Phân loại rác thải nhựa tại nhà: Ý thức đặt ở đôi bàn tay
Phân loại rác thải nhựa là hành động nhỏ, ai cũng có thể làm, nhưng lại mang ý nghĩa lớn trong bảo vệ môi trường và xây dựng thành phố văn minh, sạch đẹp.
Nhiều khó khăn, vướng mắc trong phân loại rác
Việt Nam là một quốc gia đông dân, đang trong quá trình phát triển và được xếp vào nhóm những nước có lượng rác thải hàng đầu thế giới.
Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện trung bình mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa. Trong đó có hơn 30 tỉ túi ni lông, hơn 80% số túi ni lông đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần.
Việt Nam đứng thứ 4 trên 20 quốc gia ở top đầu, với khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế giới.
Trong đó, thói quen xả rác bừa bãi ngay từ trong gia đình đến những nơi công cộng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa.
Mặc dù việc phân loại chất thải nhựa tại nguồn là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. Hình ảnh những thùng rác sơn thành 3 màu tương ứng ba loại rác vô cơ, hữu cơ và tái chế khác đã trở nên quen thuộc với người dân từ thành thị tới nông thôn. Nhưng dù một số chương trình phân loại rác tại nguồn đã được thí điểm triển khai ở khá nhiều địa phương, việc hình thành thói quen sống xanh cho cộng đồng vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc…
Rất nhiều vùng miền nhất là nông thôn, ven đô thị chất thải hiện chưa được thu gom, tự do thải ra ven đường, đồng ruộng, sông biển hoặc người dân tự ý gom đốt mỗi ngày. Đây có thể xem là một ẩn họa đối với môi trường và sức khỏe của những người sống xung quanh.
Lượng rác thải đổ ra ngoài môi trường ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe con người (Ảnh minh họa)
Mô hình phân loại rác thải tại nguồn giảm tác động tới môi trường
Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến chủ đề: “Giải pháp phân loại trác thải nhựa tại gia đình” do Tạp chí Gia đình Việt Nam phối hợp với Công ty CP Acecook Việt Nam tổ chức, PGS. TS Bùi Thị An - Viện trưởng viện tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng, nguyên Đại biểu quốc hội khoá XIII cho biết, rác thải nhựa hiện nay đang là một vấn đề nan giải của xã hội và môi trường, phân loại rác thải tại nguồn nếu được thực hiện tốt sẽ làm giảm chi phí, tạo thuận lợi hơn cho quá trình xử lý, tái chế và làm giảm tác động tới môi trường.
Nhưng phần lớn mọi người hiện nay vẫn chưa nhận thức được hết tầm quan trọng của việc phân loại rác thải tại nguồn, mặc dù đã có khá nhiều dự án, trương trình tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức cho người dân, nhưng có lẽ quy mô, thời gian chưa đủ lớn, lại mang nhiều tính lý thuyết và đặc biệt là chưa có được phương pháp có tính thực tiễn để mọi người dễ dàng thực hiện.
Các mô hình phân loại rác thải cần được triển khai rộng rãi, giúp nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường (Ảnh minh họa)
"Các sản phầm từ nhựa đang trở thành thói quen được rất nhiều hộ gia đình sử dụng vì có đặc tính là bền, tiện dụng và rất rẻ,… nhưng ít ai biết rằng rác thải nhựa độc hại, ô nhiễm như thế nào. Chính bởi sự hiểu biết, kiến thức về độc hại của rác thải nhựa chưa được hiểu rõ nên ý thức người dân chưa được thay đổi nhiều.
Thậm chí, nhiều người có suy nghĩ “sạch nhà mình, còn mặc kệ nhà khác”, do đó cứ vứt rác bữa bãi, không phân loại, điều này ảnh hưởng rất lớn tới môi trường, khó khăn trong xử lý rác thải”, PGS. TS Bùi Thị An nói.
Do đó, vị chuyên gia cho rằng, việc làm đầu tiên và quan trọng nhất là nâng cao ý thức và nhận thức cho tất cả người dân đặc biệt là thế hệ trẻ, phải được tiến hành toàn diện, trong một thời gian dài, phát huy tối đa tính tiếp cận của phương tiện truyền thông, báo chí, đài, vô tuyến;
Cùng đi đôi với việc nâng cao nhận thức là phải cung cấp cho người dân cách thức và phương tiện để phân loại rác một cách dễ dàng nhất (thùng rác, nơi đổ rác…). Đặc biệt, cần tổ chức và giám sát thực hiện chứ không chỉ mỗi áp dụng về hình thức.
Theo PGS. TS Bùi Thị An, giữ gìn cho môi trường công cộng sạch đẹp văn minh cũng chính là thể hiện những người hoạt động trong môi trường ấy văn minh, biết ứng xử đúng mực. Khi ý thức đặt ở đôi bàn tay, chỉ hành động theo thói quen mà không có lí trí, tình cảm đặt vào đó thì hành động vứt rác bừa bãi ra nơi công cộng sẽ vẫn còn tiếp diễn.
-->> Chôn lấp rác thải "khuất mắt" nhưng gây nguy hại, ô nhiễm môi trường