Mở cửa sổ cũng cần quan tâm tới phong thủy
Theo phong thủy, trong căn nhà, những nơi cần giao tiếp và thay đổi thường xuyên nên có nhiều cửa sổ. Ví dụ như phòng khách, chỗ bán hàng, phòng ăn hay sinh hoạt gia đình.
Cửa sổ trong phong thủy
Phong thủy không quy định bắt buộc về số lượng cửa trong mỗi nhà, mỗi gian phòng. Điều cốt yếu là sự tương quan giữa hệ thống cửa sổ, cửa đi với toàn thể không gian sử dụng.
Nhà quá ít cửa sổ thì mang tính hướng nội, khép kín và tách biệt với ngoại cảnh. Ngược lại, nhà nhiều cửa sổ hay mở những mảng kính rộng thì tính hướng ngoại tăng, phù hợp với nơi tập trung đông người như phòng khách, làm cửa hàng, văn phòng kinh doanh… Do đó, phải căn cứ vào nhu cầu, mục đích sử dụng mà quy định số lượng, kích thước của cửa sổ.
Theo phong thủy, những nơi trong căn nhà chỗ cần giao tiếp và thay đổi thường xuyên nên có nhiều cửa sổ. Ví dụ như phòng khách, chỗ bán hàng, phòng ăn hay sinh hoạt gia đình (có thể khuất tầm nhìn từ ngoài vào nhưng phải hướng ra thiên nhiên).
Còn đối với không gian cần sự tĩnh lặng (Âm thịnh) và riêng tư như phòng ngủ, phòng làm việc, vệ sinh… thì chỉ nên bố trí cửa sổ kích thước vừa phải và chủ động điều chỉnh được ánh sáng và tránh gió lùa.
Nên mở cửa sổ như thế nào?
Làm cửa sổ là để mở ra, nó như đôi mắt không thể nhắm suốt hoặc… bên nhắm bên mở. Muốn vậy, hướng mở cửa sổ rất quan trọng. Thứ nhất, cửa sổ phải được mở về hướng gió tốt như nam, đông nam, tây nam và hướng ánh sáng ổn định (bắc, nam). Có khi hướng cửa chính của nhà là tây nhưng cửa sổ có thể mở được ở hướng bắc – nam bên hông thì nên tận dụng.
Thứ hai, cửa sổ mở ra cần thu vào tầm nhìn, cảnh quan đẹp cho người sử dụng bên trong đồng thời lại tránh được người ngoài nhìn vào. Do đó không nên mở cửa sổ ở đầu giường hay thẳng cuối chân giường.
Tốt nhất là chếch góc để giường ngủ nằm trong vùng khuất sáng, vừa thuận lợi cho bố trí đồ đạc, vừa tránh hung khí tác động vào người nằm.
Thứ ba, khi cửa đi phải đóng thì cửa sổ chính là miệng đối lưu không khí hữu hiệu, vì thế nên chú ý bố trí thêm các cửa sổ trên cao. Loại cửa này có ưu điểm là thoát luồng khí sát trần, tránh khí quẩn, giảm tầm nhìn ngoài vào, và bổ sung thêm được ánh sáng từ trên cao.
Nếu các cửa sổ phòng mở đối diện thẳng hàng nhau, một dạng trực xung thì luồng gió vào phòng sẽ hút rất nhanh và khó bố trí vật dụng sinh hoạt ổn định. Khi đó, nên sắp xếp đồ nội thất theo cách che chắn, giấu đi sự bài trí “thẳng hàng”, có thể là một bức bình phong hay một bức mành, hoặc đặt thêm chậu cây và rèm cửa.
Hồng Hạnh