Thứ ba, 26/11/2024 22:32     |   Tiêu dùng     |   Nhịp sống miền Tây     |   Phụ nữ Sức khoẻ
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ bảy, 17/02/2018 10:21

Tết quê của cô nàng đỏng đảnh

Nàng hăng hái chuẩn bị mọi thứ để thực hiện công cuộc chinh phục nhà chồng. Chỉ có bố mẹ và tôi phải dở khóc dở cười trước những “chiêu trò” của nàng.

Nàng là tiểu thư nhà giàu Hà Nội. Và nàng thuộc tuýp người khá đỏng đảnh, muốn cái gì là phải được cái đó, muốn làm gì phải làm bằng được. Nhưng dường như ở nàng có một quyền uy vô hình khiến người ta phải dâng tặng cho nàng những cái nàng muốn. Chẳng phải minh chứng đâu xa, như tôi đây, đã tự nguyện đưa cổ để nàng buộc gông cùm.

Nàng bảo ngay từ lúc vào lớp đại học, nàng đã “nhắm” được tôi – theo lời nhận xét của nàng thì tôi là một anh chàng đẹp trai, mọt sách. Cho dù cha mẹ nàng có phản đối gay gắt thế nào nhưng rồi cuối cùng họ cũng phải chấp nhận gật đầu để nàng làm vợ một gã quê mùa nghèo mạt rệp như tôi.

Năm đầu tiên nàng về quê ăn Tết ở nhà chồng. Nàng bảo: “Em sẽ phải chinh phục được tất cả mọi người ở quê”. “Khó lắm đấy, em chuẩn bị tư tưởng chưa?”, tôi trêu nàng. Nàng vênh khuôn mặt đầy đáng yêu lên tự đắc: “Hãy đợi đấy”.

Empty

Năm đầu tiên nàng về quê ăn Tết ở nhà chồng - Ảnh minh họa

Nàng đi shopping về, vác theo túi lớn túi nhỏ. Nàng lôi ra khoe với tôi những “đạo cụ” trong chiến dịch của nàng. Cái áo cổ lông này cho mẹ, đôi giày da cá sấu này cho bố, mỹ phẩm hàng hiệu, quà bánh cho họ hàng ở quê. Chờ một lúc cho nàng tận hưởng sự đắc thắng, tôi mới thủng thẳng bảo: “Em xem, mẹ anh cả ngày nuôi lợn trồng rau, quanh quẩn ở trong xóm, có đi đâu xa mà mua cái áo cổ lông này thì biết mặc vào lúc nào. Bố anh cũng thế, giày cá sấu để đi ra ao câu cá hay đi uống rượu quanh làng”. Nàng ngẩn người ra, khiến tôi không nhịn được cười. Cuối cùng với sự tư vấn của tôi, nàng cũng đã mua được những món đồ hữu dụng làm quà tặng.

Tôi cứ ngỡ nàng sẽ thuê xe riêng để về quê chồng nhưng nàng bảo: “Mình phải hòa đồng, không thể chơi trội được, mai ta ra bắt xe khách”. Tôi đang chen chúc ở bến tìm xe về quê, nàng đã lôi tuột tôi lên một cái xe khách. Chiếc xe chạy ra ngoài thành phố. Nàng hồ hởi bảo tôi: “Anh đi xe khách quen mà một cái xe cũng không tìm ra. Như em đây cả đời chưa biết mùi xe khách là gì một phát ăn ngay. Xe lại chạy luôn đỡ phải chờ mới sướng chứ”. Tôi nhíu mày hỏi nàng: “Thế chỗ ngồi đâu mà phải đứng thế này?”. “Lái xe bảo trên đường có người xuống thì có chỗ ngồi thôi. Đứng tý cho đỡ béo bụng mà anh lo gì”, nàng đáp. “Thế xe này có chạy xuống huyện không hay chỉ đến thành phố thôi?”, tôi hỏi. “Ơ, em tưởng xe nào nó cũng phải chạy đến các nơi mình cần đến chứ đến mỗi thành phố là sao?”, nàng ngơ ngác hỏi. “Xe này chỉ chạy đến thành phố thôi, từ thành phố về quê mình còn 60km nữa em có biết không?”, tôi khó chịu nói.

