Cựu chiến binh trồng cây nông nghiệp thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm
Ông Nguyễn Văn Chà, sinh năm 1963, ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau tuy mang trong mình những vết thương chiến tranh nhưng đã vươn lên trở thành hộ đi đầu trong phát triển kinh tế.
Sau những năm tháng tham gia chiến trường Campuchia, ông Nguyễn Văn Chà trở về quê hương với một phần xương máu bỏ lại chiến trường và được công nhận là thương binh hạng 2/4, bắt đầu bước vào cuộc sống mới.
Nhớ lại những ngày tháng hào hùng, ông Nguyễn Văn Chà cho biết, trong khoảng thời gian từ tháng 2/1985 đến tháng 6/1987, trong một lần hành quân, ông không may trúng mìn mất một chân và mang nhiều vết thương khác trên cơ thể.
Trở về nhà, sau 3 lần điều trị, ông trở thành người tàn tật với tỷ lệ lên tới gần 80%. Thời điểm đó, ông phải đối mặt với nhiều khó khăn do gia đình nghèo khó, bản thân mất đi một phần cơ thể, mọi sinh hoạt hàng ngày đều trở thành thử thách. Đặc biệt, việc lập gia đình của ông cũng gặp không ít trở ngại do cô gái nào cũng sợ ông trở thành gánh nặng.
Ông Nguyễn Văn Chà nhớ lại: “Khi tôi trở về quê và tìm vợ không ai chịu gả. Cuối cùng, có một cô gái cùng quê, tên là Nguyễn Thị Hương đã chấp nhận tôi. Chúng tôi tổ chức đám cưới vào năm 1990. Đến năm 1991, do cuộc sống quá khó khăn, vợ chồng tôi quyết định rời xa quê hương để lập nghiệp tại vùng đất mới ấp 10, xã Nguyễn Phích, nơi chúng tôi đã bắt đầu xây dựng cuộc sống cho đến hôm nay.”
Thời điểm đó gia đình ông Chà được nhà nước cấp cho 7 héc-ta đất để sản xuất, trong đó, 5 héc-ta trồng rừng và 2 héc-ta sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do vùng đất này bị hoang hóa và nhiễm phèn nặng, việc canh tác nông nghiệp trở nên vô cùng khó khăn.
Rồi hai đứa con ông lần lượt ra đời lại thường xuyên ốm đau, bản thân ông phải chịu đựng những cơn đau do vết thương cũ hành hạ khiến cuộc sống gia đình như rơi vào vòng luẩn quẩn.
“Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ rằng "Thương binh tàn nhưng không phế", vợ chồng tôi quyết tâm vượt qua thử thách để xây dựng cuộc sống tại vùng đất mới. Hàng ngày, tôi đi phát cỏ thuê, trong khi vợ tôi cấy lúa. Tối đến, cả hai cùng đi cắm câu để kiếm thêm thu nhập trang trải cho gia đình.
Chúng tôi tận dụng những khoảng đất trống quanh nhà để trồng hoa màu, cây ăn trái, nuôi gà, vịt, heo và mở thêm một tiệm buôn nhỏ. Những vùng đất trống ven bờ bao được dùng trồng chuối. Nhờ chịu khó, mỗi năm sau khi trừ chi phí, vợ chồng tôi còn lãi từ 120 đến 150 triệu đồng.” ông Nguyễn Văn Chà cho biết.
Những năm gần đây, vợ chồng ông Chà tận dụng những khoảng đất trống ven bờ bao lâm phần để trồng tre lấy măng. Hiện tại, ông đã phát triển hơn 100 gốc tre, mang lại thu nhập trung bình hơn 50 triệu đồng mỗi năm từ việc bán măng. Ngoài ra, ông khai thác diện tích rừng tràm và thu về hơn 300 triệu đồng. Sau khi khai thác, ông đã cải tạo đất và trồng lại keo lai, dự kiến sẽ mang lại cho gia đình hàng trăm triệu đồng trong vài năm tới.
Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, vợ chồng ông Chà còn tận tâm nuôi dạy con cái, đảm bảo cho các em được học hành đầy đủ. Hiện tại, hai người con của ông, một trai, một gái đều đã lập gia đình và có cuộc sống ổn định. Nhờ sự hỗ trợ của nhà nước và những khoản tiền mà vợ chồng ông tích lũy được, gia đình ông Chà đã xây dựng được một căn nhà khang trang, trị giá hàng trăm triệu đồng.
Khi được hỏi về bí quyết vượt qua khó khăn và phát triển kinh tế gia đình như hiện tại, ông Chà cười hiền và cho biết tất cả đều nhờ vào sự ủng hộ và động viên của vợ. Chính tình yêu thương và sự sẻ chia khó khăn của bà Hương đã trở thành động lực lớn lao giúp ông vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống. Một phần để chứng minh với mọi người rằng “thương binh tàn nhưng không phế”, phần khác là để đáp lại tình yêu thương và sự tin tưởng mà bà Hương đã dành cho ông trong suốt những năm qua.
Ông Hồ Minh Quyền, Chi Hội Trưởng Hội Cựu Chiến Binh ấp 10, xã Nguyễn Phích, nhận xét: “Đồng chí Nguyễn Văn Chà là một tấm gương chịu thương chịu khó. Dù không được lành lặn như nhiều đồng chí khác, nhưng mọi việc mà người khác làm được, đồng chí đều có thể thực hiện, thậm chí còn làm tốt hơn. Từ một gia đình nghèo khó, giờ đây gia đình đồng chí đã vươn lên thành một trong những hộ khá giả. Gia đình ông luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đồng thời tích cực tham gia các phong trào cách mạng tại địa phương, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới.”
Nhờ những đóng góp tích cực trong nhiều năm qua, ông Chà đã nhận được nhiều giấy khen và bằng khen từ các cấp, ngành. Đặc biệt, vào năm 2022, ông Chà được UBND tỉnh Cà Mau tặng Bằng khen về tấm gương tiêu biểu trong học tập, lao động sản xuất, vượt khó khăn và vươn lên trong cuộc sống giai đoạn 2017 - 2022.
Tháng 7 vừa qua, ông Chà còn vinh dự là 1 trong 4 người có công của tỉnh Cà Mau được chọn tham dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2024 tại Thủ đô Hà Nội.
- Tin liên quan
- • Người thương binh già từng 2 lần mang bút sắt vào chiến trường làm họa sĩ
- • Thương binh Trần Đình Tân: Người lính chiến trường Quảng Trị giỏi làm kinh tế
- • Lạc nhau nửa đời, người thương binh già vỡ òa gặp lại cô bác sĩ chiến trường
- • Thương binh "tàn nhưng không phế", vươn lên làm giàu từ nghề nuôi rắn hổ mang