Lợi ích bất ngờ của việc thở dài
Thở dài không đơn thuần là dấu hiệu của sự mệt mỏi hay chán nản. Theo các chuyên gia, đó có thể là cách cơ thể giảm căng thẳng, làm chậm nhịp tim, điều hòa huyết áp, xoa dịu bản thân nhanh chóng trong các tình huống cụ thể.
Hầu như những những người thường xuyên thở dài đều ý thức được nhịp thở sâu của chính mình. Tuy nhiên, họ lại không thể kiểm soát được thời điểm phát ra nhịp thở ấy. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trung bình khoảng 1 giờ con người sẽ tạo ra khoảng 12 nhịp thở sâu và dài.
Từ lâu, nhiều người quan niệm thờ dài là "biểu tượng" của sự u sầu, thất vọng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng việc thở dài mang lại một số lợi ích sức khỏe nhất định.

Cải thiện hô hấp
Trung tâm điều khiển hô hấp nằm ở hành tủy trong não bộ, tự động điều chỉnh nhịp thở của chúng ta dựa trên các tín hiệu từ cảm biến về nồng độ carbon dioxide, oxy và độ pH trong máu. Nếu nhịp thở không đúng, cơ thể có thể phản ứng bằng một tiếng thở dài sâu để cân bằng lại.
Thở dài sâu, với nhịp hít vào sâu và thở ra dài hơn, giúp tăng diện tích bề mặt phổi, cải thiện trao đổi khí và loại bỏ carbon dioxide dư thừa hiệu quả hơn. Nó còn ngăn ngừa xẹp phế nang và khôi phục độ đàn hồi của phổi, đồng thời cân bằng lại nồng độ oxy và carbon dioxide khi cần thiết.
Trong khi đó, thường xuyên hít thở nhanh và nông, do căng thẳng, lo lắng hoặc thói quen xấu gây ra, làm tăng nồng độ carbon dioxide trong máu, dẫn đến tình trạng kiềm hóa máu, gây chóng mặt, choáng váng và ngứa ran tay chân.
Ngoài ra, thường xuyên hít thở nông, các cơ ở cổ, vai và ngực có thể phải làm việc quá sức để hỗ trợ việc hô hấp, dẫn đến đau nhức và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Giảm căng thẳng
David Spiegel, giáo sư tâm thần học và khoa học hành vi, giám đốc Trung tâm Căng thẳng và Sức khỏe (Mỹ) cho biết việc hít sâu, thở dài có tác dụng giảm căng thẳng. Để chứng minh, Spiegel và các đồng nghiệp đã so sánh ba kiểu hít thở gồm thở hộp, thời gấp và thở sâu.
Thở hộp yêu cầu người tập hít vào, giữ hơi trong lồng ngực và thở ra trong vòng 4 nhịp. Thở gấp theo chu kỳ đòi hỏi mọi người hít vào sâu và thở ra nhanh chóng, thời gian hít vào dài hơn nhiều so với thời gian thở ra.
Ở bài tập thở dài theo chu kỳ, người tập hít vào bằng mũi cho đến khi phổi đầy một nửa và tạm dừng một thời gian ngắn. Sau đó hít tiếp đến khi căng lồng ngực và thở ra bằng miệng, thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào.
Sau đó, nhóm nghiên cứu đánh giá tâm trạng, mức độ lo lắng, giấc ngủ, sự thay đổi về hô hấp, nhịp tim sau mỗi lần hít thở.
Nghiên cứu cho thấy giấc ngủ không bị ảnh hưởng. Các hình thức thở hộp và thờ dài đều giúp cải thiện tâm trạng, giảm lo lắng, đặc biệt, phương pháp thở dài theo chu kỳ tạo ra sự khác biệt lớn nhất.
"Thở dài theo chu kỳ là cách nhanh chóng để giúp bạn bình tĩnh lại. Mọi người có thể làm điều đó khoảng ba lần liên tiếp để giảm bớt lo lắng và căng thẳng ngay lập tức", giáo sư Spiegel nói.

Kích hoạt thần kinh giao cảm
Hít một hơi thật chậm, sâu, giữ lại rồi thở ra sẽ kích hoạt thần kinh đối giao cảm chịu trách nhiệm kiểm soát cơ thể nghỉ ngơi và tiêu hóa. Khi hít sâu thở dài, nhịp tim chậm lại, huyết áp điều hòa, tiêu hóa được cải thiện và tâm trí bắt đầu thư giãn. Hệ thần kinh này hoạt động như "chế độ lái tự động" của cơ thể, kiểm soát các chức năng sống còn mà chúng ta không cần ý thức điều khiển.
Ngược lại, thở mạnh vô tình gửi tín hiệu đến não bộ, báo hiệu sự nguy hiểm, kích hoạt phản ứng chiến đấu hoặc chạy trốn của cơ thể.
Tuy nhiên, thở dài khác với thở sâu chủ động. Thở dài thường là vô thức, với hơi thở ra dài hơn và tận dụng độ đàn hồi tự nhiên của phổi. Thở sâu chủ động, ngược lại, được kiểm soát bởi vỏ não, nhanh hơn và sử dụng chủ động các cơ hô hấp.
Trẻ hay thở dài có đáng lo ngại?
Đối với trẻ sơ sinh thì trung bình khoảng 50 - 100 nhịp thở sẽ có một lần thở dài. Trường hợp này là hoàn toàn bình thường nên bố mẹ cũng không cần quá lo lắng. Bởi việc thở dài này sẽ giúp trẻ điều chỉnh nhịp thở và cải thiện chức năng hoạt động của phổi, đặc biệt là khí quản.
Theo một nghiên cứu khoa học đã kiểm tra nồng độ oxy trong máu, nhịp tim và các yếu tố hô hấp khác được tiến hành trên khoảng 25 trẻ sơ sinh có sức đề kháng tốt. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thở dài là cách giúp cho hệ thần kinh điều khiển hoạt động của hệ hô hấp của trẻ. Điều này đồng nghĩa với việc, những trẻ sơ sinh có sức khỏe yếu thường sẽ hay thở dài hơn so với những trẻ sơ sinh khỏe mạnh khác.
Như vậy, nếu trẻ sơ sinh hay thở dài nhưng vẫn có thể duy trì nhịp hô hấp ổn định, sắc mặt hồng hào, bú khỏe, ngủ tốt thì bố mẹ có thể hoàn toàn yên tâm. Ngược lại, nếu thấy trẻ thường xuyên thở dài một cách khác thường đi kèm với một số dấu hiệu khác như nhịp thở khó khăn, bú kém, thần sắc nhợt nhạt, hay quấy khóc thì cần phải đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được kiểm tra tình trạng sức khỏe và có cách chữa trị kịp thời.