Nàng cụp mắt xuống tỏ vẻ biết lỗi khiến tôi chẳng thể trách cứ gì thêm. Lát sau đúng là có người xuống nhưng một đám người khác lại lên ngay, khiến chúng tôi vẫn phải đứng mà còn không đủ chỗ cho hai chân xuống sàn xe.

Sau hai hồi bắt xe nữa chúng tôi mới về đến quê, chân rã rời vì phải đứng liên tục suốt mấy tiếng đồng hồ. Nhưng tinh thần nàng dường như vẫn quyết chiến quyết thắng lắm. Về đến nhà, mẹ bảo chúng tôi nghỉ ngơi nhưng nàng xung phong đi dọn nhà. Lúc lau bàn thờ, nàng lóng ngóng làm rơi bức tượng ông Thọ xuống đất vỡ tan. Tôi vội vã chạy lại giúp nàng thu dọn mảnh vỡ, nàng lo lắng hỏi: “Cúng ông Phúc với ông Lộc thôi có được không anh nhỉ?”. “Em làm vỡ thế này thì nhà mình sống thọ sao được nữa”, tôi nói. Gương mặt lo sợ của nàng ửng lên, mắt bắt đầu đỏ hoe. Tôi phì cười đáp: “Chắc không sao đâu, xin các cụ xá cho. Mình mua bộ khác về thay là được”.

Nàng hì hục lau sàn nhà. Thấy tôi, nàng than vãn: “Sao em đánh sạch rồi mà giờ lau lại vẫn bẩn như cũ là thế nào, mệt phờ râu trê rồi đây”. “Nền nhà anh là gạch đỏ cũ rồi, nó ngấm nước. Em đánh đến đâu phải lau luôn đến đấy, chứ đánh một lượt quay lại thì cái bẩn nó khô lại ngấm xuống sàn thì chả công toi”, tôi giải thích.

Nàng lại chuẩn bị đi rửa mấy chồng bát đĩa mới nhưng mẹ đã ngăn lại. Chắc sợ nàng làm vỡ. Nàng không chịu ngồi yên, xin đi làm gà cúng Giao thừa. “Em có biết làm không đấy mà nhận?”, tôi hỏi. “Em nghe mọi người kể chuyện 10 cô dâu mới thì cả 10 đều bị mẹ chồng bắt làm gà nên em luyện rồi, nội công thâm hậu cực kỳ, anh cứ yên tâm”, nàng tự tin nói. Nàng xông xáo xách ấm nước nóng đi ra sau nhà. Kết quả, “nội công thâm hậu” mà nàng nói là chú gà bị cắt cổ gần đứt, da bị chần nước nóng quá tróc ra từng mảng. Mẹ và tôi nhìn con gà của nàng cười như mếu.

Nàng vẫn chưa chịu đi nghỉ dù mẹ đã đề nghị khẩn thiết. Thấy đồ ăn còn chưa nấu, nàng lại đòi vào bếp. Không còn cách nào khác, mẹ đành trì hoãn để nấu đồ ăn sau và bảo nàng đun thêm nước. Nàng ở trong bếp loay hoay nhóm củi, tôi ở ngoài sốt ruột chỉ sợ nàng lại làm sai hỏng, cháy bếp cũng nên. Mười phút sau, nàng đi ra tìm tôi, phụng phịu nói: “Em không thể nào nhóm bếp lên được, nó cứ khói om lên rồi tắt lịm”. Tôi nhìn nàng mà không thể nhịn được cười. Khuôn mặt nàng nhem nhuốc muội than, hai hàng mi và phần tóc mái bị tro bếp bám vào trắng xóa. Cố ghìm cơn buồn cười, tôi nói: “Trông em như ma nữ ấy”.

Có lẽ đã chán thể hiện để trở thành con dâu ngoan cộng thêm với sự mệt mỏi của chuyến đi dài, nàng đồng ý đi nghỉ và ngủ ngon lành. Lúc nàng dậy thì cơm nước đã xong xuôi, mọi người đang chuẩn bị ăn bữa tất niên. Nàng ngượng nghịu ngồi vào chiếu ăn, bố và mẹ đều nhìn nàng cố nén cười vì nhớ đến những “chiêu trò” của nàng ngày hôm nay. Bữa cơm diễn ra vui vẻ, nàng đánh liền ba bát cơm.

