Tiếp viên đường sắt 20 năm làm nghề, thèm những giao thừa bên gia đình
Gần 20 năm làm việc ở vị trí tiếp viên đường sắt, chị Đoàn Thị Thảo và đồng nghiệp chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay những cái Tết được ở bên gia đình. Số còn lại là những lần chị đón năm mới cùng hành khách trên những chuyến tàu cuối cùng của năm.
Với không ít hành khách, đón giao thừa trên tàu là trải nghiệm thú vị thì với các tiếp viên đường sắt, do đặc thù nghề nghiệp những năm đón giao thừa ở nhà với họ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chính vì thế, mỗi lần đón giao thừa trên tàu là kỷ niệm không thể nào quên với các thành viên trong tổ tàu.
Phụ trách toa xe số 7 chuyến tàu SE6, tiếp viên Đoàn Thị Thảo (sinh năm 1986, sinh sống tại Hà Nội) tâm sự, chị đã gắn bó với ngành đường sắt từ năm 2009. Những năm qua, nỗi buồn vui của chị đều gửi trên những chuyến tàu Bắc - Nam. Mỗi hành trình với nhiều cung bậc cảm xúc, gặp được nhiều người, nhiều hoàn cảnh khác nhau là những trải nghiệm quý báu trong đời của chị.

Công việc của một tiếp viên đường sắt như chị Thảo chủ yếu là phục vụ, đón khách, tiễn khách, vệ sinh toa tàu, đảm bảo an toàn sạch sẽ toa mình phụ trách. Do công việc thường xuyên phải di chuyển nên chị cũng phải thường xuyên xa nhà, xa gia đình.
"Có những năm không có Tết vì trùng lịch đi làm. Các con nhỏ thiếu thốn tình cảm của bố mẹ, nhưng các cháu được ông bà ngoại chăm sóc, lo cho học hành, nên tôi có thể yên tâm để làm việc. Tuy các con có phần thiệt thòi về tình cảm so với những gia đình khác nhưng nhờ công nghệ thông tin phát triển nên các cháu hàng ngày vẫn thường xuyên liên lạc, trao đổi học hành với bố mẹ qua zalo, động viên phần nào để cha mẹ yên tâm làm việc”, chị Thảo xúc động chia sẻ.
Đáng chú ý, câu chuyện của chị Thảo không phải cá biệt mà là hoàn cảnh chung của các thành viên tổ tàu SE6 hay những người đang làm việc trong ngành đường sắt.
Mỗi chuyến tàu từ Bắc vào Nam thường kéo dài 4-5 ngày. Sau chuyến đi dài ngày đó, đoàn tiếp viên sẽ được nghỉ 3-4 ngày luân phiên nếu không có công việc đột xuất. Vì thế, suốt 19 năm qua, chị Hà Thị Vệ (sinh năm 1986, quê Phú Thọ), tiếp viên toa số 8 tàu SE6 đã phải di chuyển hàng trăm cây số tranh thủ về với gia đình trong những ngày ít ỏi mỗi lần xuống ban. Đến ngày đi làm lại đi từ đầu tỉnh Phú Thọ xuống Hà Nội để nhận ban.

Tiếp nối truyền thống của gia đình, anh Trần Thanh Hải (sinh năm 1978, quê Thanh Hóa) là tiếp viên phụ trách toa số 3 tàu SE6 đã vào ngành đường sắt được gần 20 năm. Lương chỉ đủ nuôi sống gia đình, nhưng vì đam mê, anh đang làm tốt nhiệm vụ và cảm thấy hài lòng với công việc hiện tại.
Anh Hải cho biết: “Nhiệm vụ chính của tôi trên tàu là đón khách, tiễn khách và phục vụ các nhu cầu của hành khách, vệ sinh toa mình phụ trách. Khi trực tàu vào đêm thì không ngủ, ngồi ghế trực nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu hành khách, thường xuyên kiểm tra khách nằm đúng chỗ, đúng toa, đi đến đúng nơi và đảm bảo an toàn cho hành khách. Sau mỗi chuyến đi, tiếp viên trực toa lại thay toàn bộ chăn, ga, gối, dọn dẹp vệ sinh phòng, lau chùi cửa kính, vệ sinh sạch sẽ toilet, bổ sung giấy, xà phòng rửa tay và các vật dụng cần thiết của toa mình phụ trách. Những thiết bị nào hỏng hóc thì báo để kỹ thuật sữa chữa...”.

Để có được những chuyến tàu tiện nghi cho hành khách với toa tàu sạch đẹp, sàn tàu sạch bong, những tấm kính ô cửa sổ bóng loáng hay khu vệ sinh gọn gàng, ngăn nắp,... đó là nỗ lực và sự tận tâm của những thành viên tổ tàu. Chỉ khi phương tiện đẹp thì con người cả về hành khách lẫn “chủ nhà” cũng đều trở nên văn minh hơn, ứng xử hóa hơn, thoải mái hơn và gắn bó hơn.

25 năm trong nghề, trưởng tàu khách SE6 Phạm Hồng Thành chia sẻ, anh "bén duyên" với ngành đường sắt từ năm 2000 và đến 2014 anh lên làm trưởng tàu. Với từng đó thời gian, tuyến đường sắt Bắc Nam đã trở thành tuyến hành trình mà anh thuộc lòng như cung đường về với quê hương. Không một nơi nào, không một danh lam thắng cảnh nào ở mỗi ga dừng mà anh Thành cùng tổ tiếp viên chưa được đặt chân qua.
Nói về nhiệm vụ trên tàu, anh cho biết: “Tổ tàu luôn chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ để làm hài lòng hành khách. Trên tàu luôn bố trí một nhân viên chuyên trách vệ sinh xuyên suốt cả quá trình. Tiếp viên luôn làm việc theo nguyên tắc, tàu rời ga, tiếp viên vào giới thiệu tên, phụ trách toa, giới thiệu trang thiết bị, số điện thoại để trên bàn, sẵn sàng phục vụ hành khách khi có nhu cầu. Đặc biệt, hệ thống loa phát thanh ngoài thông báo thông tin hành trình cho hành khách, mở thêm bài tuyên truyền Đại hội Đảng bộ lần thứ nhất của Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt sau khi sát nhập để cho người dân biết về ngành”.

Để vận tải hành khách thực sự phát triển thì hoạt động trên các đoàn tàu đòi hỏi phải không ngừng đổi mới. Yêu tố “Văn hóa doanh nghiệp - Nếp sống văn minh” trên các chuyến tàu khách phải thực sự là yếu tố mang tính quyết định để “níu giữ tình cảm của hành khách” gắn bó với loại hình vận tải này như ở các quốc gia phát triển trên thế giới. Đồng thời cũng là một trong những điều kiện để bảo đảm an toàn giao thông trên các chuyến tàu vận tải hành khách hiện nay.
Có được điều đó, những người như chị Thảo, chị Vệ hay anh Hải, anh Thành đang từng ngày âm thầm hi sinh những niềm vui gia đình, cá nhân để làm tròn công việc, góp phần đưa đường sắt trở lại trong lòng hành khách.