vận động ở mức này giúp tăng cường trao đổi chất, cải thiện chức năng tim, hạ huyết áp và nhịp tim, đồng thời thúc đẩy khả năng tự phục hồi của hệ mạch máu từ đó bảo vệ cơ thể khỏi tổn thương và tăng tuổi thọ.
Dấu hiệu tập quá sức
TS.BS Trình Văn Lập – Giám đốc Trung tâm Tăng huyết áp, Bệnh viện An Trấn (Bắc Kinh) khuyên nên đo huyết áp sau khi tập thể dục.
Nếu sau vận động huyết áp vượt 180/110 mmHg, dù sau đó có trở lại bình thường thì cũng là dấu hiệu bạn đã tập quá mức. Trong trường hợp đó, cần giảm cường độ ngay để tránh tổn hại tim mạch.

3 kiểu vận động người cao tuổi nên tránh
Chạy đường dài
Chạy bộ tốt nhưng chỉ khi chạy vừa sức. Với người cao tuổi, các khớp và hệ tuần hoàn đã suy yếu, việc chạy dài không những gây tổn thương đầu gối và mắt cá mà còn dễ làm thiếu oxy, có thể gây nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
Gập bụng
Bài tập này
tạo áp lực lớn lên cổ và thắt lưng. Với người có cột sống đã thoái hóa, gập bụng
có thể dẫn đến thoát vị đĩa đệm, chèn ép dây thần kinh, thậm chí tổn thương tủy
sống.
Ép chân lên xà
Đây là bài tập từng phổ biến với người cao tuổi, một chân đặt lên xà ngang, ép giãn cơ. Tuy nhiên, nếu cơ thể gầy yếu, khối cơ ít hoặc đang có dấu hiệu xơ vữa mạch máu, bài tập này dễ làm tổn thương tĩnh mạch, thậm chí đẩy nhanh nguy cơ tắc nghẽn.
GS. Hải Phong – Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện Bắc Kinh từng nói: “Tuổi thọ con người phụ thuộc vào độ bền của hệ mạch máu”.
Cơ thể con người có tới 100.000 km mạch máu, chịu trách nhiệm vận chuyển máu, oxy và dưỡng chất đi khắp cơ thể. Nếu mạch máu yếu, mọi cơ quan sẽ bị ảnh hưởng theo.
3 kẻ thù của mạch máu
Áp lực cao: Khi mạch xơ cứng, cơ trơn tăng sinh collagen, elastin bị đứt gãy khiến mạch trở nên giòn, dễ gây suy tim, tổn thương thận, phì đại cơ tim.
Tắc nghẽn: Mảng xơ vữa dày lên làm thu hẹp lòng mạch, giảm lưu thông máu dễ gây đau thắt ngực, lạnh chân, thậm chí nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Cục máu đông: Tĩnh mạch dễ bị giãn nếu làm việc đứng lâu hoặc khuân vác nặng gây suy giãn tĩnh mạch, đau nhức, khó vận động.