Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc
Với chủ đề "Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc", Ngày Dân số Việt Nam (26/12) năm nay không chỉ tôn vinh những thành tựu đáng tự hào trong lĩnh vực dân số và phát triển, mà còn nhấn mạnh những thách thức mà Việt Nam đang đối mặt như tốc độ già hóa dân số, bất bình đẳng giới và chất lượng cuộc sống.
Tháng 12 hằng năm được chọn là “Tháng hành động quốc gia về dân số”. Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam (26/12) năm 2024 có chủ đề “Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc”.
Năm 2024, công tác dân số bước sang năm thứ 5 thực hiện Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030. Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về dân số và phát triển được đẩy mạnh. Kết quả này đã góp phần quan trọng trong bảo vệ chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Những thành tựu trong lĩnh vực dân số và phát triển
Trong nhiều thập kỷ qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến công tác dân số và luôn có sự điều chỉnh chính sách để phù hợp với bối cảnh thế giới và tình hình thực tế của đất nước. Cùng với đó, Việt Nam cũng đã áp dụng nhiều phương pháp sáng tạo để giải quyết tình trạng bất bình đẳng, thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng và các nhóm dân cư.
Nhờ đó, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực dân số và phát triển.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2023, quy mô dân số của Việt Nam là khoảng 104 triệu dân. Việt Nam là quốc gia thứ 15 trên thế giới và thứ 3 ở Đông Nam Á có dân số trên 100 triệu người. Tốc độ tăng dân số ở Việt Nam là 0,84%. Số lượng và tỷ trọng dân số ở độ tuổi lao động chiếm gần 70%, trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng.
Chất lượng dân số được cải thiện toàn diện, tuổi thọ trung bình tăng nhanh, từ 65,5 tuổi năm 1993, lên 74,5 tuổi năm 2023, cao hơn nhiều quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.
Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và tổng tỷ suất sinh (TFR) được duy trì ở mức 2,0-2,1 con/phụ nữ trong suốt thời gian qua. Cơ cấu dân số đã chuyển dịch tích cực, với lực lượng lao động trong độ tuổi gia tăng mạnh mẽ, từ 56,1% năm 1989 lên 67,5% năm 2023.
Trong những năm qua, tốc độ gia tăng dân số ở Việt Nam đã được khống chế thành công, tỷ lệ tăng dân số hằng năm giảm từ 1,7% giai đoạn 1989-1999 xuống còn 1,14% giai đoạn 2009-2019.
Tình trạng suy dinh dưỡng và tỷ lệ tử vong ở bà mẹ, trẻ em đã giảm mạnh. Tầm vóc và thể lực của người Việt Nam cũng được cải thiện đáng kể. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2022 đạt 0,726, thuộc nhóm các nước có trình độ phát triển con người ở mức cao.
Việt Nam bước vào thời kỳ "dân số vàng" từ năm 2007, tạo cơ hội để tăng đầu tư cho an sinh xã hội, y tế, giáo dục, việc làm. Cùng với đó, phân bố dân số đã có sự hợp lý hơn, gắn với đô thị hoá và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tỷ lệ dân số đô thị đã tăng từ 20% năm 1993, lên 38,1% năm 2020.
Những thành tựu này không chỉ là kết quả của các chính sách dân số hiệu quả mà còn là minh chứng cho sự quyết tâm, nỗ lực không ngừng của các cấp, ngành, toàn thể nhân dân trong xây dựng xã hội phát triển bền vững và công bằng.
Thách thức già hóa dân số
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu nhưng công tác dân số hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tác động trực tiếp đến đời sống, xã hội và sự phát triển bền vững của Việt Nam trong hiện tại và tương lai.
Việc duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc chưa thật sự bền vững, xuất hiện xu thế mức sinh xuống thấp (năm 2023 ước tính là 1,96 con/phụ nữ, thấp nhất trong lịch sử và dự báo tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo).
Mặc dù đang trong giai đoạn "dân số vàng" nhưng Việt Nam cũng đồng thời đối mặt với tốc độ già hóa dân số nhanh. Năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.
Năm 2023, dân số Việt Nam đạt trên 104 triệu người, trong đó có khoảng 16 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm khoảng 16% dân số. Dự báo, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2036 và là xã hội siêu già vào năm 2049.
Già hóa dân số sẽ đặt ra những cơ hội và thách thức về mặt kinh tế - xã hội. Đó là thách thức về cơ cấu lực lượng lao động và các biến đổi kinh tế - xã hội liên quan đến nguồn cung lao động và sử dụng lao động người cao tuổi.
Trong khi đó hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi. Bệnh viện, các chuyên khoa về lão khoa và hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu ở các cấp chưa bắt kịp với nhu cầu của người cao tuổi.
Hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng dân số
Để khắc phục những hạn chế trong công tác dân số, việc đẩy mạnh các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản, chú trọng tổ chức khám và tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân là vô cùng cấp thiết.
Các chương trình tuyên truyền cần tập trung khuyến khích sinh đủ hai con, thúc đẩy bình đẳng giới, xóa bỏ tư tưởng lựa chọn giới tính thai nhi, đồng thời nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình và xã hội.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc phổ biến pháp luật, kết hợp tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm các bệnh lý trước sinh, sơ sinh, nhằm tạo sự đồng thuận trong cộng đồng và giảm thiểu các vấn đề liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết.
Đối với người cao tuổi, cần coi đây là nguồn lực, trên cơ sở tôn trọng quyền chứ không phải là gánh nặng trong quá trình phát triển bền vững… Cần khai thác, tận dụng tối đa cơ hội, giảm thiểu các thách thức do tình trạng già hóa dân số đem lại trong phát triển bền vững đất nước thông qua bố trí công việc phù hợp với điều kiện chuyên môn, sức khỏe để người cao tuổi phát huy hết khả năng, truyền lại các kiến thức, kinh nghiệm quản lý, sản xuất cho thế hệ sau... Đồng thời, chú trọng khám sức khỏe định kỳ cho đối tượng người cao tuổi để phát hiện, quản lý, điều trị bệnh kịp thời, tăng số năm sống khỏe mạnh.