Nhà báo trẻ 4.0: Thay đổi mạnh mẽ nhưng vẫn giữ lửa báo chí cách mạng
Sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đòi hỏi lực lượng nhà báo trẻ thường xuyên chú trọng nâng cao năng lực nghiệp vụ, đồng thời nâng cao bản lĩnh chính trị nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vừa tạo ra cơ hội lớn cho báo chí đồng thười cũng tạo ra những thách thức lớn trong lịch sử phát triển loại hình này. Sự tích hợp và giao thoa giữa các thành tựu công nghệ số, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn đang tạo ra một xã hội số trong đó thông tin sẽ trở thành yếu tố trung tâm quyết định sự biến đổi trong lĩnh vực báo chí, truyền thông. Để tiếp tục phát triển, giữ được lửa của báo chí cách mạng, các nhà báo trẻ 4.0 đang phải tiếp tục thay đổi mạnh mẽ.
Chia sẻ về việc các nhà báo trẻ phải thay đổi để thích ứng, phóng viên Ngọc Nga (Báo Pháp luật Việt Nam) cho rằng, cũng như bất kỳ công việc lao động chân chính nào, công việc của những người làm báo đã tạo nên những sản phẩm thông tin có giá trị đối với đời sống xã hội. Sự lao động chăm chỉ, nghiêm túc của đội ngũ những người làm báo đã góp phần làm nên một nền báo chí với thực tiễn sinh động, ngày càng hướng tới sự “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.
Theo chị Ngọc Nga, cuộc cách mạng 4.0 đã và đang tạo ra sự thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ trong toàn bộ hoạt động báo chí của nước ta hiện nay. Giữa môi trường truyền thông mở, đội ngũ phóng viên báo chí được thỏa sức sáng tạo ra những sản phầm truyền thông mới, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Những sản phẩm báo chí đa phương tiện ra đời, với các kiểu bài như: infographics, mega story, e-magazine, long-form,… đã không còn xa lạ với độc giả, tạo nên những món ăn tinh thần mới mẻ, khác với những bài báo chỉ gồm chữ viết và ảnh minh họa đơn thuần.
“Những cơ hội tuyệt vời để sáng tạo đó đồng nghĩa với việc đặt đội ngũ những người làm báo, đặc biệt những người trẻ trước thách thức không nhỏ trong việc trau dồi kỹ năng, cập nhật công nghệ và phải luôn tự làm mới những tác phẩm của mình. Sự cạnh tranh giữa các loại hình truyền thông, đặc biệt là các sản phầm truyền thông mới vừa “làm khó” nhưng cũng vừa là động lực để những người làm báo trẻ bắt kịp xu hướng phát triển của thời đại”, chị Ngọc Nga bày tỏ.
Nói về việc tiếp tục giữ lửa báo chí cách mạng trong thời kì 4.0, phóng viên Nguyễn Sĩ Đại - Báo Đại Đoàn Kết chia sẻ: “Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, thời đại thiết bị di động và công nghệ ngày càng được hiện đại hóa, mạng xã hội trở nên phổ biến và được sử dụng rộng rãi. Điều này đã đặt ra cho báo chí Việt Nam cùng với đội ngũ những nhà báo trẻ nhiều thời cơ và cả những thách thức, đặc biệt là những nhà báo trẻ có đầy đủ tố chất, năng lực làm chủ tri thức và ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động báo chí truyền thông.”
“Học tập và noi gương những thế hệ làm báo đi trước, đội ngũ nhà báo trẻ hôm nay luôn có ý thức học hỏi và trau dồi để vừa giữ được “lửa nghề” vừa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của độc giả và những thách thức mới của thời đại. Đó là thời đại gắn liền với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, thời đại của sự bùng nổ của thông tin mà nếu không vững vàng, bản lĩnh, người làm báo có thể bị tụt hậu hoặc thậm chí đánh mất chính mình”, anh Nguyễn Sĩ Đại nhấn mạnh.
Nhiều nhà báo cũng thừa nhận rằng, trong thời đại 4.0, công nghệ rất quan trọng nhưng không phải là linh hồn của các tác phẩm báo chí. Trong quá trình phát triển của công nghệ ngày nay, tâm thế, trách nhiệm, đạo đức của nhà báo là quan trọng nhất. Bởi nền tảng công nghệ chỉ là phương tiện để truyền tải nội dung, nhận thức tới công chúng. Điều quan trọng ở đây là bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
Điều này đồng nghĩa với việc, đội ngũ những người làm báo trẻ hiện nay bên cạnh việc thường xuyên chú trọng bồi dưỡng về năng lực chuyên môn nghiệp vụ thì việc giữ gìn, rèn luyện phẩm chất đạo đức và đặc biệt là nâng cao bản lĩnh chính trị là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Bởi hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Thách thức trong việc nhận diện, đấu tranh với thông tin bịa đặt, xấu độc, thách thức trong việc vượt qua bản thân khỏi yếu tố tác động bên ngoài để có những tác phẩm có “tâm”, có “tầm” thể hiện rõ trách nhiệm xã hội của nhà báo.
Báo chí chính thống đang được đánh giá rất cao, ý thức và bản lĩnh chính trị của nhà báo đã góp phần không nhỏ tạo nên thành công này. Bên cạnh việc tuyên truyền, phản ánh thực tiễn sinh động của đời sống, những người làm báo đã không quản khó khăn, hiểm nguy, có mặt ở những điểm nóng về dịch bệnh; phản ánh kịp thời, minh bạch, những vi phạm, bất cập, những nơi làm chưa tốt, chưa đúng…; hoặc biểu dương những cách làm hay, những gương làm tốt để góp phần lan tỏa những điều tích cực trong cuộc sống.
Nhìn lại chặng đường lịch sử 99 năm (21/6/1025 - 21/6/2024), nền
báo chí cách mạng Việt Nam đã luôn sát cánh cùng những bước thăng trầm của đất
nước trong mọi giai đoạn. Báo chí đã luôn cho thấy tinh thần chiến đấu, mà ở đó
“Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc
bén của họ” - như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định. Trước rất nhiều cơ hội
và thách thức của thời đại 4.0, “đam mê”, “bản lĩnh” và “trách nhiệm” được coi
là những chìa khóa giúp những người làm báo hiện nay giữ được “lửa nghề” và “đứng
vững”, tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ người làm báo đi trước.