Tọa đàm: “Giải pháp phân loại rác thải nhựa tại gia đình”
Với mong muốn nâng cao nhận thức trong cộng đồng về bảo vệ môi trường thông qua hoạt động phân loại rác thải nhựa, Tạp chí Gia đình Việt Nam phối hợp với Công ty CP Acecook Việt Nam tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến chủ đề: “Giải pháp phân loại trác thải nhựa tại gia đình”.
Ô nhiễm rác thải nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia đang phải đối mặt. Mỗi năm, lượng rác thải nhựa do con người thải ra trên phạm vi toàn cầu đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó có 13 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra biển.
Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn trong số đó bị thải ra biển – nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp.
Điều đáng nói là việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế.
Rác thải được phân làm 3 loại gồm rác thải hữu cơ, rác thải vô cơ và rác thải tái chế. Tuy nhiên, trong sinh hoạt hằng ngày, rất ít gia đình ở Việt Nam có giải pháp hiệu quả, có thói quen phân loại rác, ngay cả với các loại rác thải nhựa có tái chế như hộp chai nhựa, túi ni lông, ống hút nhựa…
Tại tọa đàm diễn ra vào sáng 27/9, TS. Hoàng Dương Tùng - Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng hiện nay mặc dù đã có tuyên truyền nhưng chúng ta vẫn lúng túng trong việc phân loại rác tại nguồn.
"Phần lớn các chai nhựa có giá trị kinh tế được thu mua để tái chế tuy nhiên với túi nilon thường bị vứt bỏ bừa bãi. Trung bình mỗi gia đình dùng 7-9 túi nilon một ngày nhưng không thể tái chế nên gây ô nhiễm môi trường" - ông Hoàng Dương Tùng cho hay.
Ông Tùng cho biết thêm, hiện nay phần lớn những người thu mua chai nhựa đều mang đến các làng tái chế. Tuy nhiên, chính những địa điểm tái chế thủ công hay tự phát này lại gây ô nhiễm ngược lại với môi trường. Bên cạnh đó, các sản phẩm thìa, hộp nhựa tái chế từ chính những làng tái chế này không được kiểm soát, không đảm bảo vệ sinh có thể gây hại cho sức khỏe. Trong khi đó, nhiều nhà máy đầu tư hệ thống tái chế hiện đại lại không có nguồn rác đủ để tái chế.
TS Hoàng Dương Tùng bày tỏ mong muốn buổi tọa đàm sẽ giúp độc giả, người dân phân biệt được các loại rác thải trong quá trình phân loại, nhìn nhận lại sự đồng bộ nhất định giữa gia đình và đơn vị thu gom rác.
Trong khi đó, TS Bùi Thị An - Nguyên Đại biểu quốc hội khoá XIII, Viện trưởng viện tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng nhận định, việc chôn lấp và đốt rác thải tiếp tục tái diễn tình trạng ô nhiễm môi trường. Do chúng ta không phân loại nên chôn tất cả các loại rác không thể tái chế được. Phân loại rác phải có ý thức, đồng bộ, bên cạnh đó còn có thể tái sử dụng rác thải nhựa.
Hiện nay, ở nhiều địa phương, nhất là ở nông thôn hội phụ nữ, các tổ chức đoàn thể đã phát động phong trào nói không với rác thải nhựa bằng việc khuyến khích phụ nữ đi chợ mang theo làn, lá chuối… để mua thực phẩm. Tuy nhiên, việc này mới được nhen nhóm và chưa thành phong trào sâu rộng, chưa thấm vào từng người dân, từng thành viên trong gia đình.
TS Bùi Thị An bày tỏ: "Để thay thế túi thì không khó nhưng cần phải phù hợp với điều kiện của các gia đình. Về vấn đề này, vai trò của cộng đồng, các tổ chức chính trị xã hội... rất quan trọng".
Ý thức bảo vệ môi trường nói chung, thu gom rác, phân loại rác nói riêng phải bắt đầu từ mỗi gia đình. TS Bùi Thị An cho rằng, để có thể hình thành các mô hình kiểu “gia đình xanh”, người lớn, bố mẹ, thầy cô giáo phải giáo dục trường quan sống cho các con từ tấm bé, để các con hiểu hơn về môi trưởng ảnh hưởng đến sức khỏe các em như thế nào. Chính vì vậy, giáo dục trẻ về môi trường cần có kế hoạch và chương trình cụ thể.
Qua buổi tọa đàm các chuyên gia đều đồng tình cho rằng để hình thành ý thức phân loại rác thải từ gia đình cần có những quy định, hướng dẫn và giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng để từ đó hình thành thói quen cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình góp phần hình thành thói quen cho toàn xã hội, góp phần bảo vệ môi trường sống.