Sản phụ tuần 32 bị tiền sản giật nặng, vỡ òa niềm vui làm mẹ
Phát hiện tiền sản giật nặng từ tuần thai thứ 32, thai phụ được theo dõi sát sao và điều trị liên tục với phác đồ cá nhân hóa. Sau 4 tuần chạy đua để kiểm soát từng chỉ số sức khỏe, sản phụ đã “về đích” an toàn, mẹ tròn con vuông.
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc, trong gần 8 tháng của thai kỳ, chị Tạ Hoa Hồng Minh (Hà Nội) chỉ thực hiện khám thai tại một phòng khám gần nhà.
Trong quá trình thăm khám lại ở tuần thứ 32, bác sĩ nhận thấy huyết áp của chị Minh cao bất thường, dao động từ 160 - 170/100mmHg, có thời điểm lên tới 180mmHg nên lập tức chỉ định thực hiện các xét nghiệm liên quan. Kết quả phát hiện có protein niệu, kèm phù toàn thân - những dấu hiệu điển hình của tiền sản giật nặng.
Bác sĩ Vũ Thị Hương, Khoa Sản Phụ khoa - BVĐK Hồng Ngọc cho biết: “Tiền sản giật có thể được phát hiện sớm thông qua 1 vài chỉ số cơ bản. Tuy nhiên do thai phụ không được kiểm tra cũng như điều trị sớm nên huyết áp cao và phù nặng”.
Bác sĩ Hương nhấn mạnh, nếu không được kiểm soát, tiền sản giật sẽ dẫn đến nguy cơ sinh non, sản giật, nhau bong non, thai chết lưu, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng người mẹ.

Ngay khi xác định tình trạng bệnh, các bác sĩ đã trao đổi với thai phụ và người nhà, chỉ định nhập viện điều trị nội trú cấp tốc để kiểm soát huyết áp và theo dõi sát sao diễn tiến của thai kỳ.
Trong những ngày đầu, việc điều trị gặp nhiều khó khăn do sức khỏe của mẹ rất yếu, huyết áp cao liên tục nhưng không thể sử dụng thuốc hạ áp liều thấp thông thường.
Với mục tiêu giữ thai thêm từng ngày để tăng cơ hội sống sót cho bé và đảm bảo an toàn cho mẹ, các bác sĩ đã xây dựng phác đồ điều trị cá nhân hóa, điều chỉnh thuốc hạ áp theo từng chỉ số cụ thể, tăng liều từng bước nhỏ dựa trên mức độ đáp ứng thực tế.
Đặc biệt, trong một số thời điểm nguy cấp, chị Minh phải sử dụng thuốc truyền tĩnh mạch kiểm soát huyết áp khẩn cấp, sau đó lại quay về phác đồ điều trị duy trì. Toàn bộ quá trình được theo dõi sát sao, thai phụ được đo huyết áp liên tục cách 3 tiếng/lần, siêu âm Doppler động mạch tử cung và đo monitoring liên tục.
Không chỉ điều trị nội khoa, bệnh viện cũng triển khai kế hoạch chăm sóc toàn diện hỗ trợ mẹ giữ sức khỏe. Đồng thời, đội ngũ y tế luôn đồng hành, động viên tinh thần để mẹ vững vàng hơn trong suốt hành trình giữ thai.
Song song với đó, thai nhi cũng được tiêm trưởng thành phổi sớm để chuẩn bị sẵn sàng nếu phải mổ khẩn cấp. Ngoài ra, ê - kíp bác sĩ còn lên sẵn phương án mổ bắt con, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực và các phương án xử lý tất cả nguy cơ đảm bảo sẵn sàng can thiệp nhanh và an toàn nhất cho cả mẹ và em bé.

Với sự phối hợp chặt chẽ giữa bệnh viện và gia đình, các triệu chứng của thai phụ dần được kiểm soát về mức ổn định, huyết áp giảm dần, protein niệu cải thiện, tình trạng phù giảm đáng kể. Đến tuần thứ 36, các bác sĩ quyết định cho em bé chào đời.
Trong khoảnh khắc đón con khỏe mạnh, chị Minh không giấu được xúc động: “Tôi chỉ biết nói lời cảm ơn đến các bác sĩ Hồng Ngọc đã hết mình đồng hành cùng 2 mẹ con, là chỗ dựa vững chắc để tôi tin tưởng giữ thai đến ngày cuối cùng”.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ mỗi phút trôi qua có 19 thai phụ trên toàn cầu mắc tiền sản giật, đây cũng là nguyên nhân chính của hơn 2,6 triệu ca sinh non mỗi năm.
Là một biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ, tiền sản giật thường xuất hiện từ sau tuần thai thứ 20 với triệu chứng điển hình: tăng huyết áp, có protein niệu, phù, tăng men gan,… Nếu không phát hiện sớm, tiền sản giật có thể diễn tiến nhanh chóng thành sản giật - gây co giật, hôn mê, đe dọa trực tiếp tính mạng mẹ và bé.
Các chuyên gia khuyến cáo thai phụ nên thực hiện sàng lọc tiền sản giật từ tuần thai 11 đến 13 tuần 6 ngày, kết hợp đo huyết áp, siêu âm và xét nghiệm sinh hóa để chủ động quản lý nguy cơ. Việc tiên lượng sớm nguy cơ tiền sản giật giúp bác sĩ lên phác đồ dự phòng ngay từ đầu thai kỳ để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.