Kéo trẻ ra khỏi trầm cảm tuổi học đường: Cách duy nhất cha mẹ phải học yêu thương
Trầm cảm tuổi học đường hiện là căn bệnh đáng báo động được cả xã hội quan tâm bởi nó đang làm cho tỷ lệ học sinh tự tử ngày càng gia tăng. Các chuyên gia cho rằng không có cách nào khác ngoài việc cha mẹ phải học cách yêu thương con để kéo con ra khỏi những trầm cảm đó.
Liên tiếp các vụ học sinh tự tử vì áp lực khiến dư luận bàng hoàng, xót xa
Dấu hiệu trầm cảm
Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Thị Vân Anh - Viện sức khoẻ tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, tỉ lệ trầm cảm ở trẻ em và vị thành niên tương đối lớn.
Về mặt bệnh lý, các trường hợp đến khám trực tiếp chuyên khoa rất đa dạng về rối loạn cảm xúc hàng đầu như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực… Ngoài ra các em cũng mắc phải một số rối loạn hành vi như nghiện game, nghiện mạng xã hội và các rối loạn thần…
Đa số các bệnh nhân đến khám đều đã có triệu chứng rõ và bệnh cảnh nặng nề, rất ít người phát hiện sớm để khám sàng lọc. Nhiều ca bệnh đến viện phải cấp cứu về mặt tâm thần như nhịn ăn nhiều tháng, đến viện trong tình trạng suy kiệt, sụt cân trầm trọng. Một số trường hợp đến với tình trạng chi chít vết cắt trên tay, la hét, đập phá đồ đạc, làm tổn thương, đánh đập người nhà.
Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Thị Vân Anh - Viện sức khoẻ tâm thần Quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: TL)
Bác sĩ khuyến cáo, với trẻ vị thành niên, các dấu hiệu của trầm cảm rất đa dạng, thường mất thời gian khoảng 2 tuần để chẩn đoán trầm cảm. Các biểu hiện của trầm cảm là các em cáu kỉnh, hay khóc, thay đổi cảm xúc, mất hi vọng, không tin vào tương lai; các triệu chứng cơ thể đau đầu, đau thay đổi vị trí; chán ăn, sút cân hoặc ăn nhiều béo phì, đảo lộn chu kỳ giấc ngủ hoặc ngủ nhiều hơn...
Ở trường, các em có biểu hiện giảm tập trung, ảnh hưởng kết quả học tập; thu mình, bị cô lập, bị bắt nạt; dành thời gian nhiều hơn cho internet, sử dụng chất gây nghiện, chơi game; nặng hơn là triệu chứng ảo giác, hoang tưởng; nặng nhất là suy nghĩ, hành vi tự sát...
Học sinh chịu nhiều áp lực
Nhà văn Hoàng Anh Tú, anh “Chánh văn” của báo Hoa Học Trò, người từng nhận hàng nghìn bức “tâm thư” của học trò nói rằng, học sinh gặp rất nhiều vấn đề trong khi người lớn nghĩ chỉ cần đi kiếm tiền, nuôi sống là xong. Thậm chí, ra đường gặp vấn đề, về nhà một số cha mẹ trút giận lên con cái. Mong con đạt thành tích, không được cũng gây áp lực lên con.
Theo anh Tú, ngày nay các nhà trường không có kinh phí đặt báo, học sinh không có thói quen đọc báo. Tất cả thông tin đẩy lên mạng xã hội, trong khi nơi này chưa được quản lý chặt chẽ.
“Con trai lớn học lớp 10 của tôi vừa khoá tài khoản Facebook, sau đó khoá cả Tik tok vì quá nhiều thông tin xấu độc. Tôi cũng là người tham gia mạng xã hội và có lúc hốt hoảng trước những thông tin, bình luận của người lớn. Tôi rất sợ các con sẽ được những điều đó”, nhà văn Hoàng Anh Tú nói.
Chưa kể, cha mẹ Việt rất dễ quên. Khi xảy ra một vụ việc nào đó, ví như có trẻ bị xâm hại thì lập tức chia sẻ rầm rộ, lùng tìm mua sách phòng tránh xâm hại. Khi có chuyện trẻ tự tử, bạo hành cũng vậy. Nhưng chỉ một thời gian sau, khi những câu chuyện đó lắng xuống, cha mẹ lại tiếp tục đặt kỳ vọng lớn lên vai trẻ. Nhà trường cần thành tích bao nhiêu tỉ lệ học sinh giỏi, cha mẹ cần điểm số của con để khoe lên mạng xã hội.
Nhà văn Hoàng Anh Tú (Ảnh:TL)
Cha mẹ hãy học yêu con đúng cách
Các chuyên gia cho rằng, không phải cha mẹ nào cũng biết cách thể hiện tình yêu với con nên nhiều đứa trẻ khi bị mắng, bị phạt nghĩ rằng cha mẹ không yêu mình, bị áp lực, trầm cảm. Do đó, cách thể hiện tình yêu thương để trẻ thấu hiểu rất quan trọng.
Theo nhà văn Hoàng Anh Tú, để giúp trẻ vượt qua trầm cảm, điều đầu tiên cha mẹ cần xây dựng suy nghĩ tích cực cho các con. Khi cha mẹ có suy nghĩ tích cực thì đứa trẻ nhìn nhận vấn đề nhẹ nhàng hơn.
Thứ 2, giúp con xem trọng giá trị bản thân, giúp con có giá trị trong cuộc sống, giúp con luôn biết tự tin với bản thân mình. Giúp con hiểu về giá trị bản thân cũng là cách giúp con ứng phó với những tồi tệ bên ngoài.
Thứ 3, cha mẹ rất cần có sự kết nối thường xuyên với con cái. Ví dụ, khi đón con tan học về thay vì hỏi con về điểm số có thể hỏi con hôm nay có chuyện gì vui. Vì vậy hãy giữ kết nối với trẻ em lâu nhất.
"Tôi tin rằng không có một bác sĩ nào tốt bằng cha mẹ, không bác sĩ nào khi biết con hiểu rằng giá trị của mình", nhà văn Hoàng Tú cho hay.
Cha mẹ cần nuôi dưỡng con bằng tình yêu thương, sự quan tâm mỗi ngày (Ảnh minh họa)
Đồng quan điểm, chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn cũng khuyên, cha mẹ cần nuôi dưỡng con bằng tình yêu thương, sự quan tâm. Nếu một đứa trẻ hồn nhiên, vô tư bỗng dưng mặt vô hồn, ánh mắt thiếu sức sống, chúng ta có thể đủ tinh tế để nhận ra chúng đang có gì đó không ổn chứ không cần đến những dấu hiệu lâm sàng.
Khi con buồn, bố mẹ quan tâm, hỏi han con sẽ vui lắm thay vì buông những lời trách móc, mắng mỏ kèm theo đó là những câu hỏi về điểm số, thành tích, tạo ra áp lực học tập không hề nhỏ. Đấy không phải giao tiếp mà là tra hỏi.
"Theo tôi, đừng bắt trẻ em lớn lên bằng chúng ta mà phải hạ thấp chúng ta bằng trẻ. Người nước ngoài khi nói chuyện với trẻ con thường cúi hoặc ngồi xuống để thủ thỉ, nói chuyện thân mật, yêu thương", vị chuyên gia tâm lý nói.