Những địa điểm mang dấu chân lịch sử của đoàn quân giải phóng Thủ đô
63 năm qua, nhân dân Hà Nội đã và đang tiếp tục sự nghiệp xây dựng Hà Nội thành một Thủ đô của hòa bình trong trái tim người dân cả nước và bè bạn toàn thế giới.
Những địa điểm mang dấu chân lịch sử của đoàn quân giải phóng Thủ đô
Trong những ngày này, trên khắp các tuyến đường, phố của Thủ đô mọi người rất dễ dàng bắt gặp hình ảnh những sắc hoa, màu cờ rực rỡ nhân kỷ niệm 63 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2017).
63 năm qua, nhân dân Hà Nội đã và đang tiếp tục sự nghiệp xây dựng Hà Nội thành một Thủ đô khang trang, văn minh và phồn thịnh, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, thành phố anh hùng, Thủ đô của hòa bình trong trái tim người dân cả nước và bè bạn toàn thế giới.
Ngày 10/10/1954, trên khắp các con đường Hà Nội, người dân hân hoan, chào đón đoàn quân giải phóng tiến vào Thủ đô. Những tuyến đường huyết mạch của thành phố đã đi vào lịch sử khi đã ghi dấu từng bước chân và hành trình tiếp quản Thủ đô của quân giải phóng. Những nơi này đã thay đổi rất nhiều sau 63 năm
Kể về cuộc hành quân lịch sử của Sư đoàn 308 vào giải phóng thủ đô, nhà sử học Lê Văn Lan đã có những chia sẻ về địa điểm đóng quân của Đại đoàn Quân Tiên phong: “Sáng ngày 10/10/1954, Sư đoàn 308 hay còn được gọi là Đại đoàn Quân Tiên phong đã đóng quân áp sát Hà Nội. Sư đoàn đã chia nhỏ lực lượng, đóng quân tại 3 nơi tại phía Tây và phía Nam thành phố. Những nơi đóng quân này sẽ quyết định con đường tiến vào Thủ đô”.
Đường tiến quân từ phía Tây Thủ đô
Trung đoàn Thủ đô thuộc Sư đoàn 308 đã đóng quân tại Sân vận động Quần Ngựa, nay là Cung thể thao tổng hợp Quần Ngựa nằm trên đường Liễu Giai. Đây chính là chỗ đóng quân của Trung đoàn Thủ đô ở mạn phía Tây.
Đúng 8h sáng, Trung đoàn Thủ đô xuất phát từ Sân vận động Quần Ngựa, đi theo đường Liễu Giai ra đường Kim Mã.
Từ đường Kim Mã, Trung đoàn Thủ đô tiến đến Hàng Đẫy, nay chính là đường Nguyễn Thái Học. Tại chỗ giao nhau giữa đường Kim Mã với Hàng Đẫy, nơi mà ngày nay đã có thêm con đường Trần Phú kéo dài, ngày trước nơi đây là một cửa ô cũ của Hà Nội có tên là ô Thanh Bảo, hay còn được gọi là ô Cầu Giấy.
Trung đoàn Thủ đô đi qua Ô Thanh Bảo, vào đường Hàng Đẫy lên Cửa Nam, rồi từ cửa Nam qua Hàng Bông, Hàng Gai rồi ngoặt về Cửa Đông, tiến vào cửa Bắc Hoàng thành Thăng Long lúc 9h30.
Đường hành quân từ phía Nam thủ đô
Tại hướng Nam Thủ đô, bộ binh thuộc Sư đoàn 308 đã đóng quân tại khu Đông Dương học xá, hay còn gọi là khu Việt Nam học xá. Ngày nay, tại nơi đấy đã xây lên Đại học Bách Khoa Hà Nội và Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội.
Cũng tại hướng Nam, bộ binh, cơ giới và pháo binh của Sư đoàn 308 đã đóng quân tại Sân bay Bạch Mai – một sân bay được Pháp xây dựng, nay vùng đất đấy chính là bảo tàng Phòng không – Không quân.
Cánh quân phía Nam cũng xuất phát từ 8h, hai trung đoàn bộ binh đóng quân tại Việt Nam học xá tiến quân ra đường Bạch Mai, đi lên phố Huế. Tại nơi giao nhau giữa hai con đường có một cửa ô là Ô Cầu Dền.
Đơn vị bộ binh đã đi qua Ô Cầu Dền để lên phố Huế và Hàng Bài, sau đó diễu hành quanh bờ hồ Hoàn Kiếm rồi tạt về khu Đấu Xảo, nay chính là Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô.
Sau đó, đơn vị bộ binh này của Sư đoàn 308 đã đưa 1 lực lượng tạt về phía Đông và đóng quân tại Đồn Thủy, nay chính là bệnh viện 108 và bệnh viện Việt - Xô.
Còn đơn vị bộ binh, cơ giới và pháo binh xuất phát từ sân bay Bạch Mai cũng đi qua đường Bạch Mai và Ô Cầu Dền, lên phố Huế, Hàng Bài rồi diễu quanh Hồ Gươm. Sau đó ngược lên Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Hàng Giấy.
Đoàn quân vòng qua vườn hoa Hàng Đậu rồi theo đường Phan Đình Phùng tiến vào cổng thành cửa Bắc Hoàng thành Thăng Long, tiếp quản thành Hà Nội.
5h, ngày 10/10/1954, Nhà hát lớn Hà Nội vang lên hồi còi dài, báo hiệu thời khắc lịch sử Thủ đô được giải phóng, tiếp quản hoàn toàn.
Đây chính là những đường đi của Sư đoàn 308 trong ngày 10/10 lịch sử. Những địa điểm gắn liền với thời khắc Thủ đô được giải phóng dù đã có nhiều thay đổi nhưng ký ức hào hùng vẫn luôn hiện hữu, gần gũi với những người dân đang sống và làm việc tại Thủ đô.