Trẻ biết đi sớm có phải do thông minh?
Khoảnh khắc trẻ tập đi rất quan trọng trong quá trình phát triển vì vậy, nhiều người truyền tai nhau rằng "trẻ biết đi càng sớm thì càng thông minh". Quan điểm này liệu có chính xác?
Trẻ biết đi sớm liệu có thông minh?
“Bao giờ thì trẻ biết đi?” hay “Nếu trẻ biết đi muộn có ảnh hưởng gì không?” là hai trong số rất nhiều câu hỏi của cha mẹ về quá trình phát triển của trẻ. Các chuyên gia đã dựa vào nhiều cuộc khảo sát và đưa ra kết quả về thời gian trẻ biết đi. Những con số đều chỉ ra vào khoảng tháng 10 – 12 trẻ có thể biết đi những bước đầu đầu tiên. Bên cạnh đó, thời gian tập đi của trẻ có thể rơi vào 14 – 18 tháng, tùy vào tình trạng thể chất và dinh dưỡng của bé.
Theo đó, trẻ biết đi chỉ khi đạt được một số điều kiện nhất định về thể trạng như cơ xương đủ cứng cáp, hệ thống thần kinh và các cơ bắp phát triển bình thường.

Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập, quá trình phát triển cũng không hề giống nhau nên thời gian biết đi của trẻ không giống nhau. Thông thường trẻ tập ngồi trước, sau đó tập bò, tập đứng và cuối cùng mới tập đi. Miễn là thời gian trẻ biết đi không chậm quá 18 tháng tuổi, quá trình phát triển của trẻ vẫn đang diễn ra bình thường.
Do đó, việc trẻ biết đi sớm hay muộn không nói lên được chỉ số IQ cao hay thấp, càng không thể đánh đồng đến tuổi tập đi nhưng trẻ chưa làm được chứng tỏ chúng chậm phát triển. Nếu đã đến tuổi tập đi nhưng trẻ vẫn chưa đi được, phụ huynh không nên vội vàng ép trẻ tập đi trước vì có thể gây ra nhiều tổn hại đến sức khỏe của con mình.
Trên thực tế, xét về góc độ phát triển, bò mới là một phần quan trọng trong quá trình phát triển vận động và nhận thức. Thông qua bò, trẻ có thể rèn luyện tốt cảm giác cân bằng, phối hợp và nhận thức về không gian xung quanh. Giai đoạn này giúp trẻ tăng cường sức mạnh cơ bắp, phát triển khả năng quan sát và hiểu biết về thế giới xung quanh.
Việc bò cũng ảnh hưởng nhất định đến phát triển trí thông minh của trẻ. Các chuyên gia cho biết, trẻ nên tập bò khoảng 800 giờ trong giai đoạn bắt đầu bò. Đây là thời điểm tốt giúp trí não phát triển nhanh chóng và cải thiện chỉ số IQ.
Hầu hết trẻ học bò trong khoảng từ 7 đến 10 tháng. Nếu trẻ được khuyến khích bò và khám phá môi trường xung quanh, sẽ cảm thấy tự tin hơn trong việc phát triển các kỹ năng vận động khác như đứng lên và đi lại.
Trẻ tập đi sớm có hại như thế nào?
Nếu phụ huynh vội vàng để trẻ bắt đầu tập đi sớm hơn 8 tháng sẽ gây ra một số ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Ảnh hưởng tới chân
Khi trẻ chưa đến tuổi tập đi, xương của chúng chưa có khả năng nâng đỡ sức nặng của cơ thể. Lúc này, nếu bố mẹ dìu trẻ tập đi hoặc cho vào xe tập đi, trẻ sẽ bị mỏi chân. Việc thường xuyên chèn ép xương như vậy sẽ dẫn đến chân bị biến dạng, bị cong hoặc bị kiềng.
Trẻ dễ bị té ngã
Vì cơ thể của trẻ chưa cứng cáp, chưa đủ khả năng giữ thăng bằng nên rất dễ dẫn tới những chấn thương như bị ngã khi tập đi. Tuy nhiên, nếu sau 18 tháng mà trẻ không đi được thì khả năng trẻ bị chậm đi là khá cao, cha mẹ không nên chờ đợi lâu hơn nữa mà cần đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra.

Cha mẹ giúp con tập đi bằng cách nào?
Khi trẻ đã ngồi vững và được gần 8 tháng tuổi, cha mẹ có thể đặt một vật hấp dẫn không xa để kích thích trẻ bò tới lấy. Mục đích của việc này là để hướng dẫn trẻ bò thuần thục hơn, rồi sau đó mới tập đi.
Sau khi trẻ bò nhanh và thuần thục, cha mẹ có thể cho trẻ đứng dậy, lúc đầu không nên đứng quá lâu, nâng dần mức độ và di chuyển dọc theo vật cố định. Sau đó, cha mẹ nắm lấy tay trẻ để trẻ từ từ di chuyển về phía trước, không nên quá vội vàng.
Bài tập này có thể giúp trẻ tập đi mà không cần dụng cụ nào hỗ trợ. Chỉ cần phụ huynh giúp đỡ một chút và tạo hứng thú, trẻ sẽ thích việc tập đi này hơn.
Sau khi luyện tập, trẻ có thể cảm thấy mệt mỏi và không muốn di chuyển. Cha mẹ không nên quá lo lắng, hãy kiên nhẫn và từ từ hướng dẫn, cho trẻ nghỉ ngơi một lúc và ăn một thứ gì đó để bổ sung năng lượng. Nếu trẻ thực sự không muốn di chuyển, hãy thay đổi sang thời gian phù hợp.