Nhà báo Hồ Quang Lợi: "Nêu cao đạo đức nghề nghiệp chính là đạt tới giá trị nhân văn của báo chí"
Gia đình Việt Nam mới đây đã có cuộc trao đổi với Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam về phát huy tính nhân văn, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa báo chí, đổi mới sáng tạo, đa dạng loại hình báo chí trong thời đại công nghệ số.
- Thưa nhà báo Hồ Quang Lợi, trải qua chặng đường 99 năm phát triển và trưởng thành (21/6/1925 - 21/6/2024), Báo chí cách mạng Việt Nam luôn là lực lượng tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Báo chí có vai trò như thế nào trong việc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay?
- Nhà báo Hồ Quang Lợi: Chúng ta đang có một nền báo chí cách mạng 99 năm (từ 21/6/1925 - 21/6/2024) trải qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc. Kể từ khi chúng ta chưa có chính quyền cho đến khi giành được chính quyền, đất nước đã kinh qua các cuộc kháng chiến vô cùng khốc liệt, trong suốt chiều dài lịch sử đó, luôn có sự tham gia rất đáng tự hào của những người làm báo.
Trong giai đoạn hiện nay, báo chí cách mạng Việt Nam vẫn luôn đồng hành cùng đất nước và dân tộc, là lực lượng tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, không ngừng trưởng thành vững mạnh về mọi mặt, đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Có thể khẳng định trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào thì đội ngũ những người làm báo cách mạng cũng ở tuyến đầu của đất nước. Chúng ta có đội ngũ những người làm báo giàu tinh thần cống hiến và họ có những đóng góp rất đáng tự hào để xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, giàu tính nhân văn. Thời kỳ nào cũng có những người làm báo tài năng và mẫu mực.
- Thưa ông, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và các nền tảng mạng xã hội đã có tác động mạnh mẽ tới hoạt động báo chí, truyền thông cũng như tác động trực tiếp đến các sản phẩm báo chí. Các cơ quan báo chí phải làm gì để đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao và đa dạng của công chúng?
- Nhà báo Hồ Quang Lợi: Có thể thấy, đặc tính rất cơ bản của mạng xã hội là tốc độ siêu nhanh và sự kết nối không giới hạn. Trong thời đại công nghệ số, xã hội nói chung và báo chí nói riêng đang chịu tác động rất lớn, cơ hội luôn đi cùng thách thức.
Nổi lên những vấn đề sau:
- Thứ nhất: Áp dụng công nghệ vào việc nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí.
- Thứ hai: Trình độ chuyên môn và chất lượng nguồn nhân lực báo chí.
- Thứ ba: Tự chủ tài chính của các cơ quan báo chí gắn với chuyển đổi số.
- Thứ tư: Đạo đức báo chí và xây dựng văn hoá báo chí trong thời đại công nghệ số.
Có một vấn đề lớn được đặt ra là giải quyết nội dung và công nghệ như thế nào trong thời đại công nghệ số. Tôi cho rằng, đối với báo chí, công nghệ không phải là chìa khoá vạn năng, là “chiếc đũa thần” để giải quyết toàn bộ mọi vấn đề của báo chí. Cho nên, trong khi chúng ta chú trọng đến công nghệ thì phải hiểu rằng nội dung là "trái tim" của báo chí. Có người nói rằng nội dung là "vua" và công nghệ là "nữ hoàng" và khi kết hợp đầy đủ được với nhau sẽ tạo nên sức mạnh rất lớn và đem lại hiệu quả vượt trội cho báo chí.
Nội dung và công nghệ phải gắn kết chặt chẽ với nhau chứ không phải là làm nội dung xong rồi đưa lên các nền tảng số. Nội dung và công nghệ phải gắn với nhau trong suốt quá trình sáng tạo tác phẩm báo chí. Nghĩa là khi sáng tạo nội dung thì phải ứng dụng công nghệ luôn trong suốt quá trình đó.
- Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đưa ra định hướng, quan điểm rõ ràng là: "Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại". Vậy cần làm gì để phát huy hơn nữa tính nhân văn của báo chí, góp phần xây dựng và định hướng xã hội đến những giá trị văn hoá tốt đẹp, thưa ông?
- Nhà báo Hồ Quang Lợi: Gần đây, chúng ta nói nhiều đến “làm báo tử tế”. Vậy thế nào được gọi là làm báo tử tế ? Tôi cho rằng, để làm báo tử tế phải có hai khía cạnh cần hiểu đúng:
- Thứ nhất: Người làm báo phải giỏi nghề, tức là có trình độ cao, tinh thông nghiệp vụ, quy trình tác nghiệp phải khoa học. Vì có trình độ nên người làm báo có thể sáng tạo ra những tác phẩm báo chí có chất lượng.
- Thứ hai: Đạo đức nghề báo. Có thể nói, bất cứ lĩnh vực nào cũng cần nêu cao đạo đức nghề nghiệp, nhưng báo chí là một lĩnh vực rất đặc thù. Khi tác phẩm báo chí được đưa ra có thể tác động ngay lập tức đến tâm lý, nhận thức của công chúng trong xã hội.
Như vậy, tác phẩm báo chí có thể tác động rất tích cực hoặc thậm chí tạo ra những hệ luỵ rất tiêu cực. Vì vai trò đặc biệt như vậy nên trách nhiệm, bổn phận của người làm báo rất lớn. Đạo đức nghề nghiệp luôn phải đặt lên hàng đầu.
Khi người làm báo vừa giỏi về nghiệp vụ vừa nêu cao đạo đức nghề nghiệp thì tôi nghĩ rằng đấy chính là lúc đạt tới giá trị nhân văn của báo chí. Thực ra, xét cho cùng thì làm báo tử tế và nhân văn là một, bởi đây chính là sự hoà quyện vào nhau.
- Để xây dựng một nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, cá nhân mỗi người làm báo trong giai đoạn hiện nay cần phải trang bị cho mình những gì, thưa ông?
- Nhà báo Hồ Quang Lợi: Tôi cho rằng để đáp ứng được yêu cầu trong thời đại công nghệ số này, người làm báo cần phải có 3 yếu tố rất quan trọng.
- Thứ nhất là bản lĩnh chính trị: Dù thuộc cơ quan báo chí nào thì người làm báo đều phải nhận thức được vai trò và trách nhiệm chính trị của mình. Tuy nhiên, không thể hiểu bản lĩnh chính trị một cách cứng nhắc mà đó chính là thái độ của người làm báo trước những vấn đề của cuộc sống.
Đó là thái độ đúng mực, có trách nhiệm với các vấn đề của xã hội chứ không phải cái gì đó quá xa vời. Khi đứng trước những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống thì bản thân nhà báo có lùi bước trước cái xấu, cái tiêu cực không, có dám đứng lên đấu tranh báo vệ cái tốt đẹp, cái đúng không.
- Thứ hai là phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao. Nội dung tốt chưa đủ mà cần phải sử dụng hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ vào tác phẩm báo chí của mình. Nội dung và công nghệ hoà quyện vào với nhau trong tác phẩm báo chí.
- Thứ ba chính là đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Đây chính là vấn đề rất quan trọng bởi đây được xác định là thước đo xem người làm báo có chính trực, khách quan, công tâm không; có sẵn sàng bảo vệ công lý và lẽ phải không? Đạo đức chính là vấn đề cốt lõi của báo chí vì một khi chúng ta xa rời những nguyên tắc đạo đức thì báo chí sẽ chệch hướng, làm lung lay các giá trị tinh thần, giá trị nhân văn của xã hội.
Tính chính trực, nhân văn là cốt lõi của đạo đức người làm báo. Phải dũng cảm đấu tranh, không lùi bước trước cái ác, cái xấu và sẵn sàng đứng lên bảo vệ những điều tốt đẹp, thiện lành để công chúng có niềm tin vào công lý, vào chính nghĩa, vào lẽ phải, vào những điều tử tế.
- Xin cảm ơn ông!