Tôi đang soạn chăn màn để đi ngủ, nàng xuất hiện ở cửa khiến tôi trố mắt ngạc nhiên. “Cả ngày nay phải ngồi làm bao việc, tối lại ăn no mà mặc quần bó làm em đau hết cả bụng. Em vừa mượn mẹ cái quần đen này đấy, hơi rộng tí nhưng buộc dây vào là vừa. Mà anh chuẩn bị mắc màn làm gì đấy. Không đi đón Giao thừa với hái lộc à?”, nàng hỏi. “Ở quê đâu phải thành phố. Xã mình heo hút có vài mái nhà, chả có ma nào đi ra ngoài đêm Giao thừa đâu”, tôi gàn. Nhưng nàng nhất quyết không chịu, tôi đành chiều theo nàng.

Empty

Ảnh minh họa

Hai vợ chồng rón rén mở cửa ra ngoài. Đêm 30 trời tối đen như mực. Con đường trong làng mấp mô nhầy nhụa, chúng tôi phải cố gắng lắm mới không té ngã. Nàng mở điện thoại xem đúng 12h rồi giục tôi hái lộc. Tôi đu người lên cây khế nhà ông Bình bẻ một cành có cả quả. Bỗng tiếng chó sủa làm cả hai giật mình, ù té chạy. Nàng vấp ngã kéo tôi ngã theo. Tôi đang lồm cồm bò dậy thì nghe giọng nàng gấp gáp: “Anh mau bật đèn pin điện thoại lên”. Tôi hoảng hốt sợ nàng bị đau, lập cập bật đèn pin. “Trời ơi, tay mình sờ thấy không sai mà. Đấy, thấy chưa. Rõ ràng có người đi chơi Giao thừa họ mới làm rơi cái phong bao này, thế mà anh bảo chả ma nào ra ngoài”, nàng hí hửng bảo tôi.

Tôi kéo nàng đứng dậy, dây buộc quần của nàng lúc ngã đã bị đứt nên cái quần đen tụt xuống tận gối. Nàng vội vã kéo lên, không tỏ vẻ ngượng ngùng hay xấu hổ. Có lẽ nàng đang vui với chiến lợi phẩm vừa thu được. “Nào, để xem nào. Cái gì thế này, những tận 500 ngàn. Ôi, ngày đầu năm mà nhặt được nhiều tiền thế này thì năm nay lãi to cho mà xem”, nàng cười vang. Nhìn nàng một tay vung vẩy cái phong bao đỏ, một tay túm quần, tôi chép miệng nghĩ thầm: “Em thì lãi to còn anh thì lỗ nặng. Về anh lại phải chuẩn bị cái phong bao khác lì xì em thay cho cái này vừa rớt từ túi quần bò ra”.

An Khê  
5 lỗi phong thủy nhà ở khiến tiền tài tiêu tan, tình duyên lận đận
Quốc đảo xinh đẹp, đàn ông bất chấp mọi việc quyết không phản bội lời thề trong đám cưới
Tiền tài không vào cửa bẩn, tuyệt đối phải dọn sạch 5 vị trí này trong nhà
Đạp xe 4.400km để làm lành với vợ sau 2 năm ly thân
Đàn ông cũng cần được khóc
Người xưa chọn vị trí nhà ở như thế nào?
Cha mẹ hướng con học 4 ngành này ra trường không lo thất nghiệp
Vì sao bàn mặt bếp thạch anh không còn được ưa chuộng?
Thăm người nhà, bạn bè nằm viện chú ý '3 không, 2 có' để ai cũng vui
4 điều về già tuyệt đối không nói với con nhất là chuyện tài sản
Vì sao ngày càng nhiều gia đình từ bỏ sàn gỗ?
Trẻ thích làm việc nhà ít thất nghiệp, hạnh phúc hơn trong tương lai
Có nên thiết kế phòng tắm trong phòng ngủ?
5 thói quen phải uốn nắn cho con trước 6 tuổi, sau tuổi này muốn dạy cũng khó
Bán nhà, cõng mẹ bị liệt đi du lịch khắp đất nước
Có nên tiết lộ cho con cái biết về tiền lương hưu, sổ tiết kiệm?
Tâm sự nữ luật sư: Nhiều gia đình sợ con trai yêu và lấy người làm nghề 'thầy cãi'
Nỗi khổ vợ chồng 'đồng sàng dị mộng'
Trẻ cãi lại khi bị bố mẹ mắng: Nên mừng hay lo?
Tiết kiệm hơn 300 triệu đồng nhờ tổ chức cưới ở quán ăn nhanh
Xem thêm