Thương binh "tàn nhưng không phế", vươn lên làm giàu từ nghề nuôi rắn hổ mang
Trở về sau chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc với vết thương nặng ở đùi và hông, thương binh Hà Văn Giảng luôn tâm niệm "tàn nhưng không phế" và vươn lên để thoát nghèo, nuôi các con ăn học nên người.
Ông Hà Văn Giảng sinh năm 1958 tại Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Năm 1977, khi mới 19 tuổi, ông tòng quân, làm lính Sư đoàn 345 đóng quân bảo vệ biên giới phía Bắc.
Trong trận kịch chiến bảo vệ biên giới tại Mường Khương (Lào Cai) ngày 21/2/1979, ông Giảng đã bị thương vào đùi và hông đến nay vẫn còn mảnh đạn trong người chưa mổ gắp ra được. Vì thế mỗi khi trái gió trở trời những cơn đau nhức lại hành hạ ông.
Rời quân ngũ về quê tháng 11/1980, ông Hà Văn Giảng được xếp thương binh hạng 3/4. Ông cùng vợ bươn chải nuôi 6 đứa con, trong đó 4 con gái đầu và 2 con trai sinh đôi.
Thương bình Hà Văn Giảng tại khu vực nuôi rắn hổ mang thương phẩm của gia đình.
Nhà đông con, lại là trụ cột chính trong gia đình nếu chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng thì không thể đủ nuôi các con đang độ tuổi ăn học nên cuộc sống của gia đình ông Giảng gặp rất nhiều khó khăn.
Không đầu hàng trước hoàn cảnh, với quyết tâm và nỗ lực của mình, từ năm 1993, ông Giảng cùng gia đình quyết định chuyển sang nghề nuôi rắn hổ mang thương phẩm. Cuộc sống vì thế cũng khấm khá dần.
Ông Giảng cho biết, những năm được mùa được giá như năm 2018 ông và những người nuôi rắn có thể bán được giá 80.000 đồng/quả trứng rắn hổ mang. Rắn hổ mang sống loại từ 1,8 đến 3 kg/con cũng có giá tới 500.000 đồng/kg. Với giá bán như thế người nuôi rắn có lãi lớn.
Từ nghề nuôi rắn hổ mang, vợ chồng thương binh Hà Văn Giảng trở nên khá giả, xây dựng nhà cửa khang trang đồng thời nuôi 6 người con ăn học nên người và trở thành tấm gương “tàn nhưng không phế” cho nhiều hộ dân tại Vĩnh Sơn.
Một con rắn hổ mang cái đẻ một năm một ổ bình quân 20 trứng.
Hiện tại, gia đình ông Giảng nuôi gần 1.000 con rắn hổ mang tại 7 tầng bê tông ngay trong khuôn viên nhà với 2 loại sản phẩm là trứng và rắn thương phẩm.
Lợi nhuận từ rắn tăng cao, gia đình ông Giảng vài năm gần đây chuyển sang nuôi rắn hổ mang sinh sản, chủ yếu bán trứng giống. Một con rắn hổ mang cái đẻ một năm một ổ bình quân 20 trứng mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Tuy nhiên, 2 năm trở lai đây do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, giá thành trứng rắn và rắn hổ mang giảm mạnh nên có đôi chút ảnh hưởng đến kinh tế của nhiều hộ chăn nuôi trong xã.
Ông Giảng là tấm gương sáng cho nhiều hộ dân trong xã khi vượt khó vươn lên làm giàu.
Bên cạnh bán trứng rắn giống, thương binh Hà Văn Giảng còn bao tiêu sản phẩm bằng cách gom trứng rắn và rắn hổ mang thịt của các hộ nuôi để xuất khẩu.
Để có đủ nguồn trứng rắn và rắn thương phẩm cung ứng cho khách hàng, ông Quảng đã hỗ trợ, hướng dẫn phát triển nuôi rắn sang các xã lân cận như Đại Đồng, Tân Tiến, Yên Lập và một số xã ở các huyện Lập Thạch, Sông Lô và sang cả xã Tứ Xã (Lâm Thao – Phú Thọ), tạo thành những cơ sở cung cấp trứng và rắn hổ mang thương phẩm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
"Những người nuôi rắn ở Vĩnh Sơn mong muốn tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp vào đầu tư các cơ sở chế biến rắn thương phẩm trên địa bàn để sản phẩm rắn có đầu ra ổn định. Đồng thời giúp hình thành tuyến, điểm du lịch làng nghề nuôi rắn Vĩnh Sơn thu hút du khách gần xa để vừa phát triển dịch vụ, vừa giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm từ rắn, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập làng nghề", ông Giảng bày tỏ..