Nước giải khát có đường gây béo phì không, có nên tăng thuế để hạn chế tiêu thụ?
Các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến tại một cuộc hội thảo mới đây để khẳng định về tác nhân gây béo phì và giải pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để hạn chế vấn đề này.
Theo đó, chia sẻ tại Hội thảo Góp ý dự án luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cùng Tạp chí Nhà Đầu tư phối hợp với Báo Đại biểu nhân dân tổ chức vào sáng 20/9, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV dẫn nhiều thông tin và khẳng định, nước giải khát có đường không phải là tác nhân duy nhất của căn bệnh thừa cân béo phì.
TS Cấn Văn Lực cho rằng, Theo WOF (2024), có 9 yếu tố nguy cơ gây ra bệnh béo phì, trong đó, thực phẩm sản xuất công nghiệp (bao gồm cả đồ uống) là một trong số đó.
Tại Việt Nam, trong giai đoạn 2016-2024, dù tỷ lệ mắc bệnh thừa cân béo phì tăng từ 2,1% lên 3,6% và nằm trong số 14 nước có tỷ lệ thừa cân béo phì thấp nhất thế giới (xếp thứ 179/192), nhưng tốc độ tăng thừa cân béo phì ở nhóm dân số < 19 tuổi ở mức cao (tăng bình quân 5,7%/năm với nhóm < 5 tuổi, và 8,4%/năm với nhóm 5-19 tuổi), tỷ lệ mắc bệnh thừa cân béo phì của trẻ em Việt Nam ở mức 19%, xếp thứ 108/192 quốc gia. Điều này cho thấy, bệnh thừa cân béo phì tại Việt Nam tăng nhanh chủ yếu thuộc nhóm 5-19 tuổi
Còn PGS. TS. Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Việt Nam khẳng định rằng, khi đã vào trong cơ thể thì protein, lipid, glucid đều có thể chuyển thành chất béo dự trữ. Do đó không nên quan niệm rằng cứ tiêu thụ nhiều đường thì mới gây ra thừa cân béo phì.
“Tỷ lệ thừa cân béo phì ở học sinh khu vực thành thị cao hơn nhiều so với học sinh ở khu vực nông thôn (lần lượt là 41,9% và 17,8%) nhưng tỷ lệ tiêu thụ nước giải khát có đường ở mức độ thường xuyên của trẻ em khu vực thành thị lại thấp hơn mức tiêu thụ của trẻ em ở khu vực nông thôn (lần lượt là 16,1% và 21,6%).
So với nước giải khát có đường, thì những thực phẩm được trẻ em tiêu thụ nhiều hơn là ngũ cốc, chất đạm, chất béo, sữa và sản phẩm từ sữa. Lượng protein được học sinh các cấp tiêu thụ cũng đều vượt mức khuyến nghị”, chuyên gia Nguyễn Thị Lâm nêu thông tin.
Từ những thông tin đó, TS Nguyễn Thị Lâm cho rằng, có nhiều nguyên nhân gây ra thừa cân béo phì. Vì vậy, nếu chỉ giảm tiêu thụ nước giải khát có đường thì không giải quyết thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm.
Theo Nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Việt Nam có một số giải pháp phòng chống thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm gồm:
- Giáo dục dinh dưỡng tại nhà trường
- Tăng cường truyền thông về dinh dưỡng và sức khoẻ
- Sử dụng hợp lý các nguồn thực phẩm. Chế độ ăn cần tăng cường sử dụng rau quả, chất xơ, sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng hoặc thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng để nâng cao chất lượng bữa ăn.
- Tăng cường các hoạt động thể chất. Giảm thời gian hoạt động tĩnh tại cho trẻ em cả ở trường và ở nhà.
Chung quan điểm với các chuyên gia về vấn đề nói trên, nhìn ở góc độ người làm thuế, ông Nguyễn Văn Phụng - nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn - Tổng cục Thuế cho rằng, có nhiều nguyên nhân gây ra các bệnh không lây nhiễm, bao gồm cả bệnh thừa cân béo phì mà nước giải khát có đường không phải là nguyên nhân chính duy nhất. Thậm chí, mối liên hệ giữa tiêu thụ nước giải khát có đường với tỷ lệ thừa cân béo phì còn rất nhiều tranh cãi.
“Nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với chỉ mỗi nước giải khát có đường thì người tiêu dùng vẫn có thể chuyển đổi sang các thực phẩm thay thế khác mà những thực phẩm thay thế này cũng có thể là nguyên nhân của các bệnh không lây nhiễm. Do đó công cụ thuế trong trường hợp này khó mà thay đổi hành vi người tiêu dùng thậm chí còn có thể tạo điều kiện cho các hàng hóa buôn lậu, các thực phẩm đường phố không được kiểm soát về chất lượng và khó khả thi trong việc quản lý thu thuế”, ông Nguyễn Văn Phụng nêu ý kiến.
Ông Phụng dẫn số liệu do các chuyên gia từ Hội Thực phẩm châu Á chia sẻ cho thấy nhiều nước đã áp dụng công cụ thuế nhưng tỷ lệ thừa cân béo phì không giảm mà vẫn gia tăng như Chi Lê, Bỉ, Phần Lan... Một số nước thậm chí đã bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường sau một thời gian áp dụng vì các tác động của chính sách này đối với kinh tế và xã hội như Đan Mạch, Nauy, Isarel và Albania. Tiểu bang California thậm chí đã thông qua vào tháng 6 năm 2018 dự luật ngăn chặn bất cứ thành phố trực thuộc nào thông qua việc áp thuế đối với đồ uống hay thực phẩm trong vòng 12 năm tới.
“Nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu kinh tế New Zealand đã đánh giá toàn diện về tác động của thuế đường, trong đó kết luận rằng chính sách thuế đường có tác động yếu trong việc cải thiện sức khỏe. Cụ thể, báo cáo này chỉ ra rằng là những nghiên cứu được thực hiện đúng phương pháp cho thấy tác động thuế đường đối với mức giảm lượng tiêu thụ là quá nhỏ để tạo ra lợi ích về sức khỏe, người tiêu dùng có thể tìm kiếm những nguồn tiêu thụ đường hay calorie khác”, ông Phụng viện dẫn thông tin.
Còn TS Nguyễn Văn Lực từ những thông tin như trên cũng dẫn số liệu trên quy mô toàn cầu về tỷ lệ người TCBP tại thời điểm năm 2016 và 2024 (của Liên đoàn Béo phì thế giới - World Obesity Federation - WOF) cho rằng, việc đánh thuế đường chưa chắc giúp tỷ lệ người mắc bệnh thừa cân béo phì giảm xuống.
“Nói cách khác, tác dụng của thuế đường trong việc hạn chế bệnh thừa cân béo phì là chưa rõ rang”, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế này cho rằng, để nâng cao tính hiệu quả của chính sách thuế trong việc hạn chế tình trạng thừa cân béo phì, theo Tax Foundation (2023), thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường phải được thiết kế phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của mỗi quốc gia, về đối tượng chịu thuế, thuế suất và cách thức sử dụng nguồn thu cho các chương trình nâng cao sức khỏe cộng đồng.