Những điểm hay của sách giáo khoa Lịch sử 11 bộ Cánh Diều
Sau khi kế hoạch thực hiện môn Lịch sử sẽ có 52 tiết bắt buộc trong mỗi năm THPT của Bộ GD&ĐT được ban hành, rất nhiều phụ huynh quan tâm đến sách giáo khoa môn học này.
Năm học 2023 - 2024, sách giáo khoa Lịch sử 11 mới sẽ được đưa vào sử dụng sau khi đã triển khai sách giáo khoa Lịch sử 10 mới từ năm học 2022 - 2023. Ở bậc THPT, Lịch sử là môn học thu hút nhiều sự chú ý khi đã chuyển từ môn tự chọn sang môn học bắt buộc.
Theo đó, môn Lịch sử cấp THPT sẽ có phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết cho mỗi năm học lớp 10, 11 và 12. Thay vì là môn lựa chọn hoàn toàn và học sinh có thể không chọn học môn này như trong chương trình giáo dục phổ thông đã ban hành năm 2018, tất cả học sinh THPT năm học tới trở đi sẽ học đầy đủ số tiết bắt buộc này. Những em lựa chọn môn Lịch sử để học chuyên sâu, theo hướng định hướng nghề nghiệp, sẽ học nhiều hơn.
Với những điểm đổi mới về môn Lịch sử, một số giáo viên lo lắng khối kiến thức sẽ nhiều lên, việc học sinh ghi nhớ sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, sau gần một năm dạy sách giáo khoa mới ở lớp 10, cô Nguyễn Thị Thu Linh (giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Yên Viên, Hà Nội) nhận thấy có nhiều ưu điểm về hình thức, cấu trúc sách. Đó là một tiêu chí để tiếp tục lựa chọn sách cho lớp 11.
Với sách giáo khoa Lịch sử 11 và Chuyên đề học tập Lịch sử 11 bộ Cánh Diều, đơn vị xuất bản đã biên soạn theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh theo Chương trình GDPT năm 2018.
Ngoài phần các Chủ đề/Chuyên đề/Bài, sách Lịch sử lớp 11 bộ Cánh Diều còn có Bảng giải thích thuật ngữ; Bảng tra cứu địa danh/tên riêng nước ngoài.
Nội dung và các hoạt động học tập trong tất cả các chủ đề/bài học và chuyên đề của Sách giáo khoa Lịch sử 11 bộ Cánh Diều đều được biên soạn, xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Đó là các phẩm chất: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm; các năng lực chung: tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo; các năng lực đặc thù: tái hiện lịch sử, nhận thức và tư duy lịch sử, liên hệ và vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Sách giáo khoa Lịch sử 11 bộ Cánh Diều lựa chọn được những nội dung cơ bản, cốt lõi, đảm bảo tính hệ thống của kiến thức và kĩ năng.
Nội dung các chủ đề/bài học, chuyên đề/bài học vừa có độ mở, vừa được tích hợp với nhau tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học; tạo bối cảnh để học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập.
Các bài học trong chủ đề/chuyên đề được thể hiện qua các hoạt động khởi động, hình thành kiến thức mới, luyện tập và vận dụng, đáp ứng quá trình nhận thức của học sinh, đồng thời gây hứng thú và khuyến khích các em tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập.
Sách Lịch sử 11 bộ Cánh Diều thiết kế nhiều dạng câu hỏi trong từng bài học: câu hỏi khai thác tranh ảnh, tư liệu; câu hỏi tổng hợp; câu hỏi bài tập thực hành; câu hỏi liên hệ vận dụng;… Các câu hỏi có tác dụng khơi gợi mong muốn tìm hiểu, khám phá lịch sử của học sinh, giúp các em có thể tự học. Hệ thống câu hỏi bám sát yêu cầu cần đạt và cũng có những câu hỏi nâng cao để phân hóa học sinh.
Ngoài ra, sách được trình bày hấp dẫn, khơi gợi trí tưởng tượng, kích thích hứng thú học tập lịch sử ở học sinh thông qua hệ thống bản đồ, lược đồ, sơ đồ, biểu đồ và tranh ảnh gắn chặt với nội dung mỗi bài.
Một điều khiến sách Lịch sử 11 bộ Cánh Diều ghi dấu ấn nữa là tập thể tác giả biên soạn sách là những nhà giáo, nhà khoa học có kiến thức sâu sắc, giàu kinh nghiệm và tâm huyết trong giáo dục lịch sử như: GS.TS NGND Đỗ Thanh Bình (tổng chủ biên), TS. Nguyễn Văn Ninh (chủ biên), PGS.TS Nguyễn Thị Thế Bình, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hưởng, TS. Vũ Đức Liêm, TS. Lê Hiến Chương, TS. Tống Thị Quỳnh Hương.
Bộ SGK Cánh Diều luôn coi trọng hàm lượng trí tuệ sáng tạo, từ hình ảnh đến tư liệu trong sách không chỉ đúng chuẩn mực mà còn sinh động, hấp dẫn.
Được biết, SGK lớp 11 bộ Cánh Diều đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để sử dụng tại các cơ sở giáo dục. Tỷ lệ chọn sách năm sau cao hơn năm trước.