Nông dân Sóc Trăng tạo ra nhãn tím kì lạ
Nhãn tím là một sản phẩm đột biến gene do nông dân Trần Văn Huy (ấp Phong Thạnh, xã Phong Nẫm, Kế Sách) phát hiện rồi chiết cành, nhân giống cách đây hơn 10 năm.
Mặc dù vậy, đến nay, giống nhãn “độc” này vẫn là sản phẩm thu hút nhiều khách tham quan khi đem trưng bày tại Hội chợ, triển lãm giống nông nghiệp TPHCM 2014.
Ông Huy cho biết, cách đây 10 năm, một cây nhãn long trong vườn nhà ông tự dưng đâm ra 1 nhánh lạ, lá có màu tim tím, trái thì màu tím sậm. Nhiều người đi ngang thấy lạ nên hái ăn.
Sợ mất giống, ông Huy chiết cành, đem trồng thử. Kết quả, cây phát triển bình thường như những cây nhãn khác trong vườn, trừ việc cây cho quả nhãn màu tím.
Theo ông Huy, việc trồng giống nhãn mới này cũng không quá khó, một năm cây cho thu hoạch 2 vụ vào tháng 6 và Tết Nguyên đán.
Chùm nhãn tím được trưng bày tại Hội chợ, triển lãm Giống nông nghiệp TPHCM 2014. |
Một lần, ông Huy đem giống nhãn tím đến triển lãm ở Hội chợ nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, một số khách ở Bến Tre, Tiền Giang… đến tham quan và tỏ ra rất thích loại nhãn này. Theo ông Huỳnh Hoàng Nhu- Trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Kế Sách (Sóc Trăng), so với nhãn long, nhãn tím trái to hơn, cơm dày và có mùi thơm hơn.
Cách chăm sóc nhãn tím y như nhãn long nhưng nhãn tím cho trái rất say, một chùm từ 20 - 50 trái. Điều đặc biệt là cả vỏ cây, thân cây, lá và hạt nhãn này đều có màu tím. Do những đặc điểm riêng biệt đó, giá nhãn tím hiện cao gấp 5 - 6 lần so với nhãn lồng.